Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục bền vững, “nói không” với vấn đề lạm thu, bệnh thành tích
Đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Toàn tỉnh còn 36% phòng học chưa được kiên cố hóa; phòng học bộ môn, ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn mới đáp ứng được trên 20%; công trình thể thao, giáo dục thể chất hầu hết các trường còn thiếu; diện tích đất của nhiều trường còn chật hẹp; tỷ lệ trường PTDTNT, PTDTBT đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tỷ lệ học sinh phổ thông được học môn tin học, ngoại ngữ còn thấp; vẫn còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, nhân viên bảo vệ, cấp dưỡng; trẻ mầm non 3 tuổi không có chế độ ăn trưa tại trường nên khó huy động ra lớp; trong tình trạng tỉnh còn thiếu giáo viên, việc phải cắt giảm 10% chỉ tiêu biên chế gây khó khăn cho công tác giáo dục, nhất là ở vùng cao.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo ngành giáo dục và các địa phương đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại trong phát triển giáo dục của từng địa phương. Trong đó nổi bật là tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất trường học, thiếu giáo viên, nhân viên y tế tại huyện Bảo Thắng; thiếu giáo viên tại huyện Bảo Yên; vấn đề học sinh bỏ học đi làm thuê tại một số xã: Dìn Chin, La Pán Tẩn (Mường Khương); trẻ em, học sinh chèo kéo khách du lịch tại Sa Pa;…

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc.

 Từ đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung như: Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai xây dựng trường học thông minh, trường học chất lượng cao, mô hình giáo dục STEM; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lao động hợp đồng làm nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập; hỗ trợ thuê nhân viên bảo vệ, nhân viên y tế cho các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố phê duyệt quy hoạch mặt bằng xây dựng chi tiết cho các cơ sở giáo dục để các chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các công trình mới phù hợp các công trình hiện có; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên tại địa phương;...

Lãnh đạo UBND huyện Bảo Thắng phát biểu về tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của huyện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới ngành giáo dục cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Đánh giá xếp hạng bước tiến về giáo dục của từng địa phương khách quan, minh bạch; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục bền vững, “nói không” với vấn đề lạm thu, bệnh thành tích trong giáo dục và bạo lực học đường; rà soát lại cơ sở vật chất trường học, nhất là phòng học bộ môn. Trước mắt, tập trung kinh phí xây dựng mô hình trường học chất lượng cao, mô hình giáo dục STEM đối với 3 trường của thành phố Lào Cai: Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Lê Quý Đôn, Trường THPT Chuyên Lào Cai; khuyến khích mỗi huyện ở vùng thuận lợi đầu tư xây dựng một trường học chất lượng cao. Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại cụ thể số lượng giáo viên, tiến hành cơ cấu lại đội ngũ giáo viên hợp lý; đánh giá lại công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trong thời gian tới. Huyện Bảo Thắng cần xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục trong xây dựng huyện nông thôn mới để báo cáo tỉnh trong thời gian sớm nhất.

TUẤN NGỌC
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập