Truyện ngắn: ĐIỂM TỰA
Truyện ngắn: ĐIỂM TỰA

Trần Thị Bảo Liên
Trường THCS Xuân Giao, Bảo Thắng.

An đang chỉnh sửa lại trang phục cho mấy cô cậu học sinh lớp mình chủ nhiệm thì bỗng chị Hoa từ đâu xồng xộc chạy đến rồi kéo cô ra khỏi lớp.
- Đi, mày! Điện hoa! Ra nhận điện hoa!
Cứ thế, chị kéo tay An đi tựa như đang dắt một cô em gái còn non nớt không biết đường vậy. Nhìn chị, An thấy buồn cười, người đâu mà lùn một mẩu, tròn vo trông như hạt mít, cái chân ngắn hủn ngắn hoẳn, vậy mà chị cứ bước đi thoăn thoắt khiến một người được mệnh danh là “chân dài” như An cũng phải theo mãi mới  kịp.
An kí nhận đủ hết thủ tục, đồng thời nhận bó hoa từ tay anh nhân viên bưu điện. Bỗng An khựng lại giây lát khi mắt vừa chạm tới bó hoa. Chẳng ai để ý sự thay đổi sắc mặt của cô cả. Chị Hoa nhéo tay An, giục:
- Đi nhanh thôi.
Đã bốn năm nay, chị Hoa và cả hơn hai mươi giáo viên trong trường chẳng còn thấy lạ lẫm với việc cứ ngày này hàng năm An có điện hoa. Bởi một lẽ đơn giản rằng 5-9 là ngày sinh nhật của cô. Cũng chẳng ai còn tò mò gặng hỏi tác giả của bó hoa giống như ngày đầu nữa. Với mọi người, cái gì được lặp đi lặp lại thì ngẫu nhiên trở thành bình thường thôi. Có chăng chỉ có một người là không bình thường, một người cứ dõi theo An với ánh mắt hoang hoải, vời vợi. Người đó...
Giọng chị Hoa cao vút, chua lanh lảnh, cái mặt ngây ngô như đang diễn hài:
- Mà tao chẳng hiểu vì sao một người tài giỏi, xinh đẹp như mày lại chịu ở cái trường này làm gì nhỉ. Sao mày không chuyển lên đó với nó đi, không làm giáo viên thì làm ngành khác lo gì. Nhưng mà, sinh nhật đúng ngày khai trường thì còn nhiều duyên nợ  lắm. Chỉ tiếc là...
Chị bỏ lửng câu nói như đánh tõm vào cái khoảng không mơ hồ trước mắt An. An bải hoải bước đi và cười cười một cách khó hiểu. Bỗng cái giọng như vắt chanh của chị mọi khi trùng xuống, chị thì thào nghe lạ đến phát sợ:
- An! Bó hoa này đâu giống bó hoa mọi năm đâu mày? Sao không phải là hồng vàng ?
Câu hỏi của chị như tảng đá nặng đè lấy An khiến chân cô không thể bước nổi. An không biết mình về phòng như thế nào nữa. Đặt bó hoa lên bàn làm việc, cô ngồi xuống ghế một cách vô thức. An có cảm giác căn phòng hơn chục mét bỗng trở nên rộng, dài đến lạ, còn cô thì bé nhỏ lọt thỏm trong khoảng không bao la ấy. Mắt cô lần tìm đến bó hoa treo ngược trên tường - bó hoa của ngày này năm trước. Thời gian đã khiến nó sậm đen, đổi màu nhưng dù có nhắm mặt lại thì cô vẫn hình dung ra bó hoa hồng màu vàng sậm, thứ hoa, màu hoa mà cô rất thích. Vẳng bên tai cô còn nghe thấy lời nói năm nào của anh:
- Vì An yêu hoa hồng vàng mà Thành lại yêu An, nên Thành cũng yêu hoa hồng vàng. Ngày nào còn yêu An thì Thành sẽ chỉ tặng An hoa hồng vàng mà thôi. Mà Thành chắc chắn, cả đời này Thành sẽ tặng hoa hồng vàng cho An.
Lời nói của anh như phép suy luận và khẳng định của một bài toán logic. Giờ thì An chỉ cười chua chát. Có lẽ lời của con bạn thân hôm trước là thật:
- Tao nghe nói lão Thành có người khác rồi. Con bé kém lão ba tuổi, không xinh nhưng nhà khá giả lắm, bố mẹ lại làm to. Nghe nói nếu hai đứa mà thành thì dễ nhà con bé kia sẽ giúp lão lên chức phó phòng đấy. Mà cũng chẳng ai như mày cơ. Sao không bỏ quách cái trường heo hút ấy đi mà chuyển lên với lão, cứ chần chừ chần chừ. Giờ thì...
Tai An ù đặc lại, nước mắt cô cứ xui nhau lăn dài trên má. Và thật vô thức nó chạm vào miền cứ ức của cô. Ngày đó đâu đã xa lắm đâu, bốn năm về trước, cầm chiếc bằng đại học trên tay, cô như đứng ở ngã ba đường mà không biết mình nên rẽ về đâu. Tiếng của bố lạnh tanh như quân lệnh:
- Mày mà theo nó lên đó thì đừng nghĩ trở về cái nhà này nữa. Coi như tao mất một đứa con gái.
Mẹ thì chỉ biết lặng lẽ khóc hết ngày này đến ngày khác như cơn mưa dầm không biết ngày nào dứt. Còn Thành thì liên tục gọi điện giục An gửi hồ sơ để anh nộp xin việc trên đó. Thế đấy, yêu một người tỉnh xa là thế đấy. Thành không thể theo cô vì anh là con một. Còn cô, hễ cô định bước chân đi thì tiếng khóc của mẹ lại như sát muối vào lòng để rồi bốn năm trôi qua, cô vẫn như đang đứng ở giữa ngã ba đường...
Ngày cô nhận quyết định công tác, trời mưa to lắm. Cô hỏi đường mãi mới đến được ngôi trường này. Hụt hẫng, cô xin ở lại tập thể vì không muốn hàng ngày phải đối diện với bố. Mọi người trong trường nhìn cô với ánh mắt tò mò, dự đoán cùng lắm cô cũng chỉ ở lại đây một năm để nhận cái biên chế rồi sẽ chuyển nơi khác điều kiện hơn thôi. Lúc ấy, cô cảm thấy tất cả đều quá xa lạ. Cô khóc nhiều lắm. Cô chưa từng nghĩ đến học trò của mình lại toàn là những cô, cậu bé người dân tộc thiểu số đen nhẻm đen nhèm, tóc vàng hoe, bết dí lại, thỉnh thoảng chúng lại phát sóng ngang khiến cô bối rối vô cùng. Chúng đã lớp 6 rồi nhưng hễ động cái là chúng thưa, chúng gửi, chúng mách, chúng tố nhau từ việc mất cái bút đến việc ngồi lấn sang chỗ của nhau. Vào lớp, cô thấy khó chịu vì cái mùi ngai ngái nồng nồng bốc ra từ người chúng, có hôm trời nắng nóng oi bức cô chỉ chực ói. Lúc đó, cô lại nhớ đến những ngày đi thực tập ở một trường cấp ba trên thành phố. Những cô cậu học sinh mới lớn, những bản độc tấu ghi ta, những bức phác họa chân dung cô mà chúng vẽ trộm trong giờ... tất cả đã xa rồi.
Thời gian cứ thế trôi đi, rồi cô bắt đầu thấy gắn bó với ngôi trường này, với mọi người ở đây. Từ chỗ khó hiểu rồi đến kính phục thầy hiệu trưởng vì cứ đến bài “Đồng chí” hay bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là ông lại tranh lên dạy thay. Một thầy giáo già, một người lính đã kinh qua hai cuộc chiến tranh đang làm sống dậy một thời gian khổ nhưng cũng đầy oanh liệt, hào hùng ấy. Cô quý mến chị Hoa bởi chính sự hồn hậu trong con người chị. Cô thích tâm sự với chị Lan cùng tổ vì chị lúc nào cũng thủ thỉ như một người chị, người mẹ. Cô thấy ấm lòng vì một ánh mắt... Và đặc biệt hơn, cô bắt đầu thấy yêu lũ trẻ, cô thấy quen với cái mùi ngai ngái, nồng nồng từ người chúng, mà hễ cứ mỗi lần về nhà là cô lại cảm thấy nhớ nhớ. Cô không còn thấy khó chịu vì những lời thưa kiện nữa mà nhận ra vẻ ngộ nghĩnh đáng yêu của lũ học trò. Cô biết ơn vì những trò vui mà cậu học sinh giỏi văn cố tình tạo ra để cho cô vượt qua cái tâm trạng nắng mưa sùi sụt khi nhớ anh. Cô đã khóc cùng với một cậu bé vì bài văn xúc động khi nó tả về gương mặt mẹ. Tất cả như một sợi dây vô hình níu giữ cô.
Cô đâu thể trách Thành được bởi suốt mấy năm qua anh vẫn yêu và gửi đến cô những đóa hoa mà cô rất thích. Anh vẫn hi vọng anh và cô được dự ngày khai trường cùng nhau. Thành đâu có lỗi khi anh lựa chọn con đường đi dễ dàng hơn. Có thể con đường đó không có hoa hồng vàng, nhưng sẽ có rất nhiều loại hoa đẹp khác. Cô không trách...
- Cô ơi cô ! 
Con bé Thu cứ thập thò ngoài cửa không dám vào. An vội thấm nước mắt, cố cho giọng loãng ra:
- Sao vậy em?
- Cô ơi, buổi lễ sắp bắt đầu, tiết mục của cô trò mình mở màn cô ạ.
An gật đầu để cô bé yên tâm rồi sải bước về phía lễ đài. 
Lũ trẻ nhìn thấy cô liền bu lại, ríu ra ríu rít như đàn chim non. Chúng đòi cô chỉnh lại trang phục, tết lại tóc, cài lại nơ hoa,... thôi thì đủ cả, chúng khiến cô cứ luôn tay, luôn chân và cũng khiến cô quên đi điều cô đang muốn quên. 
Lời giới thiệu của cô bé dẫn chương trình đã đưa An và học trò của cô lên sân khấu. Bài hát múa của cô trò An chính là tiếng lòng yêu nghề, yêu trẻ mà An đã gửi gắm trong đó. Ở đó có hình bóng của những thầy cô vượt khó bám trụ lại nơi dẻo cao vì các em học sinh thân yêu; có những đôi chân trần ngày ngày vượt qua bao quả đồi để đến với ánh sáng tri thức; có những đôi mắt trẻ thơ chứa đựng sự khát khao về một tương lai tươi sáng hơn,... Tất cả đã hòa vào lời ca, điệu nhạc, vào những động tác uyển chuyển nhịp nhàng của cả cô và trò. Hơn lúc nào hết, An hiểu được rằng con đường mà cô đã và đang lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Tiếng nhạc kết thúc nhường cho những tràng pháo tay không dứt của tập thể thầy và trò trong nhà trường. An chưa kịp quay về vị trí thì phía dưới sân các em học sinh ùa lên sân khấu thi nhau tặng hoa cho cô. Cô ngạc nhiên khi nhìn thấy những đóa hồng vàng từ tay lũ trẻ. Sự bối rối và xúc động trong cô cùng với sự chen lấn của lũ trẻ khiến cô chới với, rồi cũng chính lũ trẻ vây xung quanh cô lại là “điểm tựa” để cô đứng vững và đón nhận tình cảm của chúng. Và cũng chính lúc này, người đồng nghiệp ấy đã trao tặng cô bó hoa với màu cô yêu thích - người mà vẫn luôn dõi theo cô với ánh mắt hoang hoải, vời vợi, chỉ có điều là ánh mắt ấy giờ có gì đó rất khác mà cô không thể lí giải được, phải chăng đó cũng là “điểm tựa” cho cô? Điểm tựa..!









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập