Một số kinh nghiệm cải cách chương trình, sách giáo khoa trung học phổ thông ở Trung Quốc
  1. Một số nét giới thiệu về giáo dục phổ thông của Trung Quốc

Ở Trung Quốc, trong hệ thống giáo dục quốc dân có hai hệ thống nhà trường:

  • Các trường giáo dục chính quy, bao gồm các trường học từ bậc mầm non đến đại học. Đến cuối năm học 2000-2001, có khoảng 826.000 trường thuộc hệ thống này, thu hút khoảng 244 triệu học sinh, sinh viên theo học.
  • Các trường thuộc hệ thống giáo dục cho người lớn tuổi, bao gồm các trường dạy nghề ở nông thôn, chuyên nghiệp, đào tạo nghề ở thành phố, đại học, sau đại học cho người đang công tác. Đến cuối năm 2000, có khoảng 667.000 trường thuộc hệ thống này, thu hút 77,6 triệu người theo học.

Như vậy, tính chung cả nước, Trung Quốc hiện có khoảng 1.493.000 trường học với khoảng 321,6 triệu người đang đi học (chiếm khoảng 25 % dân số Trung quốc) – là nước có hệ thống giáo dục và số người đi học lớn nhất thế giới.

Tính đến năm học 2001-2002, hệ thống các trường chính quy bậc phổ thông (bao gồm từ tiểu học đến hết bậc trung học) có:

  • Bậc tiểu học có 490.000 trường, thu hút khoảng 125 triệu học sinh và trên 6,37 triệu giáo viên. So với năm học 2000-2001, số học sinh tiểu học giảm do thực hiện chính sách dân số, số trường tiểu học vì thế giảm khoảng 60.000 trường.
  • Bậc trung học bao gồm các loại trường:
  • Trường trung học (sơ trung và cao trung) * thu hút khoảng 105 triệu học sinh. Riêng trung học phổ thông (THPT) có khoảng 15.000 trường với trên 14 triệu học sinh (tăng trên 2 triệu học sinh so với năm học 2000-2001 khi chúng tôi tới thăm và khảo sát về công tác khoa giáo ở Trung Quốc cuối năm 2001) là nơi đào tạo chính để chuẩn bị nguồn vào học cao đẳng và đại học.
  • Trường trung học nghề nghiệp có 6737 trường với 3,83 triệu học sinh.
  • Trường trung học chuyên nghiệp có 3260 trường với khoảng 4,57 triệu học sinh.
  • Trường công nhân kỹ thuật có 377 trường với 1,34 triệu học sinh.

Như vậy, tính chung ba loại trường trung học nghề nghiệp, trung học chuyên nghiệp và trường công nhân kỹ thuật thu hút khoảng 9,74 triệu học sinh theo học, so với trường THPT là 14 triệu thì tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS ở Trung Quốc đạt khoảng 6:4, vẫn chưa đạt mức mong muốn mà Nhà nước đề ra (phải phấn đấu đạt tỷ lệ phân luồng là 5:5). Bậc cao đẳng và đại học có 1911 trường với trên 4 triệu sinh viên hệ chính quy (nếu kể cả hệ cho người lớn tuổi thì có khoảng 7 triệu sinh viên), tỷ lệ thu hút học sinh nhập học vào cao đẳng, đại học là 13%.

Giáo dục Trung Quốc chia làm ba khu vực có trình độ phát triển khác nhau:

  • Các tỉnh ven biển (9 tỉnh) và các thành phố trực thuộc Trung ương: là nơi có trình độ giáo dục phát triển nhất, đã phổ cập giáo dục nghĩa vụ 9 năm (PCGDNV) và đang PCGD 12 năm và có điều kiện tự đầu tư cho giáo dục.
  • 12 tỉnh miền trung (chiếm 50% dân số cả nước): là nơi có mức phát triển giáo dục trung bình, đã PCGDNV và đang trong giai đoạn quá độ tiến hành PCGD 12 năm.
  • Các tỉnh nghèo miền tây (chiếm 15% dân số cả nước) giáo dục chậm phát triển, còn những vùng (Tây Tạng, Quý Châu…) chưa PCGDNV, đang phấn đấu trong vòng 5-10 năm tới hoàn thành chỉ tiêu này.
  1. Kinh nghiệm tổ chức cải cách chương trình, biên soạn sách giáo khoa, xây dựng giáo trình tự chọn (sau đây viết tắt là CC CT, SGK, GT) ở Trung Quốc
  1. Vì sao phải cải cách và cách tiến hành cải cách giáo dục THPT?

Trước cải cách và mở cửa, giáo dục phổ thông Trung Quốc chủ yếu theo mô hình giáo dục của Liên xô cũ, học sinh phải học theo chương trình với các môn học do Nhà nước quy định và yêu cầu thống nhất như nhau, không có các môn học tự chọn. Từ khi bước vào cải cách và mở cửa, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đặc biệt coi trọng phát triển giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông để tạo nền tảng cho việc đào tạo nhân lực, nhân tài phục vụ hiện đại hóa đất nước. Đối với giáo dục nghĩa vụ 9 năm (tiểu học và THCS), chương trình và giáo trình là bắt buộc do Nhà nước quy định. Tuy vậy, gần đây cũng đã xuất hiện một số chương trình tự chọn ở THCS và cả ở tiểu học, chủ yếu theo nhu cầu của các địa phương và học sinh, do các trường tự biên soạn và tổ chức dạy. Trong thập niên đầu cải cách (khoảng những năm 80 đến đầu những năm 90 thế kỷ 20), ở bậc cao trung tự phát xuất hiện nhu cầu của học sinh tự chọn học và giáo viên tổ chức dạy tập trung vào một số nhóm môn học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) tương ứng với các môn thi đại học theo kiểu phân ban (thực chất ở Trung Quốc, Nhà nước không chủ trương phân ban, bạn gọi cách học và dạy học xuất hiện như vừa mô tả là một nền giáo dục "ứng thí").

Đến giữa những năm 90, Trung Quốc nhận thấy nhu cầu của xã hội về nhân lực và nhân tài là hết sức đa dạng; sự phát triển và khả năng của học sinh cũng rất đa dạng, do đó dùng một CT, SGK, GT thống nhất đối với mọi học sinh THPT là không thích hợp. Yêu cầu của sự nghiệp cải cách, mở cửa, đi vào thế kỷ 21 đòi hỏi phải vừa thay đổi cơ cấu CT, SGK, GT ở THPT đáp ứng các nhu cầu trên, nhưng vừa phải vẫn giữ được tính chất nền tảng của giáo dục phổ thông. Mục tiêu của cải cách giáo dục THPT là làm cho học sinh nắm được kiến thực phổ thông cơ bản, có lòng yêu nước và quý trọng văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm với xã hội, có tinh thần nhân văn, có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh. Việc cải cách giáo dục THPT phải nằm trong hoạt động cải cách chung của ngành giáo dục dưới sự quản lý của Nhà nước, nhằm thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội XVI vừa tiếp tục khẳng định là Trung Quốc phải đào tạo tốt nhân lực cho sự phát triển đất nước và dân tộc Trung Hoa, đặc biệt chú trọng việc đào tạo đội ngũ chuyên gia tài năng, đáp ứng các nhu cầu phong phú của xã hội; đồng thời quan tâm thỏa mãn nhu cầu phát triển từng cá nhân. Bạn cho rằng, sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc hiện nay đã đến giai đoạn phải chuyển hướng đòi hỏi đối với giáo dục, từ chỗ trước đây đặt trọng tâm chú ý nhiều đến giáo dục nền tảng, đại chúng thì nay phải chuyển trọng tâm chú ý sang giáo dục đào tạo đội ngũ nhân tài đặc biệt cho mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, đồng chí Giang Trạch Dân đã nêu tư tưởng chỉ đạo đối với giáo dục là đổi mới, sáng tạo nền giáo dục để đào tạo đội ngũ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và dân tộc Trung Hoa.

Việc CC CT, SGK, GT được thử nghiệm bắt đầu từ năm học 1996-1997 ở thành phố Thiên Tân và hai tỉnh Sơn Tây, Giang Tô (bạn gọi là hai tỉnh, một thành). Từ năm học 1997-1998, Bộ Giáo dục Trung Quốc chủ trương thử nghiệm CC CT, SGK, GT ở THPT, đến năm 2000 chính thức công bố chương trình THPT mới để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và triển khai trên diện rộng từ năm học 2000-2001. Từ đầu năm 2002, đã tiến hành điều tra trong nội bộ ngành ở trên 1000 trường trung học, cao trung, hỏi ý kiến giáo viên, học sinh thuộc 10 tỉnh; đồng thời tiến hành điều tra rộng rãi ý kiến xã hội (các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp) hỏi ý kiến về thái độ, đánh giá của họ về CT, SGK, GT mới và chất lượng giáo dục THPT hiện nay của Trung Quốc.

Từ kết quả điều tra, bạn đi đến các kết luận chính sau:

  • Nhu cầu của xã hội đối với nhân tài là hết sức đa dạng, đòi hỏi có nhiều nhân tài trên các lĩnh vực khác nhau.

  • Sự phát triển của học sinh cũng hết sức đa dạng, vừa đòi hỏi có sự đáp ứng chung, vừa có nhu cầu riêng cho từng cá nhân.

Ở giai đoạn học THPT, học sinh có biến đổi theo hướng dần ổn định cả về thể chất và suy nghĩ; đây là giai đoạn quyết định để các em lựa chọn hướng học tập tiếp theo, chuẩn bị trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, nguồn nhân tài của xã hội. Vì vậy, nếu dùng một yêu cầu với chương trình và sách giáo khoa thống nhất như nhau là không thích hợp, phải thay đổi cơ cấu chương trình. Đối với chương trình đang thử nghiệm, cần nhấn mạnh các hoạt động mang tính nghiên cứu, sáng tạo và các hoạt động phục vụ xã hội.

Trên cơ sở các kết luận điều tra, một năm qua, hơn 100 chuyên gia đầu ngành, cùng hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, cán bộ chỉ đạo đã xác định phải cơ cấu lại 13 môn học THPT theo 2 hướng: theo lĩnh vực và theo hướng tổng hợp. Theo bạn đánh giá, đây là giai đoạn có bước tiến rõ nhất về chương trình, giáo trình tự chọn ở THPT: từ chỗ không có đến có, từ có đến nâng cao chất lượng, từ chỗ là phụ đang trở thành chủ đạo trong chương trình giáo dục THPT.

Hiện nay, bạn đã làm xong việc điều chỉnh, hoàn thiện CT, SGK, GT mới ở THPT và đang trình Bộ Giáo dục phê duyệt; dự định sẽ phê duyệt cuối năm 2002 để áp dụng rộng rãi trong cả nước bắt đầu từ năm học 2004-2005 đồng thời đối với tất cả các lớp từ 10 đến 12 của bậc THPT.

Một điều gây ấn tượng đối với tôi là số cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu tham gia nghiên cứu và chỉ đạo xây dựng chương trình THPT mới tiếp Đoàn công tác đều còn khá trẻ (độ tuổi khoảng 40-45), nhưng có trình độ và hiểu biết các vấn đề chuyên môn rất sâu sắc, trình bày các vấn đề rất mạch lạc, dễ hiểu.

  1. Nguyên tắc cải cách chương trình giáo dục THPT

Việc xây dựng chương trình mới phải xuất phát từ nhu cầu của đất nước xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và từ nhu cầu học tập của học sinh. Phải kế thừa những ưu điểm của nền giáo dục từ sau khi thành lập nước (1949), tiếp thu những kinh nghiệm của các nước phát triển Âu – Mỹ.

Chương trình mới phải bảo đảm quyền học tập của mỗi người theo Hiến pháp, tôn trọng tâm sinh lý lứa tuổi và quy luật hoạt động giáo dục làm cho học sinh phát triển toàn diện, năng động. Chú trọng vào hai mặt: tiếp tục bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa các nước và những thành quả phát triển khoa học công nghệ mới trên thế giới.

  1. Nội dung cải cách chương trình giáo dục THPT

Nội dung chương trình cải cách phải làm cho mỗi người học đạt được 4 mặt thống nhất: giữa giáo dục văn hóa với giáo dục tư tưởng đạo đức; giữa học tập trong sách vở với học tập trong thực tiễn; giữa nâng cao giá trị của cá nhân với phục vụ xã hội; có hoài bão lớn lao với ý thức phấn đấu gian khổ để thực hiện hoài bão. Mục tiêu hướng vào bồi dưỡng tố chất và kỹ năng tổng hợp, phương pháp học tập gắn với tự nghiên cứu và hợp tác của học sinh, tôn trọng cá tính và sự lựa chọn của học sinh.

Theo hướng lĩnh vực, chương trình mới được chia thành 8 lĩnh vực: 1) Ngôn ngữ và văn học, 2) Toán, 3) Khoa học tự nhiên, 4) Khoa học xã hội và nhân văn, 5) Thể dục và sức khỏe, 6) Kỹ thuật, 7) Các hoạt động tổng hợp, 8) Nghệ thuật. Việc xác định 8 lĩnh vực là dựa trên kết quả điều tra nhằm vừa bảo đảm nền tảng học vấn phổ thông cơ bản, vừa chú ý đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, nhu cầu phát triển của mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Một số lĩnh vực có các môn học truyền thống cụ thể, trong đó có môn chính và môn phụ trợ. Thí dụ: lĩnh vực 1) có môn Hán ngữ và các ngoại ngữ 1, 2; lĩnh vực 4) có môn sử, địa, chính trị. Trong số các môn học đó, có những môn phải viết SGK, GT, nhưng cũng có những môn thì chỉ viết dạng tài liệu cung cấp kiến thức, hướng dẫn hoạt động là đủ; trên cơ sở xác định môn nào là bắt buộc, môn nào là tự chọn. Mỗi môn học lại có nhiều môđun, trong đó cũng có những môđun bắt buộc và môđun tự chọn (học sinh có thể chọn học tuỳ theo định hướng nghề nghiệp, hứng thú, năng lực của bản thân); thí dụ môn lịch sử có 8 môđun, thì 3 môđun bắt buộc (mọi học sinh đều phải học) và 5 môđun tự chọn.

Theo hướng tổng hợp, chương trình mới phải xây dựng một số môn học mới mang tính tích hợp, tổng hợp nhiều loại kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn đời sống và sinh hoạt, hoạt động xã hội. Theo hướng này, CT tập trung vào 4 nhóm vấn đề: 1) Hoạt động học tập mang tính nghiên cứu; 2)  Các hoạt động phục vụ xã hội; 3) Các hoạt động lao động kỹ thuật; 4) Các hoạt động tham gia vào thực tiễn xã hội. Yêu cầu phải xây dựng CT, GT vừa phát huy hứng thú sở trường của cá nhân, vừa hướng các em đi vào phục vụ nhu cầu của xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh hai nhóm vấn đề 1) và 2).

Tính chung, tỷ lệ mô đun bắt buộc chiếm khoảng 65%, môđun tự chọn chiếm khoảng 35% chương trình (qua thử nghiệm bạn thấy tỷ lệ này là hợp lý). Số tiết cho một môđun tự chọn là 36 tiết. Khác với giáo dục "ứng thí" trước đó, khi tự chọn là do học sinh tự quyết định là chính, thì nét nổi bật nhất của lần cải cách này là việc học tự chọn của học sinh THPT là chủ trương của Nhà nước. Theo chương trình toàn cấp quy định, thông thường các lĩnh vực bắt buộc học sinh được bố trí học và kết thúc học tập trong các lớp 10 và 11; còn sau khi kết thúc phần phổ thông cơ bản đó, các em có thể chọn các môđun tự chọn (thường ở lớp 12) của các môn học theo nhu cầu phát triển và hứng thú của bản thân. Cách làm này giúp học sinh có thể tự định hướng trong từng năm học phải kết thúc môđun bắt buộc nào, bắt đầu môđun tự chọn nào, tức có thể giúp các em vừa bảo đảm tốt nghiệp THPT, vừa chuẩn bị vào đại học hoặc học nghề, tham gia lao động sản xuất.

  1. Các loại chương trình tự chọn và phương thức tiến hành giáo dục tự chọn
  1. Hiện trong chương trình THPT của Trung Quốc có hai loại tự chọn là tự chọn bắt buộc và tự chọn tùy thích với các CT tự chọn sau:
  • Loại CT tự chọn được quy định bởi CT khung do Bộ Giáo dục quy định, việc biên soạn SGK, GT theo CT khung do Nhà xuất bản giáo dục thực hiện.
  • Loại CT tự chọn của nhà trường, hoàn toàn do từng trường chủ động biên soạn và thực hiện, mang dấu ấn riêng của mỗi trường, không phụ thuộc nhiều vào chương trình khung của Bộ hay các môn thi vào đại học. Thí dụ, ở Giang Tô có trường có môn tự chọn Khảo cổ học, Chính trị học v.v. phục vụ nâng cao hiểu biết cho học sinh.
  • Loại CT tự chọn về các môn nghệ thuật, thường diện hẹp, do các trường phổ thông năng khiếu soạn, phục vụ số ít học sinh có năng khiếu theo học để có thể thi vào các trường cao đẳng, đại học nghệ thuật.
  • Loại CT tự chọn để nâng cao khả năng nghe nói về ngoại ngữ (thí dụ: tiếng Anh), không đòi hỏi khi thi đại học, mà nhằm đáp ứng các nhu cầu cần thiết để giao lưu, làm việc.
  • Loại CT tự chọn về phương pháp, như về phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu.
  • Loại CT tự chọn liên môn, mang tính tổng hợp.
  1. Có 4 phương thức chính tiến hành giáo dục tự chọn:
  • Thầy cô giáo lên lớp, học sinh tiếp thu.
  • Học sinh tự nghiên cứu, nêu vấn đề theo CT, GT; giáo viên, cán bộ hướng dẫn giải đáp.
  • Mời chuyên gia vào trường tổ chức tọa đàm, trao đổi với học sinh.
  • Phương pháp tổng hợp ba hình thức trên.
  1. Cách tổ chức biên soạn sách giáo khoa, xây dựng giáo trình

Tư tưởng chỉ đạo trong việc biên soạn SGK, GT là ngành giáo dục phải cung cấp cho người học một nguồn "tài nguyên giáo dục" phong phú để họ lựa chọn.

Sau khi học xong chương trình cơ bản bắt buộc của môn học với mọi học sinh, có thể có nhiều SGK, GT tự chọn cho một chương trình với những cấp trình độ khác nhau. Thí dụ cùng là SGK Toán lớp 10, có thể có Toán 10 (I) và Toán 10 (II); tuỳ theo mức độ đòi hỏi chuyên sâu của từng học sinh mà họ có thể chọn học theo cuốn sách nào thích hợp.

Việc biên soạn SGK, GT do cả 3 cấp: nhà nước, tỉnh và trường thực hiện. Nhà nước chỉ căn cứ chuẩn CT để quyết định người viết mà không hạn chế người biên soạn SGK, GT. Ai có đủ tư cách có thể đăng ký viết sách, và phải thông qua đề cương cuốn sách với cơ quan quản lý biên soạn SGK, GT. Chủ trương một CT, nhiều bộ SGK, GT được Nhà nước xác định từ những năm 80, nay đã qua quá trình hoàn thiện (không chỉ quy trình biên soạn, mà cả quy trình xuất bản). Trung tâm phát triển CT, SGK giáo dục phổ thông thuộc Bộ Giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý biên soạn SGK, GT của Nhà nước. Trung tâm này có nhiệm vụ xác định chuẩn SGK, lựa chọn quyết định người viết SGK và thẩm định SGK đã viết, quyết định cho phép sử dụng SGK trong nhà trường phổ thông. Các SGK đã được Trung tâm thẩm định và cho phép sử dụng đều là SGK "hợp pháp" và được tự do sử dụng trong trường phổ thông. Sau khi sử dụng một thời gian, Trung tâm tổ chức đánh giá hiệu quả và giới thiệu bộ SGK tốt nhất dùng cho nhà trường, tổ chức đấu thầu và phát hành SGK tốt nhất về cho các trường sử dụng (bạn cho rằng làm như vậy mà không để trường tự do chọn SGK để tránh hiện tượng hối lộ để được đưa SGK vào sử dụng). Các SGK, GT của tỉnh, của trường (viết theo CT và chuẩn của địa phương quy định) do tỉnh tổ chức quản lý biên soạn và thẩm định, thường là các SGK, GT các môn mang tính địa phương hoặc các môn tự chọn tùy thích.

  1. Chuẩn bị điều kiện thực hiện triển khai đại trà CT, SGK, GT THPT mới

Đồng thời với việc tổ chức xây dựng CT, biên soạn SGK, GT mới bậc THPT, bạn đặc biệt chú ý tiến hành công tác chuẩn bị các điều kiện đồng bộ để đến khi CT, SGK, GT mới được chính thức phê duyệt, cho phép triển khai đại trà thì bớt gặp khó khăn, lúng túng cho các nhà trường trong việc tổ chức thực hiện. Các việc chính bạn tập trung giải quyết là:

  1. Chuẩn bị cơ sở trường lớp (bao gồm cả các phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng đa chức năng, sân chơi thể thao v.v.)

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành chuẩn quy định về cơ sở vật chất đối với một trường trung học (hoặc THPT). Chuẩn quy định những yêu cầu tối thiểu trường phải đáp ứng như về diện tích chung của trường, tiêu chuẩn phòng học (về diện tích, ánh sáng, độ thông thoáng, trang bị bàn ghế, bảng v.v.), số loại phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng nghe nhìn, vườn trường, thư viện (bao gồm thư viện thường và cả thư viện điện tử), hội trường, phòng đa chức năng về nghệ thuật, studio, các loại sân vận động (thường mỗi trường đều có một sân bóng đá kết hợp điền kinh ngoài trời, sân điền kinh có mái che để tập mùa đông, vài sân bóng rổ, tennit …), ký túc xá cho học sinh, nhà ăn tập thể v.v.

  1. Chuẩn bị trang thiết bị dạy học

Bộ Giáo dục Trung Quốc có Trung tâm nghiên cứu cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, Trung tâm này đã nghiên cứu để Bộ ban hành quy định về danh mục và chuẩn thiết bị dạy học trong nhà trường trung học. Tại các tỉnh, Bộ thẩm định và thành lập các Trạm cung cấp và quản lý trang thiết bị dạy học cho các nhà trường tại địa phương theo chuẩn của Bộ.

Đối với các môn học cơ bản truyền thống như lý, hóa, sinh đều có phòng thí nghiệm, phòng thực hành với trang bị đủ dụng cụ thí nghiệm cơ bản cho từng học sinh. Đầu mỗi học kỳ, học sinh được cung cấp hóa chất, vật liệu để thực hiện đủ các bài theo quy định của CT. Các phòng thí nghiệm, thực hành các môn này ở nhiều trường có đội ngũ giáo viên chuyên trách, chuyên làm công tác quản lý thiết bị, chuẩn bị các bài thí nghiệm, thực hành cho học sinh trước giờ thực tập; những trường chưa có biên chế giáo viên chuyên trách thì giáo viên môn học vừa quản lý, vừa hướng dẫn học sinh học, sử dụng phòng thí nghiệm, thực hành. Ngoài phần cơ bản do Nhà nước đáp ứng, tuỳ theo nhu cầu thí nghiệm, thực hành học sinh đề xuất và tự kiếm thêm trang thiết bị phù hợp với nội dung bài học.

Các môn lao động kỹ thuật, một số trường có phòng tiện, nguội, nhưng mức độ trang bị cho các trường khác nhau tuỳ theo khả năng kinh phí của các địa phương, các trường. Các phòng thực hành lao động kỹ thuật phải chú ý điều kiện đáp ứng khả năng thực hành của học sinh. Một số trường, bên cạnh số thiết bị chuẩn theo danh mục, còn tự trang bị các thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, thực hành như môn Vật lý có thí nghiệm qua máy tính, hoặc thiết bị loại người máy, điện, điện tử, có đài quan sát thiên văn v.v.

Về nguyên tắc, Bộ Giáo dục quy định, tất cả các môn học bắt buộc đều phải có ít nhất một trong các phòng thí nghiệm, phòng thực hành hoặc phòng bộ môn; nhưng trên thực tế, hiện chỉ có những môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật là có loại phòng này, các môn còn lại bạn đang phải trang bị dần và dựa vào khả năng của từng trường là chính. Hiện nay, khả năng tài chính đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị dạy học chưa theo kịp nhu cầu, Chính phủ Trung Quốc chủ trương xã hội hóa việc tăng cường trang thiết bị dạy học bằng cách giao nhiệm vụ các trường cao đẳng, đại học tạo điều kiện cho học sinh THPT có thể tới đó để thực hiện một số bài thí nghiệm, thực hành.

Thực hiện chủ trương tăng cường dạy tin học trong nhà trường (dạy từ tiểu học, hiện đang đặt mục tiêu rất khó là phấn đấu đến năm 2010, 90% số trường tiểu học có thể sử dụng các trang thiết bị tin học), những năm gần đây Chính phủ Trung Quốc đã chi từ ngân sách (trung ương và dịa phương) trên 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,2 tỷ đô la Mỹ) cho việc mua sắm thiết bị tin học cho các trường phổ thông; chưa kể phần do các trường tự trang bị. Vì vậy, các trường phổ thông nói chung, nhất là các trường THPT đều đã được trang bị đủ và trên chuẩn quy định về tỷ lệ học sinh/máy tính cá nhân và cung cấp máy tính cho giáo viên (ở những trường chúng tôi đến thăm và làm việc, thường đạt mức từ 3-4 học sinh/1 máy và mỗi giáo viên đều được cung cấp miễn phí 1 máy tính xách tay, được hỗ trợ kinh phí sử dụng mạng). Các trường trung học đều có mạng nội bộ của trường và có thể nối mạng với cả nước và Internet.

Đối với các môn học tự chọn, học sinh học tại các phòng bộ môn, hoặc tại các khu đa chức năng về nghệ thuật, thể dục thể thao, mỹ thuật của trường.

  1. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Bạn rất coi trọng giáo dục sư phạm, vấn đề giáo viên luôn là đầu đề của các nhà quản lý giáo dục nói chung, trong CC CT, SGK, GT nói riêng. Đối với giáo sinh đang học tại các trường sư phạm đều được tiếp xúc với  quan điểm và nội dung của CT, SGK, GT mới; tuy nhiên, việc dạy cho họ chủ yếu vẫn là những kiến thức và kỹ năng cơ bản của nghề sư phạm tương ứng với yêu cầu cấp học họ sẽ dạy. Đối với giáo viên đương chức, họ gặp nhiều khó khăn hơn về năng lực và tư tưởng khi tiếp nhận CT, SGK và GT mới, do họ đã hình thành các thói quen dạy theo CT, SGK và phương pháp dạy học cũ. Hiện nay, bạn đang tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên đương chức tại các trung tâm bồi dưỡng giáo viên và tại các trường, quan tâm chủ yếu đến hai vấn đề là quan niệm của họ để tạo sự đồng tình (kết quả điều tra cho thấy đa số giáo viên đồng tình với CC CT, SGK) và giải tỏa lo lắng khi thực hiện CT, SGK mới; và về thể chất của họ đáp ứng điều kiện dạy theo CT, SGK mới. Đối với những nơi còn ý kiến phản đối hoặc chưa hiểu, Bộ Giáo dục cử cán bộ đến tận nơi giải thích, bồi dưỡng cho họ.

Việc bố trí giáo viên được tính theo lớp ở tiểu học với định mức 1 giáo viên/20 học sinh; ở bậc trung học theo môn học, đối với trung học cơ sở là 1 giáo viên/19,2 học sinh, đối với THPT là 1 giáo viên/16,7 học sinh. Khó khăn nhất là phải yêu cầu mỗi giáo viên đăng ký dạy ít nhất một môn tự chọn (ngoài môn bắt buộc dạy chính) và thực hiện dạy học theo môđun, theo phương pháp phân hóa đối với từng nhóm hoặc từng học sinh, hướng dẫn học sinh học tập kết hợp nghiên cứu vì những việc này đòi hỏi tăng cường độ lao động của giáo viên lên rất nhiều. Bạn có cho biết, phải chú ý xây dựng cơ chế quản lý và chính sách để giáo viên tham gia hết lòng việc CC CT, SGK, GT; nhưng do thời gian làm việc ngắn nên Đoàn cũng chưa có điều kiện tìm hiểu cụ thể. Khi xuống các trường, mỗi trường mà Đoàn đến làm việc đều có những cách quản lý và chính sách riêng để thực hiện việc này, nhưng vì đó là các trường loại 1 hoặc trọng điểm, nên có thể đó chưa phải là những chính sách và cơ chế quản lý chung, phổ biến nhất đối với giáo viên trong các trường trung học ở Trung Quốc.

  1. Thay đổi cách đánh giá, thi cử của học sinh (bao gồm cả cải cách thi tuyển sinh vào đại học)

Đánh giá kết quả học tập của học sinh là một vấn đề thống nhất và cũng được thay đổi phù hợp với việc thay đổi CT, SGK, GT ở THPT. Có ba cấp độ tổ chức thi cử, đánh giá là: cấp nhà nước, cấp địa phương (tỉnh hoặc liên vùng liên kết tổ chức thi) và cấp trường. Chỉ ở tiểu học việc đánh giá học sinh không cho điểm, từ bậc trung học phần lớn các môn bắt buộc đều cho điểm, chỉ một số môn như máy tính, nghệ thuật, thể dục thì chỉ đánh giá đạt hoặc không mà không cho điểm, các môn tự chọn phần lớn đều không cho điểm mà chỉ hướng dẫn và đánh giá học sinh có đạt hay không.

Các kỳ thi được đánh giá cấp độ quốc gia là các kỳ thi tốt nghiệp THCS, thi vào THPT và thi tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết lớp 9 phải qua kỳ thi tốt nghiệp THCS bao gồm 5 môn, các môn thi được công bố trước một năm, học sinh thi đỗ được cấp bằng. Đề thi do tỉnh ra đề, hoặc tỉnh ủy nhiệm cho từng khu vực của tỉnh ra đề, căn cứ theo chuẩn để ra đề, không được ra đề tủ, quá khó hoặc mẹo mực, ra ngoài chương trình học sinh được học. Sau khi thi tốt nghiệp THCS, có kỳ thi vào THPT, nhưng cũng có nơi kết hợp hai kỳ thi này làm một. Tuy nhiên theo thống nhất quản lý, gần đây Bộ Giáo dục yêu cầu các địa phương phải tổ chức hai kỳ thi này riêng biệt. Theo quan điểm của bạn, kỳ thi tốt nghiệp là nền tảng để đánh giá chất lượng THCS, làm hai kỳ thi riêng biệt giúp đánh giá thực chất hơn chất lượng của THCS và giúp giảm bớt số môn học sinh phải thi để vào THPT, số môn thi vào THPT là 3 môn, cụ thể môn nào do từng tỉnh quyết định.

Theo CT, SGK mới của THPT, bạn tổ chức hình thức Hội khảo, do tỉnh quản lý và tổ chức (từ khâu ra đề, tổ chức thi, xác định chuẩn đạt). Học sinh THPT học hết môn nào thi môn đó, nên các năm lớp 10, 11 và 12 đều có các kỳ thi hết môn: Lớp 10 thi hết các môn Địa, Sinh; Lớp 11 thi hết các môn Lý, Hóa, Sử, Toán, Máy tính; Lớp 12 thi Ngữ văn, Ngoại ngữ, Chính trị. Thi hết môn đây là thi theo trình độ chuẩn quy định học sinh phải nắm được đối với mỗi môn học bắt buộc phải thi và chấm điểm để được cấp bằng THPT (không kể các môn phải thi nhưng chỉ cấp chứng nhận đạt hay không); sau khi đã đạt chuẩn, học sinh vẫn học tiếp một số môn đó theo chương trình tự chọn đáp ứng nhu cầu chuẩn bị thi vào đại học, môn nào không thi đại học và học sinh không có nhu cầu có thể không học tiếp. Hội khảo được tổ chức hai lần trong một năm, vào mùa xuân và mùa thu. Học sinh được tự quyết định thi vào lúc nào, bao nhiêu lần để có được điểm tốt nhất. Để được tốt nghiệp THPT, học sinh phải tích lũy đủ điểm đạt yêu cầu đối với các môn bắt buộc có cho điểm, và phải có không quá 2 môn không đạt chuẩn thì mới được công nhận tốt nghiệp. Với hình thức Hội khảo, tỉnh sẽ là cấp chịu trách nhiệm đối với việc tốt nghiệp THPT, không có kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia. Nhà nước chỉ kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tỉnh về việc này theo các chuẩn quy định chung của quốc gia.

Trở ngại lớn nhất của việc CC CT, SGK ở THPT là áp lực của các kỳ thi vào đại học, do ảnh hưởng của quan niệm truyền thống ở Trung Quốc rất coi trọng việc thi cử, đỗ đạt, làm quan. Bộ Giáo dục kiên quyết không lấy việc có bao nhiêu học sinh đỗ vào đại học để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông nói chung, chất lượng của từng trường nói riêng để tránh việc các trường trung học, THPT chỉ hướng học sinh vào đại học; nhưng hầu hết các trường THPT lại rất coi trọng chỉ số này, vì đó là uy tín của trường trong xã hội (thậm chí, như trường trung học dục tài Quảng Châu coi đây là chỉ tiêu chính đánh giá chất lượng của trường). Hiện nay, việc tổ chức thi đại học ở Trung Quốc đã có cải cách, số môn thi đại học là  3 + X, trong đó 3 là ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), X là môn thi tích hợp một số môn theo các lĩnh vực của CT, tùy theo ngành học, trường đại học mà X có thể là môn tích hợp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, môn năng khiếu v.v. Đề thi đại học do Trung tâm khảo thí quốc gia ra thống nhất trong cả nước, chỉ đặc cách riêng cho Thượng Hải được ra đề thi đại học riêng. Trước khi học sinh vào lớp 12, Trung tâm khảo thí có bản Hướng dẫn, nói rõ cho học sinh biết hướng thi vào đại học theo từng nhóm ngành hoặc từng ngành phải chuẩn bị gì. Nội dung thi hoàn toàn phải nằm trong CT, SGK bắt buộc và tự chọn bắt buộc, nhưng câu hỏi không có sẵn mà thường mang tính tổng hợp các nội dung học sinh đã học, đáp ứng cả ba yêu cầu: tri thức cơ sở, khả năng thực hành, ứng dụng thực tiễn. Thí dụ, kỳ thi đại học năm 2002, có câu hỏi (của môn X):" Em hãy nêu biện pháp xử lý lũ sông Trường Giang". Đây là câu hỏi tổng hợp đòi hỏi học sinh phải hiểu cả về địa lý, lịch sử, cả về chính trị của Trung Quốc thì mới có thể trả lời đạt kết quả tốt. Đáp án của mỗi đề thi do một nhóm chuyên gia giỏi thảo luận và thống nhất, không phải chỉ riêng người ra đề thi thì ra đáp án. Điểm đánh giá cho theo thang điểm 150 với ba môn bắt buộc và 300 đối với môn X.

Bạn có quan điểm cho rằng cần hạn chế thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, vì việc này không phản ánh đúng trình độ học sinh; hơn nữa, nhiều vấn đề thực tiễn, xã hội có nhiều phương án giải quyết đòi hỏi phải trình bày cả tư duy, suy nghĩ sáng tạo, ý kiến cá nhân của người giải quyết chứ không phải là sự lựa chọn một hoặc một số phương án cho sẵn khi tiến hành theo trắc nghiệm. Vì vậy, cần tăng cường hình thức thi tự luận, vừa tránh được việc học vẹt, học máy móc theo SGK, GT, học tủ, vừa kiểm tra được tính sáng tạo, khả năng tổng hợp, ứng dụng của học sinh. Đối với các môn học có liên quan đến thực hành (như Lý, Hóa, Sinh), học sinh còn phải qua kiểm tra thực hành tại phòng thí nghiệm. Ngoài ra, còn có hình thức đề thi mở, công bố trước kỳ thi cho học sinh biết để chuẩn bị, khi thi học sinh được mang tài liệu vào phòng thi và trình bày bài làm trong một khoảng thời gian quy định những hiểu biết của mình về vấn đề đề bài ra. Thí dụ, ở tỉnh Cát Lâm, học sinh được công bố đề thi trước một tháng đề bài:"Em hãy trình bày hiểu biết của em về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2002". Trong tháng đó, học sinh phải thu thập, phân tích tư liệu, cập nhật số liệu mới để có thể làm bài và trình bày với giám khảo.

  1. Thay đổi cung cách quản lý dạy học ở trường THPT

Để quản lý việc thực hiện CT, SGK, GT mới, bạn dùng biện pháp 3 cấp quản lý: trung ương, tỉnh và trường. Nói 3 cấp quản lý không có nghĩa là mỗi cấp đưa ra CT, SGK, GT riêng, mà là cả 3 cấp cùng tham gia quản lý thực hiện CT, SGK, GT ở các trường học. Khắc phục cách làm trước đây, Nhà nước quy định từng môn học, tiết học theo thời khóa biểu; nay Nhà nước chỉ quy định số môn học và số tiết học cho mỗi môn. Các tỉnh, các trường có thể chủ động bố trí thời gian học cho phù hợp điều kiện lãnh thổ, nhưng phải bảo đảm đủ thời lượng học theo chuẩn quy định của Nhà nước, chịu sự thanh tra, giám sát của Nhà nước. Đối với từng tiết học, cũng không quy định cụ thể là bao nhiêu phút một tiết, độ dài của từng tiết học do tỉnh, trường quy định; nhưng thời gian lên lớp của một ngày học phải đúng chuẩn quy định của Nhà nước. Đây chính là hướng để xây dựng mô hình thời khóa biểu mở và tiết học mở. Trong CT quy định rõ tỷ lệ 85 % CT do Nhà nước quản lý, 15% CT do tỉnh và trường quản lý. Nói 3 cấp quản lý còn là nói về việc cả 3 cấp cùng tham gia quản lý việc biên soạn CT, SGK, GT tự chọn, nhất là tăng vai trò của nhà trường trong việc này (như đã trình bày ở phần 3. và 5. mục II.).

Việc tổ chức dạy học ở trường trung học và THPT được tiến hành 5,5 ngày trong tuần, học sinh học 2 buổi/ngày. Thời khóa biểu được bố trí là buổi sáng học 5 tiết chương trình bắt buộc (riêng lớp 12 vì số môn bắt buộc còn ít thì bố trí cả tự chọn); buổi chiều học 2 tiết đầu chương trình tự chọn bắt buộc (thực tế ở các trường Đoàn đến làm việc, chỉ bố trí 3 ngày học tự chọn các môn mang tính văn hóa, nghệ thuật, còn lại bố trí cho các hoạt động tổng hợp), sau đó từ 15 giờ đến 17 giờ học các môn tự chọn tùy thích (thông thường là các hoạt động thể thao, nghệ thuật, mỹ thuật v.v.); riêng sáng thứ bảy hàng tuần đều bố trí các hoạt động tự chọn mang tính chất đoàn, đội (hiểu theo nghĩa là các hoạt động tập thể, chứ không hoàn toàn là hoạt động của Đoàn TNCS). Đối với học sinh ở nội trú (thường chỉ ở các thành phố lớn), nhà trường quy định cả giờ tập thể dục buổi sáng và giờ tự học buổi tối (không quá 10 giờ đêm đối với học sinh lớp 10 và 11, không quá 11 giờ đêm đối với học sinh lớp 12).

Một trong những thay đổi lớn trong quản lý CT ở nhà trường THPT là chuyển từ quản lý theo môn và năm học sang quản lý theo học phần. Học sinh tích lũy đủ số học phần quy định là có thể lên lớp, tốt nghiệp. Nhà trường sắp xếp học sinh vào các lớp tự chọn (bắt buộc), nếu một nguyện vọng nào có quá đông học sinh đăng ký, có thể xếp nhiều lớp; ngược lại, nếu số học sinh đăng ký quá ít (dưới 10 em) thì không tổ chức lớp. Riêng đối với tự chọn tùy thích, thì về cơ bản cố gắng đáp ứng nhu cầu của các em, nếu không tổ chức lớp thì vẫn tạo điều kiện cho các em học, hoặc cử giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn các em. Đánh giá học sinh theo cả 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ. Thí dụ cụ thể nhất của việc này chính là việc tổ chức đánh giá theo hình thức Hội khảo đã nói ở trên.

Một trong những điểm mới là phải tổ chức quản lý tốt quá trình giáo dục tự chọn của giáo viên và học sinh. Vào đầu mỗi năm học, học kỳ giáo viên phải giới thiệu đề cương môn tự chọn do mình phụ trách, nạp vào mạng máy tính của trường. Học sinh căn cứ vào đăng ký của các giáo viên và nhu cầu, năng lực của bản thân mà đăng ký (thường mỗi học sinh được đăng ký 2 môn tự chọn).  Bạn rất coi trọng việc quản lý đội ngũ giáo viên, xây dựng đội ngũ giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có trách nhiệm cao đối với học sinh và phải đạt yêu cầu về rèn luyện chính trị. Về chuyên môn, giáo viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận giáo dục, năng lực dạy và học tại các địa điểm bồi dưỡng giáo viên (tại các trung tâm, mời chuyên gia trong và ngoài nước đến giảng cho giáo viên tại trường của họ đang dạy, đi khảo sát, thăm quan, học tập ở trong và ngoài nước v.v.); đồng thời phải từng bước xây dựng thói quen học tập suốt đời. Các trường mà Đoàn đến thăm đều có đòi hỏi rất cao đối với giáo viên như yêu cầu mỗi giáo viên đều phải dạy tốt môn bắt buộc và đảm nhận từ 1-2 môn học tự chọn; phải biết hướng dẫn cho học sinh học theo phương pháp tự nghiên cứu; sử dụng thành thạo máy vi tính xách tay được cung cấp phục vụ cho việc dạy, tự học và nghiên cứu khoa học; phải chịu sự kiểm tra, đánh giá của Ban giám hiệu và các đồng nghiệp qua các hoạt động dự giờ định kỳ theo quy định và thanh tra của cấp trên; tham gia đầy đủ các sinh hoạt chính trị của trường v.v. Phải đáp ứng đủ các yêu cầu này mới được xem xét đánh giá và xếp loại giáo viên (từ sơ cấp đến trung cấp và cao cấp), thí dụ như trường phổ thông chuyên ngữ Thâm Quyến cho biết, giáo viên không tham gia học chính trị thì không được xét công nhận giáo viên cao cấp.

Một điều gây ấn tượng rất tốt đối với tôi là Đoàn công tác đến thăm và làm việc với các trường THPT ở các địa phương cách xa nhau hàng nghìn cây số và chỉ mới khoảng một tuần sau khi bế mạc Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng tất cả các vị lãnh đạo các trường khi trao đổi ý kiến với Đoàn đều nói rõ các tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XVI về phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài; có trường (chuyên ngữ Thâm Quyến) còn đã kịp tổ chức nghe báo cáo về các tư tưởng này cho đội ngũ giáo viên, cán bộ của trường.

  1. Về giáo dục tài năng ở bậc THPT tại Trung Quốc

Trên cơ sở yêu cầu chung đối với giáo dục là hướng tới tất cả học sinh, làm cho học sinh có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có kỷ luật; giáo dục Trung Quốc còn phải chú ý tới nhu cầu và khả năng của từng học sinh, thúc đẩy phát triển toàn diện tố chất của mỗi học sinh, lấy việc phát huy tài năng của mỗi cá nhân làm trọng điểm.

Để phát hiện và bồi dưỡng tài năng ở phổ thông, từ năm 1962 Nhà nước Trung Quốc chủ trương xây dựng một loạt trường tiểu học và trung học trọng điểm, quy định mỗi huyện (khu) phải xây dựng một trường trọng điểm. Năm 1983, có quan điểm phải tăng cường dạy ba môn Toán, Lý, Hóa; trong CT, SGK xuất hiện ba loại: bình thường, A và B. Đến năm 1986, Nhà nước ban hành Luật Giáo dục nghĩa vụ 9 năm. Đầu những năm 90 quyết định bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và bỏ các trường trọng điểm ở tiểu học và THCS để thực hiện giáo dục nghĩa vụ 9 năm; đặt mục tiêu mỗi trường tiểu học và THCS phải được đầu tư để trở thành trường đạt chuẩn. Việc đào tạo tài năng (không kể một số lĩnh vực năng khiếu về thể thao và nghệ thuật, mỹ thuật) được tập trung vào giai đoạn học THPT của học sinh. Việc cải cách CT, SGK ở THPT theo hướng có môn học bắt buộc, có môn học tự chọn cũng chính nhằm phát triển tài năng cá nhân của từng học sinh.

Để tổ chức dạy học theo hướng này, Nhà nước Trung Quốc đang tập trung điều chỉnh cơ cấu tổ chức của trường THPT sao cho vừa quan tâm được số học sinh đại trà, vừa chú ý phát triển khả năng của số học sinh có năng khiếu theo từng lĩnh vực; nhưng không tập trung các em thành các nhóm riêng để đào tạo nhân tài (theo kiểu trường chuyên) mà chủ trương xây dựng các trường THPT chất lượng cao. Thí dụ, hiện nay ở Bắc Kinh, chỉ khoảng 50% học sinh THPT được hưởng giáo dục chất lượng cao và sau Đại hội XVI, Bắc Kinh đang đặt kế hoạch phấn đấu trong 5 năm sẽ nâng số học sinh THPT được hưởng giáo dục chất lượng cao lên 80%.

Bộ Giáo dục Trung Quốc chủ trương chỉ tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia đối với những môn thi do Bộ quy định; khống chế, không cho phép các địa phương tự ý tổ chức thi học sinh giỏi các môn không nằm trong quy định của Bộ. Chỉ những môn có tổ chức thi Olimpic quốc tế thì mới tuyển chọn và lập đội tuyển để tham dự. Đối với số học sinh học giỏi các môn có thể tham gia thi quốc tế, quốc gia, bình thường các em vẫn học tập tại trường của mình (theo địa bàn cư trú). Các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chuẩn bị đội tuyển đi thi Olimpic quốc tế đều được công bố rộng rãi để học sinh tự do đăng ký dự thi. Sau khi các em tham gia các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi môn học (bắt đầu từ cấp tỉnh, thành phố và sau đó là kỳ thi quốc gia); số học sinh giỏi đạt giải nhất (hoặc nhì) kỳ thi quốc gia được tuyển chọn để thành lập đội tuyển tham gia thi Olimpic quốc tế. Lúc này, Bộ Giáo dục ủy quyền cho một trường trọng điểm mạnh về môn thi đó, mời các giáo viên giỏi đến tập trung bồi dưỡng số học sinh này theo môn đi thi; học sinh được lựa chọn được đưa về trường này học tập trung bồi dưỡng môn đi thi, còn đối với các môn học quy định khác của CT được bố trí học chung với các lớp học bình thường của học sinh trường được ủy quyền. Như vậy, lớp này không phải là lớp đào tạo từ thấp lên cao; mà chỉ hình thành hàng năm trong quá trình năm học. Học sinh được lựa chọn đi thi Olimpic quốc tế được miễn tất cả các môn thi tốt nghiệp phổ thông; được giải Olimpic quốc tế được miễn thi tuyển vào đại học; được giải nhất thi quốc gia được cộng điểm khi dự tuyển vào đại học. Phương pháp giảng dạy đối với số học sinh này thì chú ý đến việc bồi dưỡng năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đồng thời quan tâm tới các biện pháp tâm lý nhằm giải tỏa sức ép tâm lý, căng thẳng cho các em này. Ngoài ra, bạn còn thử nghiệm tổ chức một số lớp cho học sinh có sở trường đặc biệt (gọi là số học sinh "siêu thường") học tập trong thời gian rút ngắn; nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội và hiện bạn đang điều chỉnh cách làm này.

Ngoài hình thức bồi dưỡng học sinh giỏi nói trên, Trung Quốc còn có hình thức giáo dục tài năng thứ hai do các trường đại học tổ chức. Căn cứ kết quả tuyển sinh vào đại học, các trường lựa chọn trong số đó một số ít sinh viên và tổ chức các lớp đào tạo nhân tài (bạn gọi là lớp "đại sư"). Các lớp này thường không đông (khoảng < 20 sinh viên), được đầu tư ưu tiên các điều kiện học tập, có chương trình, giáo trình và thầy giáo riêng; mỗi lớp có đặc điểm riêng, không lớp nào giống lớp nào nhằm mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước theo từng lĩnh vực hoạt động. Học sinh vào học các lớp này nếu không đạt yêu cầu thì bị đào thải ngay trong quá trình đào tạo; những người tốt nghiệp thông thường vừa có trình độ cao, vừa có đạo đức và là những người đứng đầu chương trình đào tạo. Họ có thể bước vào công tác, hoặc được tiếp tục đào tạo tiếp sau đại học.

Bên cạnh việc đào tạo nhân tài trong hệ thống nhà trường, bạn còn chú ý phát triển hệ thống đào tạo tài năng ngoài nhà trường, do xã hội và gia đình đảm nhận. Thí dụ, ở Bắc Kinh có chiến lược đào tạo thế hệ hậu bị nhân tài cho đất nước; học sinh ngay khi đang học trung học được phép đến nghiên cứu, làm việc tại một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia của các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học. Mục đích chủ yếu là để học sinh tiếp thu tinh thần, cách làm việc khoa học, rèn luyện bản lĩnh và phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học; bạn dùng hình tượng của cách làm này là "tay lớn dắt tay nhỏ". Các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật được mở ra để học sinh tham gia sinh hoạt, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tự nghiên cứu, sáng tạo dưới sự hướng dẫn của người lớn. Hệ thống giáo dục gia đình thường giáo dục tài năng cho con em mình về âm nhạc, nghệ thuật, thể thao.

Tuy có nhiều tiến bộ và đạt được thành tích tốt trong giáo dục tài năng, nhưng trong vấn đề này, bạn cũng còn nhiều tồn tại đang phải tìm giải pháp tháo gỡ. Đó là: 1) Tiêu chuẩn đánh giá học sinh là tốt và loại bỏ học sinh trong các lớp tài năng còn chưa rõ ràng; 2) CT, giáo trình, thiết bị phục vụ đào tạo tài năng còn thiếu; 3) Công tác đào tạo đội ngũ giáo viên để bồi dưỡng học sinh tài năng còn chưa đáp ứng yêu cầu; 4) Xã hội còn chưa đồng tình, có ý kiến cho rằng đây vẫn chưa phải là các lớp đào tạo nhân tài thực sự, mà chỉ là các lớp tăng học vấn để thi vào đại học, học sinh của các lớp này thường không sôi nổi, không hoạt bát và chưa phát triển toàn diện; 5) Quản lý và tổ chức, đánh giá chất lượng của các lớp tài năng chưa tốt; 6) Chưa tạo được môi trường cho việc dạy và học, kèm theo là chế độ chính sách, cơ chế hợp lý đối với giáo dục tài năng; 7) Riêng đối với lĩnh vực nghệ thuật, phải tránh nguy cơ biến số học sinh học nghệ thuật để thành "thợ" trong hoạt động nghệ thuật, hoặc học chỉ để giành giải và được cộng điểm khi thi vào đại học. Để khắc phục nguy cơ này, theo bạn, cần tiếp tục quán triệt việc nâng cao tố chất học sinh, giáo dục tài năng chỉ là một bộ phận của giáo dục nâng cao tố chất.

Trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung, giáo dục tài năng nói riêng gần đây xuất hiện thuật ngữ "tài nguyên học tập". Tài nguyên học tập có ở mọi nơi, mọi chỗ; nhà trường là nơi có nguồn tài nguyên học tập lớn nhất, vừa là nơi cung cấp tài nguyên học tập, vừa là nơi bồi dưỡng phát triển tài nguyên này. Trong quá trình cải cách giáo dục, cần phải quan tâm bảo đảm tài nguyên học tập cho cả học sinh đại trà, cả cho giáo dục tài năng; và nhất là phải bảo đảm cho học sinh nông thôn được quyền bình đẳng trong việc tiếp nhận tài nguyên học tập.

  1. Một số cảm nhận về điều kiện dạy và học ở các trường trung học mà Đoàn đã thăm và làm việc

Như đã trình bày ở đầu bài viết, Đoàn chúng tôi được đến thăm và làm việc với 6 trường trung học hoặc THPT của 4 thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Trong số này, có trường được xếp loại là trường trọng điểm, có trường chỉ là trường bình thường của các địa phương đó.

Ấn tượng đầu tiên là tất cả các trường đều có khuôn viên rất rộng và một môi trường sạch đẹp. Lớn nhất là trường THPT số 101 của Bắc Kinh có diện tích là 360 mẫu Trung Quốc, tức gần 24 ha (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,66 m2); trường Weigu Thượng Hải - 180 mẫu (12 ha), trường THPT thực nghiệm Hoa Nam 150 - mẫu (10 ha); trường Đại Đồng của Thượng Hải có diện tích nhỏ nhất trong số các trường Đoàn đến thăm thì cũng có diện tích trên 2 ha ở trung tâm khu cũ của Thượng Hải; trường chuyên ngữ Thâm Quyến đang được xây dựng trên khu đất mới khoảng 150 mẫu (10 ha), nhưng vẫn được giữ khu hiện tại độ trên 15 mẫu (1 ha); trường dục tài Quảng Châu có hai cơ sở, riêng cơ sở 1 mà Đoàn đến thăm ở trung tâm thành phố Quảng Châu cũng có diện tích độ 1,5 ha. Chính vì có khuôn viên rộng, nên tất cả các trường đều có quy hoạch các khu đẹp, thoáng, có cây xanh, đường đi quanh trường.

Chính quyền các thành phố đều đầu tư kinh phí rất lớn cho việc xây dựng cơ sở vật chất của các nhà trường (kinh phí chỉ dùng cho xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, không phải chi cho việc giải phóng đất đai lấy mặt bằng). Được đầu tư lớn nhất là trường Weigu với tổng kinh phí là 250 triệu nhân dân tệ (tương đương 475 tỷ đồng Việt Nam); các trường khác được đầu tư trung bình khoảng 150 triệu nhân dân tệ (tức bằng185 tỷ đồng Việt Nam). Chính nhờ vậy, tất cả các trường đều có khu phòng học riêng, các phòng học bố trí chỗ ngồi cho học sinh 2 em/1 bàn hoặc 1 em/1 bàn; có khu phòng thí nghiệm, thực hành, phòng bộ môn, máy tính, nghe nhìn v.v. Các trường đều có thư viện thường (diện tích rộng, có các phòng đọc riêng cho giáo viên và học sinh với số chỗ từ 400 đến 800 chỗ tùy trường); có thư viện điện tử. Các trường đều có sân vận động lớn ngoài trời (dạng sân bóng đá kết hợp thi đấu điền kinh có khán đài cho khoảng vài trăm người ngồi, có đường chạy phủ cao su theo tiêu chuẩn quốc tế); có sân tập đa năng (thể dục dụng cụ, thể thao và điền kinh) trong nhà; có vài sân bóng rổ, tennít và rất nhiều bàn bóng bàn theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Các trường đều có hai hội trường (một hội trường lớn cho các hoạt động tập trung, một hội trường nhỏ là nơi tổ chức các sinh hoạt nghệ thuật, âm nhạc), phòng truyền thống. Một số trường có cả bảo tàng sinh học, đài quan sát thiên văn, trường quay truyền hình (studio), dàn hợp xướng v.v. Tất cả các trường đều có khu ký túc xá học sinh, nhà ăn cho học sinh và giáo viên; thí dụ trường Weigu có ký túc xá là hai tòa nhà 6 tầng và hai tòa nhà 4 tầng cho tất cả học sinh của trường ở nội trú (trên 2000 em), có nhà ăn 3 tầng có thể chứa hàng nghìn người một lúc, hoặc trường 101 Bắc Kinh có 9 dãy nhà hai tầng làm ký túc xá học sinh với sức chứa gần 1000 học sinh. Phòng ở của học sinh trong các ký túc xá đều khép kín, trung bình ở từ 3-4 em/1 phòng, mỗi em được trang bị riêng biệt giường ngủ, bàn học (được thiết kế bố trí cả máy tính, có đầu nối với mạng nội bộ của trường), tủ đựng đồ cá nhân v.v. Ngoài ra, trong mỗi tòa nhà ký túc xá còn có các phòng chung cho các em sinh hoạt tập thể, xem tivi ...

Quy mô các trường đều khoảng từ 2000 đến 3000 học sinh với đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên từ 180 đến 240 người. Học sinh vào học các trường này đều phải qua thi tuyển từ số học sinh của toàn thành phố, nhưng có ưu tiên cho học sinh sống tại khu phố nơi trường đóng. Học sinh được chú ý giáo dục toàn diện, ngoài việc bảo đảm chương trình văn hóa quy định, bạn rất coi trọng rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh (như duy trì chế độ tập thể dục thể thao buổi sáng bắt buộc đối với học sinh nội trú và tự chọn buổi chiều với tất cả học sinh) và nâng cao trình độ nghệ thuật, thẩm mỹ cho học sinh (thông qua các hoạt động câu lạc bộ, nhóm về nhạc, họa, văn nghệ ...); bảo đảm mỗi năm học học sinh phải tham gia tập quân sự một tuần; tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống (thăm quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng) và các hoạt động thâm nhập thực tế (xuống nông thôn, hầm mỏ lao động bắt buộc ít nhất 1 tuần trong năm học, các hoạt động bảo vệ môi trường v.v.), giao lưu văn hóa trong và ngoài nước (nhất là vào các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè). Trong học tập, bạn chú trọng giáo dục ý thức học tập tự giác của học sinh, nhưng trên cơ sở quản lý nghiêm của nhà trường về thời gian học tập, cả trong giờ học bắt buộc, cả trong các giờ tự chọn và tự học. Đặc biệt, tất cả các trường Đoàn đến thăm đều rất coi trọng việc dạy cho học sinh học theo phương pháp sáng tạo, gắn với tự nghiên cứu; mục tiêu của việc này không đòi hỏi học sinh phải giải quyết ngay được một vấn đề khoa học nào đó, mà đòi hỏi học sinh phải có thái độ khoa học, tìm tòi và sáng tạo, dám có ý kiến phản bác độc lập của riêng mình trong những vấn đề nghiên cứu. Khi học theo phương pháp này, học sinh tự chọn đề tài (qua mạng, qua thông tin tự tìm, qua sự hướng dẫn của giáo viên v.v.), tự lập đề cương nghiên cứu, tự tìm tư liệu và đi khảo sát thực tế, làm tiểu luận và bảo vệ. Có trường yêu cầu mỗi học sinh phải hoàn thành một tiểu luận trong một năm học; sau 3 năm học – sẽ hoàn thành 3 tiểu luận.

Tóm lại, Trung Quốc đã có nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu cải cách giáo dục ở trung học phổ thông. Tuy Đoàn công tác của chúng tôi chỉ được thăm và làm việc ở một số thành phố lớn, các trường có chất lượng tốt nhưng kết quả thu được cho thấy nhiều kinh nghiệm tốt của bạn có thể tham khảo trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông của nước ta. Tôi xin bày tỏ hy vọng rằng, những điều viết trong báo cáo này sẽ có ích cho những ai quan tâm tới đổi mới giáo dục phổ thông, nhất là việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở nước ta hiện nay./.


* Trường trung học ở Trung Quốc bao gồm trường sơ trung (từ lớp 6 đến lớp 9) và trường cao trung (từ lớp 10 đến lớp 12). Như vậy trường sơ trung tương đương với trường trung học cơ sở (THCS), trường cao trung tương đương với trường trung học phổ thông ở nước ta. Trong Báo cáo này, khi nói trường THPT là nói về trường cao trung (chỉ có các lớp từ 10 đến 12); còn nói trường trung học là nói về trường bậc trung học đầy đủ có các lớp sơ và cao trung (từ lớp 6 đến lớp 12); tôi sử dụng các thuật ngữ tương đương của nước ta để người đọc dễ theo dõi.

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập