Chắp cánh ước mơ nghiên cứu khoa học cho học trò

Chắp cánh ước mơ nghiên cứu khoa học cho học trò

LCĐT - 5 năm qua, cô Phạm Thị Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Chuyên Lào Cai đã hướng dẫn nhiều học sinh đoạt giải cao về nghiên cứu khoa học.

Cô giáo Huệ (thứ 2 từ phải sang) và học trò chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ. Ảnh:TL

Tự hào khi học trò đạt những giải thưởng lớn

Tôi biết cô giáo Phạm Thị Minh Huệ cách đây 10 năm khi cô mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội về dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT số 1 huyện Bát Xát. Năm 2005, cô chuyển ra dạy học tại Trường THPT Chuyên Lào Cai và luôn miệt mài trên bục giảng truyền cảm hứng và tình yêu văn học cho các lớp học trò.

Những năm gần đây, giáo dục Lào Cai liên tục gặt hái nhiều thành tích trong các cuộc thi, đặc biệt là thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, quốc tế. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội - hành vi tuy khó và trừu tượng nhưng các nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai đã đoạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Nhất, Nhì quốc gia.

Năm học 2016 - 2017, nhóm học sinh Bùi Anh Đức, Trần Nguyễn Nhật Linh đoạt giải Nhất quốc gia với đề tài Khả năng ứng phó của trẻ em trước nguy cơ bị bắt cóc, mua bán ở địa bàn tỉnh Lào Cai. Năm học 2017 - 2018, Dự án Nghiên cứu sự tác động lên nhận thức làm thay đổi thái độ của cộng đồng đối với bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lào Cai của nhóm học sinh Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Huệ Như đoạt giải Ba quốc gia.

Từ năm 2018 đến năm 2020, thêm 3 nhóm học sinh Lào Cai đoạt 3 giải Nhất quốc gia với các đề tài: Nghiên cứu chỉ số hạnh phúc học đường của học sinh THPT (Nguyễn Tường Duy, Hồ Thiên Nga); cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hàng rong người dân tộc thiểu số ở Sa Pa (Bùi Nguyên Nghĩa, Đặng Minh Phương); khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT (Hoàng Việt Phúc, Vũ Phương Mai). Đặc biệt, Dự án Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT còn được lựa chọn tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế năm 2021 tổ chức trực tuyến tại Hoa Kỳ và được 2 giải Ba do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và Hiệp hội Thống kê Hoa Kỳ trao tặng.

Điều đáng nói là đằng sau hàng loạt giải thưởng lớn đem đến niềm tự hào cho giáo dục Lào Cai và cả nước, cùng với sự nỗ lực của học sinh chính là sự đồng hành, chỉ bảo và hướng dẫn tận tâm của cô giáo Phạm Thị Minh Huệ.

Cô giáo Huệ trò chuyện: Tôi rất vui và tự hào về học sinh của mình. Là người hướng dẫn các em thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tôi cùng các em trải qua những khó khăn, vượt qua thử thách để đi đến thành công. Sau mỗi hành trình gian nan ấy, cô trò cùng nhìn lại chặng đường đã qua và tiếp tục chuẩn bị cho những hành trình sắp tới. Các em cho tôi niềm tin cũng như động lực để tiếp tục đam mê với nghề.

Dạy học trò biết vượt qua khó khăn

Nhìn vào những đề tài nghiên cứu khoa học mà cô giáo Phạm Thị Minh Huệ hướng dẫn các nhóm học sinh, tôi phát hiện ra đó đều là những đề tài nhân văn, bắt nguồn từ những vấn đề “nóng” trong đời sống như vấn nạn bắt cóc, mua bán trẻ em, HIV/AIDS, trẻ bán hàng rong. Thậm chí, có đề tài vẫn đang đầy tính thời sự như việc học tập trực tuyến của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, những đề tài ấy về độ khó có thể xứng tầm với những luận án, luận văn nghiên cứu trình độ cử nhân trở lên. Điều này làm tôi băn khoăn.

Cô giáo Phạm Thị Minh Huệ chia sẻ: Ở Trường THPT Chuyên Lào Cai, các nhóm học sinh được thoải mái chọn lựa đề tài, ý tưởng và chọn các thầy, cô giáo hướng dẫn. Mỗi năm học, có không ít nhóm trình bày ý tưởng và nhờ tôi hướng dẫn nghiên cứu. Trước các em và những đề tài khó, tôi luôn đặt câu hỏi liệu đề tài này vừa sức với học trò không? Mình có thể hướng dẫn các em không? Các em có cam kết phải tự mình nỗ lực nghiên cứu đi đến cùng của khó khăn? Khi cô và trò có cùng câu trả lời thì mới có thể bắt đầu thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học.

Trong câu chuyện với tôi, cô giáo Phạm Thị Minh Huệ nhớ lại: Tôi không thể quên quãng thời gian suốt 3 tháng cùng các em Bùi Nguyên Nghĩa, Đặng Minh Phương ngược cung đường Lào Cai - Sa Pa từ 3 giờ sáng mùa đông giá rét để gặp gỡ, trò chuyện với các nhóm trẻ bán hàng rong ở Tả Van, Lao Chải. Rồi khi nghiên cứu đề tài liên quan đến bệnh nhân HIV/AIDS hoặc trẻ bị buôn bán, bắt cóc, cô trò đều phải gặp gỡ, phỏng vấn, khai thác thông tin từ những đối tượng liên quan… Có đề tài học sinh vất vả hàng tháng lấy thông tin nhưng khi đưa vào phần mềm phân tích lại nhận được phản hồi chưa đủ độ tin cậy, tôi phải hướng dẫn các em làm lại từ đầu. Mỗi đề tài thường thực hiện 6 - 7 tháng, trải qua bao vất vả, nếu không đủ kiên trì và quyết tâm thì khó thực hiện được.

Điều quan trọng là giúp các em trưởng thành hơn

Tuy dạy môn Ngữ văn nhưng hầu hết những nhóm học sinh cô Huệ hướng dẫn nghiên cứu khoa học là học lớp chuyên tiếng Anh. Một số học sinh gia đình rất có điều kiện, bản thân các em ít khi trải qua vất vả, chưa nghiên cứu khoa học nên khi thực hiện đề tài không hình dung được hết những khó khăn. “Trong quá trình nghiên cứu đề tài, đã có những phút giây cô trò căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí có em phát khóc khi tưởng như không vượt qua được, nhưng tôi luôn động viên các em phải cố gắng đến cùng. Kết thúc một hành trình, nhìn lại những gì đã qua, cô trò vỡ òa niềm vui. Có phụ huynh tâm sự với tôi, họ không thể tin rằng con mình có thể vượt qua những thử thách như vậy và cảm ơn cô giáo vì sự trưởng thành, thay đổi về nhận thức, hành động của con”, cô Huệ bộc bạch.

Là học sinh có đề tài đoạt giải Nhất Cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm học 2020 - 2021 và đoạt giải trong cuộc thi quốc tế do cô giáo Phạm Thị Minh Huệ hướng dẫn, em Hoàng Việt Phúc cho biết: Sau 7 tháng được cô Huệ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, từ chỗ ngại nói chuyện trước đám đông, sợ những câu hỏi hóc búa từ ban giám khảo, kỹ năng quan sát kém, em trở thành một con người mới, tự tin, mạnh dạn, biết cách ứng xử với mọi người, hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống.

Trở lại cuộc trò chuyện với tôi, cô giáo Huệ bảo tuy chưa vào năm học mới nhưng đã có nhóm học sinh muốn nhờ cô hướng dẫn đề tài và một hành trình mới lại bắt đầu. “Việc dạy Ngữ văn trên lớp và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vẫn diễn ra song song nên công việc lúc nào cũng bận rộn. Nhưng chỉ cần học sinh vẫn cần tới mình và mình có thể giúp các em trưởng thành hơn thì dù khó khăn, vất vả đến mấy cô trò cũng vượt qua được như lời dạy của Bác Hồ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập