Chú trọng các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới
         Cùng với sự quan tâm của Tỉnh bằng việc cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Dự án  để tập trung  phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với tiêu chí số 5 (trường học) và tiêu chí 14 (giáo dục) đã tạo sự thay đổi rõ nét giáo dục và đào tạo của tỉnh Lào Cai.
 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh Lào Cai trong đó ngành giáo dục có 2 tiêu chí (số 5 và số 14) thời gian qua được các phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN&GDTX huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Các đơn vị trường học tổ chức, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đảm bảo thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đảm bảo theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm học đến toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Với yêu càu: Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên của đơn vị là một tuyên truyền viên trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhiều đơn vị trường học đã có các hình thức hoạt động, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ linh hoạt, phù hợp với thực tế đơn vị như: ký cam kết thi đua, lồng ghép vào các môn học, giờ chào cờ, các hoạt động ngoại khoá, trích in tiêu chí số 5, 14, các khẩu hiệu tuyên truyền về nông thôn mới treo tại nhà trường...; tổ chức giúp đỡ xã, thôn xóm làm đường giao thông nông thôn, lao động, vệ sinh môi trường, nhà ở, giúp đỡ một số hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh. Huy động, ủng hộ, tăng cường cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới. 
Cùng với huy động nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, việc thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học tỉnh Lào Cai đến năm 2020 định hướng đến 2030 đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân. Lũy kế số thực hiện đến 30/9/2018, toàn tỉnh đã sáp nhập 109 trường thành 53 trường, đạt 83,3% mục tiêu đề án (MN: 22;TH: 59; THCS: 25; TH&THCS: 3; gộp 261 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học, xóa 34 điểm trường, đưa 10.732 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính). Hai huyện vùng cao Bắc Hà và Si Ma Cai đã đưa hầu hết HS lớp 4, lớp 5 ở các điểm trường về học ở trường chính, một số xã đã đưa học sinh lớp 3 về trường chính; từ đó đã tăng được quy mô HS/lớp. Chất lượng dạy và học của các trường sau sáp nhập có nhiều chuyển biến tích cực.
Để thực hiện tiêu chí số 5 (trường học) ngành giáo dục tích cực triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới (hiện có 359/617 trường đạt chuẩn quốc gia (không tính 10 TTGDNN&GDTX), đạt 58,1%. Đứng tốp đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2020 có 57% trường chuẩn quốc gia).
Với tiêu chí số 14 (giáo dục) ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục. Có nhiều chuyển biến rất rõ nét và toàn diện, vững chắc ở tất cả các cấp học, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều mô hình và giải pháp đặc thù nâng cao chất lượng giáo dục được thực hiện hiệu quả đang tiếp tục được triển khai nhân rộng. Kết quả PCGD được duy trì vững chắc ở 164/164 xã, phường, thị trấn. Cụ thể: có 154 xã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 (tăng 31 xã so với cùng kỳ năm trước); 08 huyện đạt chuẩn mức PCGDTH mức độ 3 (tăng 3 huyện); 31 xã đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 3 (tăng 7 xã); 146 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2; hiện đã xóa mù chữ cho 10.783/12.500 người, đạt 86,2% kế hoạch giai đoạn 2015-2020, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 từ 90,3 lên 93,2%.
Nhiều mô hình giáo dục hiệu quả như trường học gắn liền với thực tiễn thực hiện phương châm học đi đôi với hành;  tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống: Các mô hình: trường học “Nông trường, nông trại”, trường học “Du lịch, sinh thái”, trường học “Đa văn hóa” đã phát huy ưu thế, đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý, phương pháp giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 
Thực hiện có hiệu quả các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng cảnh quan nhà trường sạch, xanh, đẹp, an toàn, thân thiện; tổ chức các hoạt động như: trồng cây, trồng hoa, thường xuyên dọn dẹp các công trình vệ sinh sạch sẽ; với các trường PTDTNT, PTDTBT, trường có học sinh bán trú cần tổ chức lao động trồng rau xanh, tăng gia chăn nuôi, thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khu nội trú, bếp ăn, khu vệ sinh; sắp xếp phòng ở gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, an toàn. 
 Tích cực thực hiện phân luồng, hướng nghiệp học sinh: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân luồng học sinh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025 (Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 23/02/2018). Chỉ đạo các cơ sở giáo dục dạy đủ chương trình hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với cấp THCS, THPT; phối hợp với trên 20 trường ĐH, CĐ, TC và Trung tâm tư vấn du học tổ chức Ngày Hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh tập trung cho học sinh lớp 12; hằng năm có hướng trên 70% học tốt nghiệp THCS học THPT, có 13% số học sinh đi học nghề; chú trọng công tác hướng nghiệp THPT, nên tỷ lệ học sinh học Đại học giảm 8% (từ 29% xuống 21%), số học sinh học nghề tăng, tỷ lệ này có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo cân đối nguồn nhân lực, học sinh ra trường tạo nhiều cơ hội có việc làm.
          Với quyết tâm, nỗ lực cố gắng của toàn ngành giáo dục trong thời gian qua đã mang về những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu báo cáo đến thời điểm hiện tại: Tiêu chí số 5: 76/144 xã (52,7%); Tiêu chí số 14: 99/144 xã (68,7%).
          Bên cạnh những thuận lợi,  hiện nay việc triển khai  thực hiện tiêu chí số 5 trên địa bàn toàn tỉnh vẫn gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao còn nhiều khó khăn; còn 36% phòng học chưa được kiên cố hóa. Phòng học bộ môn, ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn mới đáp ứng được trên 20%; công trình thể thao, giáo dục thể chất các trường học còn thiếu nhiều; diện tích đất của nhiều trường còn chật hẹp. Công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế.
Để giải quyết những khó khăn trên, trong kế hoạch thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học (xóa phòng học tạm) và xây dựng nhà ăn+ bếp nấu cho tất cả các trường có học sinh bán trú, giai đoạn 2019 – 2020 với quy mô 742 phòng học, 156 nhà ăn+ bếp nấu, với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trước tháng 8/2020. Tiếp tục đầu tư bổ sung trang thiết bị dạy học, máy tính, máy chiếu, đồ dùng đồ chơi ngoài trời... cho các cơ sở giáo dục.
Với quan điểm, chủ trương xây dựng trường học “của dân, do dân, vì dân”.  Phấn đấu xây dựng trường học trở thành “Trung tâm giáo dục chính trị tư tưởng, trung tâm văn hoá giáo dục, khoa học kỹ thuật, trung tâm giáo dục” của địa phương. Cùng với quan tâm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, các chỉ tiêu số 5, 14 của ngành giáo dục sẽ sớm hoàn thành theo kế hoạch của tỉnh./.

Lê Mạnh Trường - Chánh VP Sở GD&ĐT Lào Cai

Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập