image banner
Dịch COVID-19: Học trò nghèo vùng cao Lào Cai vượt lên khó khăn, duy trì việc học
Dịch COVID-19: Học trò nghèo vùng cao Lào Cai vượt lên khó khăn, duy trì việc học
"Nếu như tri thức là nguồn sáng, các em ấy giống như những đóa hoa hướng dương, học cách vươn đến những điều tốt đẹp, kiên nhẫn vượt qua trở ngại, khó khăn và bóng tối để tỏa sắc và tự tin bất chấp nghịch cảnh hay bùn lầy dưới chân". Thầy giáo Nguyễn Minh Tuân, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai không giấu được xúc động khi nói về những học sinh của mình đang ngày ngày nỗ lực để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia sắp tới.
Những học sinh trong diện hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu của trường, trong những ngày thường vốn đã không quản ngại khắc phục mọi thiếu thốn từ điều kiện cơ sở vật chất đến tinh thần để được đi học, nay tinh thần ấy lại càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường trước đại dịch COVID-19.

Hơn 1 tháng trở lại đây, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số người dân xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn lên nương đào măng, tra ngô... thường bắt gặp hình ảnh em Chảo A Thư, học sinh lớp 12A4, Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn dựng lều ở trên đỉnh đồi - nơi có thể bắt được mạng internet để học tập, ôn thi trực tuyến, bất chấp mưa dầm, gió lạnh. "Nhìn cháu học trong hoàn cảnh như vậy, tôi có cảm giác xúc động không gì diễn tả được", chị Phùng Thị Mai, thôn Khâm Trên, xã Nậm Chày chia sẻ.

Nhà Thư ở thôn Khâm Trên, xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, bố mẹ làm ruộng nương. Lúc mới bắt đầu học trực tuyến, Thư phải xuống trung tâm xã (cách nhà 8km) vào nhờ nhà dân để bắt sóng internet, học xong lại đi về. Đi lại buổi tối vừa bất tiện, vừa nguy hiểm, Thư quyết định dựng lều ở trên đỉnh đồi, nơi bắt được sóng tốt nhất (cách nhà 4km). Ngày nào, Thư cũng dậy sớm mang theo cơm, đồ ăn lên đồi để học, đến chiều tối mới về. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo,Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn cho biết, Thư là học sinh ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô. Bố mẹ và gia đình Thư rất quan tâm tới việc học tập của con, thường xuyên hỏi han, động viên. Ý chí của em thật đáng nể phục. Khó khăn như vậy nhưng em chưa từng nghỉ một buổi học trực tuyến nào.

Tương tự như A Thư, gia đình học sinh Hoàng Ngọc Oai, lớp 12A3 Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn, ở thôn 3 Minh Hạ, xã Minh Lương cũng thuộc diện hộ nghèo. Bố mẹ đều đã cao tuổi, Oai là lao động chính trong nhà nên vừa học vừa phải đi làm thuê để có tiền trang trải việc học và phụ giúp gia đình. Khi rảnh, ai làm gì Oai cũng xin làm theo, lúc đi phát đồi quế, khi đi xúc cát, cấy thuê... Trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19, Oai cũng cố gắng thu xếp công việc gia đình để tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến. Bàn học của em là cái máy may cũ của mẹ. Trong nhà chẳng đủ ánh sáng, em phải ra ngoài hiên học. Mạng chập chờn, lúc có lúc không, Oai phải đi xe đạp cách nhà 5km xuống học với bạn cùng lớp.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn Hoàng Ngọc Oai, học sinh Lý Thị Giang, thôn Khe Chấn, xã Sơn Thủy, lớp 12A5 Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn chẳng có điện thoại để sử dụng. Mỗi lần học trực tuyến, Giang lại phải chạy đi mượn hàng xóm, họ hàng để học và phải ngồi học ở nơi nào có sóng ổn định nhất. Hình ảnh cô học trò nhỏ ngày ngày cứ đến giờ cố định là ngồi học trên con đường mòn -nơi nguồn sóng ổn định nhất để học trực tuyến đã trở nên quen mắt với người dân thôn Khe Chấn. Giang tâm sự: Dù em phải đi mượn điện thoại và ngồi học trên đường mòn nhưng em vẫn cảm thấy vui. Em sẽ cố gắng học thật tốt để vượt qua Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia sắp tới.

Cùng lớp học với Lý Thị Giang là em Hoàng Duy Hiếu, thôn Khe Van, xã Sơn Thủy. Gia đình Hiếu cũng thuộc diện hộ nghèo, mẹ em mắc bệnh nan y đã 10 năm nay phải chạy thận trên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, bố Hiếu đi theo chăm mẹ và ở trọ trên thành phố Lào Cai, chỉ ghé về nhà thăm em một tháng đôi lần. Trong 10 năm qua, Hiếu phải tự chăm sóc bản thân nhưng không vì thế mà quên nhiệm vụ học tập. Góc bếp tuềnh toàng đơn sơ, tranh tre nứa lá chính là nơi Hiếu hằng ngày ngồi học và cần mẫn hiện thực hóa mục tiêu tốt nghiệp Trung học Phổ thông để tiếp tục được đi học, trở thành người có ích.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 Nguyễn Thị Huyền cho biết: Hiếu luôn là học sinh chăm ngoan, ba năm liên tục đạt học lực khá, trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Vất vả thiếu thốn như vậy nhưng trong suốt thời gian nghỉ học do dịch bệnh, ngoài công việc gia đình, Hiếu vẫn cố gắng tham gia học trực tuyến đầy đủ bằng điện thoại để theo kịp chương trình giảng dạy.

Là những học sinh thuộc diện hộ nghèo, đều có chung nghị lực và khát khao được học tập, cùng với Hiếu, Giang, Oai, Thư, nhiều học sinh cuối cấp khác ở vùng cao Lào Cai cùng có chung mục tiêu và nỗ lực vượt khó để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia sắp tới.

Mới đây, ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Lào Cai trong thư gửi các bậc phụ huynh đã kêu gọi sự ủng hộ, quan tâm của người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tinh thần vật chất, các trang thiết bị thông tin như điện thoại di động, máy tính, tín hiệu đường truyền internet... để giúp các em hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập trong điều kiện phải học trực tuyến tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19.

Thầy giáo Nguyễn Minh Tuân cho biết, các giáo viên của Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn vừa quyên góp, trao tặng sim có dung lượng và tốc độ truy cập mạng cao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để duy trì việc học trực tuyến được thuận lợi. Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh, chủ nhiệm lớp 10A1 Trường Trung học Phổ thông số 1 Văn Bàn đã tự tay may 700 chiếc khẩu trang vải để trao tặng các em học sinh tại trường. Đây là những món quà tuy nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh này./.
Hương Thu
 
Tin khác








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập