Lào Cai thí điểm cho học sinh THCS nghỉ thứ Bảy: 'Quan trọng là khả năng tự học'
Sau gần một tháng Lào Cai thực hiện cho học sinh THCS và THPT nghỉ thứ Bảy, ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, việc thí điểm này khiến một số giáo viên phải làm việc với cường độ cao hơn, một số ngày trong tuần học sinh phải học 9 tiết, gây mệt mỏi cho các em.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh trong việc quản lý học sinh ngày nghỉ thứ Bảy còn gặp một số khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc học sinh THCS và THPT ở tỉnh Lào Cai chỉ học chính khóa 5 ngày một tuần kể từ tháng 10/2019 mở ra một hướng đi mới, có thể là mô hình để các địa phương cả nước học tập.



(Ảnh minh họa)

Quan trọng là khả năng tự học

Trả lời VTC News về vấn đề này, tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, học sinh nghỉ thứ Bảy là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là với lứa tuổi THCS và THPT. Bởi học cả thứ 7, học sinh bị tình trạng quá tải, không có thời gian làm việc khác. Đặc biệt, một số trường dân lập còn bố trí dạy vào buổi chiều khiến thời gian học rất nhiều.

"Học sinh học đến cấp 2, cấp 3 thì điều quan trọng là khả năng tự học. Vì vậy thầy cô có thể giao những nhiệm vụ, bài tập cho các em thời gian về nhà tìm kiếm thông tin và hoàn thành công việc đó.

Còn cách dạy thông thường bây giờ là thầy cô giảng và trò ghi chép, làm bài tập theo sự giám sát của thầy cô, dẫn đến học sinh không có khả năng tự học, không có tính tự giác. Nếu khi không còn thầy cô giám sát thì các em sẽ bỏ bê" – tiến sĩ Hương cho hay.

Theo tiến sĩ giáo dục, ở nước ngoài, học sinh THCS, THPT tính tự lập rất cao, thường các em sẽ được giao những bài tập lớn ở tất cả các bộ môn để có thể đi tìm hiểu và nghiên cứu về chúng.

Chính vì vậy, họ có thể nghỉ cả ngày hoặc thậm chí nghỉ cả 1 tuần lễ để nghiên cứu, tìm hiểu những bài tập được giao. Không chỉ học ở trường, đôi lúc học sinh còn được giao nhiệm vụ đến xin làm việc ở một cơ quan nào đó và phải lấy được giấy chứng nhận về nộp cho nhà trường.

"Học sinh lớp 11 ở châu Âu còn có thể lấy được mẫu ADN của con vật cũng như con người. Điều đó cho thấy học sinh ở châu Âu được thực hành rất nhiều và dựa trên những yêu cầu của nhà trường mà các em phải đi thực tế để tìm hiểu, nghiên cứu. Có nghĩa là người ta giảm dần thời gian ở nhà trường chứ không tăng dần như cách giảng dạy ở nước ta" - bà Hương nói.

Theo vị tiến sĩ này, ở cấp tiểu học học sinh không phải học thứ Bảy, còn THCS và THPT phải học thứ Bảy, nghĩa là lượng học đang tăng dần theo cấp học. "Chúng ta hoàn toàn có thể giảm lượng học nhưng lại tăng lên những yêu cầu cho học sinh khi về nhà", tiến sĩ Hương nói.

Ví dụ, điểm bài kiểm tra 15 phút hoặc bài kiểm tra 1 tiết có thể thay thế bởi những bài tập nghiên cứu xã hội học hoặc những bài tập như tìm hiểu ngành nghề bằng cách cho học sinh thời gian đi làm thêm.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, các học sinh cần phải chứng minh về những hoạt động mình đã làm bằng cách viết bài luận.

"Thầy cô giáo hay kêu ca vì họ cảm thấy áp lực với việc học sinh không thành thạo bài tập như học mong muốn. Kiến thức môn Toán của học sinh nước ta so với thế giới không phải là nặng nhưng các em phải dành quá nhiều thời gian cho bài tập nên khi ra nước ngoài dự thi, các em sẽ dành thế mạnh về môn Toán bởi làm bài tập rất thành thạo.

Tuy nhiên, về lý thuyết và tính ứng dụng của môn Toán của học sinh nước ta chưa chắc nắm được và cuối cùng các em chỉ giỏi giải bài tập, còn trẻ em thế giới chỉ học về ý nghĩa của các phép toán đó.

Ví dụ học sinh nước ngoài tính vấn đề ô nhiễm dựa trên đạo hàm có thể chưa thực sự thành thạo, trong vấn đề giải toán nhưng các em học sinh lại có thể hiểu được bản chất vấn đề" - bà Hương phân tích.

Miền núi dạy chữ quá nhiều, dạy nghề quá ít

Nói về việc Lào Cai thí điểm cho học sinh THCS và THPT nghỉ thứ Bảy, bà Hương cho rằng, khi được nghỉ thêm, học sinh vùng cao có thời gian để làm việc gia đình hoặc thậm chí dành thời gian nghỉ để trợ giúp vấn đề kinh tế cho gia đình.



Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, cho rằng, học sinh nghỉ thứ Bảy là hoàn toàn hợp lý và điều quan trọng là khả năng tự học, tính tự giác của học sinh.

"Ở vùng cao thường học sinh học kiểu nội trú rất nhiều nên thời gian nghỉ thứ Bảy quan trọng với các em. Bởi không được nghỉ thứ Bảy thì các em sẽ không được về với gia đình do ngày nghỉ Chủ nhật quá ngắn.

Các em cần có thời gian về sống với gia đình, lao động giúp đỡ cha mẹ, vì ngoài thời gian học ở trường các em cũng cần có sự yêu thương, dạy bảo của cha mẹ.

Ngoài ra, khi về nhà, học sinh có thể làm những thêm một số nghề để tìm hiểu hoặc làm nghề của gia đình giúp đỡ về mặt kinh tế. Chúng ta cũng đừng nghĩ đấy là bóc lột sức lao động của trẻ em bởi một tuần chỉ có vài tiếng đồng hồ.

Có một thực tế là ở miền núi chúng ta dạy chữ quá nhiều va dạy nghề quá ít. Vậy tại sao chúng ta không tranh thủ thời gian này để dạy nghề. Điều chúng ta cần nhất khi giáo dục khu vực miền núi là đẩy cao tri thức của trẻ em vùng cao, để các em có nghề nghiệp tốt và để xây dựng quê hương của chính mình" - tiến sĩ Hương chia sẻ.

Lo lắng nghỉ thứ Bảy, sa đà vào học thêm

Tuy nhiên, vị chuyên gia trên lo ngại, cho các em nghỉ thứ Bảy, các gia đình sẽ sa đà vào việc để con đi học thêm, hoặc có thể một số học sinh mải chơi game không để thời gian nghỉ dành cho việc khác.

Vì vậy, các thầy cô giáo cần có cách thức nào đó để các em phải làm bài khi được nghỉ, dành thời gian để tìm hiểu, phát triển khả năng của mình ngoài thực tế, chứ không phải những lý thuyết suông hay làm bài tập trên lớp.

"Tôi dạy một bộ môn tổng hợp bao gồm 5 môn khoa học là Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Sinh học, Địa lý với thời gian chỉ 30-45 tiết/học kỳ và 1 tuần chỉ lên dạy có 3 tiết. Nhưng cách dạy của tôi là giao rất nhiều bài tập lớn (trình bày tiến trình lịch sự của Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến năm nay, tìm hiểu tất cả các phản ứng hóa học xảy ra trên trái đất...) về nhà để các học sinh tìm hiểu, đọc sách, suy ngẫm để làm.

Những bài tập vô cùng lớn như vậy thì các bạn sẽ phải tập trung để làm vì nếu không tập trung làm thì sẽ không xong và bị kỷ luật. Đây là nghệ thuật của các thầy cô giáo, nếu các thầy cô chỉ có luyện các phép tính thì không được mà các thầy cô giáo nên cho các em tìm hiểu ý nghĩa của phép toán này trong cuộc sống" - bà Hương nói.

Tùng Lâm
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập