Vun đắp ước mơ cho học trò

Cống hiến tuổi xuân ở mảnh đất “khó”

Cô Thùy sinh ra và lớn lên tại Yên Bái trong một gia đình nghèo, đông con. Ngay từ nhỏ, Thùy ấp ủ ước mơ được làm cô giáo. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô nhận công tác tại Trường Tiểu học Ngải Thầu, huyện Bát Xát.

Cô giáo Nguyễn Diệu Thùy trong giờ giảng.

Cô nhớ lại: Ngày đầu xách ba lô lên đường nhận công tác, tôi háo hức lắm. Mặc dù phải đi bộ từ xã Y Tý đến xã Ngải Thầu mất 7 cây số nhưng vì cảnh đẹp nên quên hết cả mệt mỏi. Ngày mới nhận công tác, trường chưa được xây dựng, còn lớp học tạm. Nhìn các em chân đất đến lớp, quần áo lấm lem, tội nghiệp lắm. Lớp tôi được nhận là lớp ghép có 7 học sinh lớp 5 và 20 học sinh lớp 4. Sau buổi học đầu tiên, tôi phát hiện 100% học sinh không thể giải toán có lời văn, hơn nửa lớp còn đang học đánh vần. Lúc này tôi mới nhận thấy việc dạy học ở đây rất gian nan. Để có nước sinh hoạt cho cô - trò bán trú, các thầy cô cùng cán bộ xã đã lắp ống dẫn nước về dùng. Muốn gọi điện cho bố mẹ thì phải đi bộ lên tận trung tâm xã Y Tý. Những ngày đầu xa nhà, lại công tác ở nơi không có điện, đêm đến tủi thân, khóc một mình. Lâu dần thành quen, hơn nữa trường học nằm giữa bản, xung quanh có nhiều nhà dân, nên không có cảm giác lạc lõng. “Hằng ngày, tôi lấy việc dạy các em làm niềm vui và bầu bạn. Ở đây, nếu giáo viên không chịu được khổ, không yêu nghề thì khó mà bám trụ lâu dài”, cô Thùy tâm sự.

Ngày ấy, đường sá không như bây giờ, các cô giáo không có cách nào khác là phải cuốc bộ cả ngày đường, bất kể trời nắng hay mưa. Những cung đường vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút. Trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt, đặc quánh bùn đất, phải đi ủng đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Sau này có xe máy thì ngã xe là cơm bữa, vừa đau, vừa nản nhưng vẫn phải một mình dựng xe lên đi tiếp.

Thế nhưng, có biết bao nhiêu kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại cô Thùy vẫn rưng rưng nước mắt. Câu chuyện về những bắp ngô, quả trứng các em giắt trong cạp quần mang biếu cô giáo, những bông hoa dại được các em tặng cô nhân ngày 20/11 mà có lẽ chẳng thể mua được ở bất cứ đâu. Rồi những bữa cơm lạc rang, cá khô nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Cô Thùy bảo: Mẹ tôi lên thăm, vừa khóc vừa khuyên bỏ nghề về với mẹ, nhưng những ánh mắt trìu mến của các em nhỏ đã níu chân mình ở lại nơi đây suốt 10 năm tuổi trẻ.

“Điểm tựa” tinh thần cho học trò

10 năm giảng dạy ở vùng đất khó, cô giáo Thùy luôn trăn trở về cuộc sống cơ cực của học sinh nơi đây. Các em ăn không đủ no, mùa rét không đủ áo ấm. Cô từng nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho học sinh, đến từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên các em đi học. Tối đến, nhiều em nhớ nhà, cô phải sang ngủ cùng, dỗ dành để các em ở lại trường lớp. Để cải thiện cuộc sống cho các em, cô mượn đất của người dân trồng rau, mỗi lần về thăm nhà, cô lại chở cá khô, trứng, lạc… thêm vào bữa ăn cho các em. Dần dần, cô trở thành người mẹ thứ hai của các em, được các em và phụ huynh tin yêu.

Chia tay học sinh vùng cao, cô Thùy về nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai. Vẫn mang trong mình nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu trẻ, cô trở thành điểm tựa tinh thần cho các em nhỏ. Cô luôn tìm ra những cách dạy mới để truyền đạt tới các em nhiều kiến thức mà không khiến cho các em thấy “sợ” học. Cô Thùy bảo: “Tôi đặc biệt chú ý đến tâm tư, tình cảm của các em. Nhiều em bất chợt học hành sa sút, trong lớp thiếu tập trung, giờ ra chơi, tôi thường ngồi lại hỏi han, tâm sự. Nếu trẻ em vùng cao có những câu chuyện về sự thiếu thốn vật chất, thì trẻ em thành phố có những câu chuyện về thiếu thốn tình cảm gia đình. Ở độ tuổi các em, những xung đột gia đình có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý, khiến các em suy nghĩ tiêu cực, chán học hành. Chính vì thế, tôi luôn gần gũi động viên các em, đồng thời là cầu nối tới cha mẹ học sinh để cùng gia đình giúp các em vượt qua những xáo trộn tâm lý.

Có những học sinh sau khi ra trường, trưởng thành vẫn tìm đến cô Thùy để tìm những lời khuyên về cuộc sống, hoặc câu chuyện thầm kín mà không thể chia sẻ với ai. “Chính sự hồn nhiên, trong sáng của các em là liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua những mệt mỏi trong công việc. Với tôi, các em cũng giống như con của mình vậy!”.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, biết bao bằng khen, giấy khen dành cho cô Thùy về những cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Với tình yêu nghề, mến trẻ, cô vẫn ngày ngày vun đắp ước mơ cho những lứa học trò…

THANH HUỆ
Gương sáng - Người tốt - Việc tốt








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập