LCĐT - Thời gian qua, hoạt động cải cách hành chính được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, triển khai quyết liệt. Cải cách hành chính được thực hiện ở hầu hết lĩnh vực đã và đang góp phần thúc đẩy sự thay đổi tâm thế làm việc phục vụ Nhân dân của công chức, viên chức trong bộ máy cơ quan Nhà nước.
Theo đánh giá của các địa phương và cơ quan chức năng, dù đã đạt được nhiều kết quả cải cách hành chính trong thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến các cơ quan quản lý như công an, thuế, giáo dục, y tế, tư pháp, lao động, thương binh và xã hội và một số dịch vụ khác, nhưng tình trạng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chậm trễ, quá thời hạn quy định vẫn xảy ra ở một số lĩnh vực (đất đai, cấp phép, an sinh xã hội). Ngoài giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng trả hồ sơ để tổ chức, công dân bổ sung nhiều lần vẫn diễn ra. Trong đó, ngoài nguyên nhân được xác định là do một số công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm nhiệm vụ, chưa quyết liệt theo đuổi công việc được giao và thiếu chủ động trong tham mưu… còn có cả nguyên nhân từ phía người dân, doanh nghiệp.
 |
Nhiều công dân khi thực hiện các thủ tục hành chínhchưa tuân thủ những quy tắc, chỉ dẫn về thủ tục và thông tin cá nhân. (Ảnh minh họa) |
Vừa rồi, khi đến bộ phận một cửa liên thông, trung tâm hành chính của xã nọ, vừa bước vào khu vực tiếp nhận hồ hơ, chúng tôi thấy một phụ nữ đứng tuổi đang to tiếng với cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Qua câu chuyện của hai người, chúng tôi biết người phụ nữ đang cố thuyết phục cán bộ linh động tiếp nhận hồ sơ về đất đai khi thiếu một loại giấy tờ gì đó. Dù vậy, anh cán bộ kiên quyết trả lại hồ sơ và nói chỉ tiếp nhận khi đã đủ các loại giấy tờ theo quy định.
Cho rằng giấy tờ thiếu trong bộ hồ sơ xin xác nhận tình trạng nhà, đất của gia đình mình và những thông tin khai trong phiếu đề nghị bị thiếu nhưng không quan trọng, cán bộ không tiếp nhận do cố tình gây khó dễ nên người phụ nữ đã lớn tiếng trách móc.
Trò chuyện với cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa liên thông, tôi mới hiểu việc chậm thực hiện các thủ tục hành chính không chỉ do phía cơ quan Nhà nước, mà nhiều trường hợp do phía người dân. Ví như trường hợp của công dân vừa đến xin xác nhận tình trạng nhà, đất, do không nghiên cứu kỹ thành phần hồ sơ cần có, bao gồm: Đơn xin xác nhận tình trạng nhà, đất (2 mẫu đơn); giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở; các giấy tờ liên quan khác theo quy định của pháp luật (nếu có), nên đã thiếu 1 loại giấy tờ và điền thông tin chưa đúng theo mẫu. Qua kiểm tra hồ sơ, bộ phận tiếp nhận phát hiện và trả lại, đồng thời hướng dẫn người dân hoàn thiện, nhưng người dân chưa hiểu, lại cho rằng công chức phụ trách tiếp nhận hồ sơ cố tình gây khó dễ.
Thực tế hiện nay, nhiều người dân chưa chú ý, thiếu tuân thủ đối với những quy tắc, chỉ dẫn khi thực hiện các thủ tục hành chính; thậm chí không ít người còn quan niệm công dân chỉ là người thụ hưởng, còn cán bộ, công chức và bộ máy chính quyền phải phục vụ… Do vậy, cho dù thủ tục, trách nhiệm hành chính của công chức và quy trình thực hiện của cơ quan Nhà nước được quy định rõ ràng, minh bạch và được niêm yết công khai, nhưng bản thân người dân không nghiên cứu thực hiện đúng ngay từ đầu đã tự làm chậm các quy trình này.
Bên cạnh đó, do thủ tục hành chính có nhiều thay đổi theo hướng số hóa, thực hiện trên phần mềm ở môi trường điện tử, nếu người dân không nghiên cứu sử dụng và các thông tin cá nhân không thống nhất thì sẽ khó thực hiện, cuối cùng vẫn mang hồ sơ đến nhờ công chức ở bộ phận một cửa làm thay, khiến hiệu quả cải cách hành chính chưa cao.
Cải cách thủ tục hành chính cần một quá trình, bên cạnh các nhiệm vụ cốt lõi như đầu tư, hoàn thiện hạ tầng chính quyền số; tích cực hoàn thiện thể chế, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức… thì người dân cũng cần có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, tuân thủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, để công tác cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả cao, người dân cũng phải chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, học tập để nắm được các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến các dịch vụ công thiết yếu của đời sống. Cùng với đó, cần có thói quen chuẩn hóa thông tin cá nhân để chủ động sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính.