Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và Hội thảo dạy lớp 6 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố Lào Cai

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và Hội thảo dạy lớp 6 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố Lào Cai

 

Thực hiện công văn số 1547/SGD&ĐT ngày 31/8/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục THCS năm học 2021-2022, ngày 30/9/2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Lào Cai đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học ở 14/14 môn, phân môn học và Hội thảo cấp tỉnh về dạy học lớp 6 Chương trình GDPT 2018.

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Bùi Xuân Tiệp, Trưởng phòng  Giáo dục Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo, tham dự có lãnh đạo, chuyên viên 9/9 phòng GD&ĐT và 430 thầy cô giáo là giáo viên cốt cán, giáo viên trực tiếp dạy lớp 6 Chương trình GDPT 2018 các bộ môn đến từ các huyện, thành phố, thị xã.

Buổi sáng ngày 30/9, thực hiện quy trình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đã chủ trì tổ chức dạy minh hoạ 14 tiết học/14 môn, phân môn tại 4 trường: Trường THCS Lê Quý Đôn (môn Toán, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ), THCS Kim Tân (môn Ngữ văn, môn KHTN phân môn Sinh học, Hoá học, Vật lí), THCS Lê Hồng Phong (môn GDTC, Giáo dục công dân), THCS Bắc Cường (môn Nghệ thuật phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật; môn Lịch sử- Địa lí). Ngay sau phần dự giờ, dưới sự chủ trì của giáo viên cốt cán, các đại biểu, thầy cô giáo tham dự đã tiến hành phân tích giờ minh họa. Nội dung tập trung vào phân tích hoạt động học của học sinh; những vấn đề khó khăn trong tổ chức thiết kế giờ dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6; những yêu cầu mới về vai trò của người thầy trong giờ học. Các đại biểu tham dự đã tích cực phát biểu với 148 ý kiến được đưa ra, đề xuất những giải pháp khắc phục khi tổ chức các hoạt động cho học sinh, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập; những giải pháp nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

Buổi chiều là phần Hội thảo dạy lớp 6 Chương trình GDPT 2018 tại trường THCS Lê Quý Đôn. Hội thảo đã có 25 đại biểu có ý kiến tham luận nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo và thực hiện dạy lớp 6  CT GDPT  2018, tập trung các nội dung: Công tác quản lý của Phòng GD&ĐT; công tác quản trị của Hiệu trưởng với Chương trình GDPT 2018; công tác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ chuyên môn, kế hoạch bài học của giáo viên; công tác bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá đáp ứng Chương trình GDPT 2018 phát triển năng lực, phẩm chất người học; hoạt động kiểm tra đánh giá theo thông tư 22.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá những vấn đề thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình GDPT năm 2018 tại Lào Cai:

Nhiều học sinh được học, giáo viên mô hình trường học mới, việc chuyển tiếp từ mô hình THM sang chương trình GDPT năm 2018 có nhiều thuận lợi. 100% học sinh học theo mô hình THM đã được học Tiếng Anh 10 năm và Tin học bắt buộc. (Tổng số lớp 6 toàn tỉnh là 448 với 15248 học sinh, học sinh đã học mô hình trường học mới 341 lớp với 11669 học sinh chiếm tỷ lệ 76,53%. Tổng số 1631 giáo viên đã được dạy mô hình THM chiếm tỷ lệ 62,66%).

Các Phòng GD&ĐT rất quan tâm và sát sao chỉ đạo; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các nhà trường có tinh thần nỗ lực cố gắng vượt khó, quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện dạy học lớp 6 và chuẩn bị tốt cho các lớp tiếp theo của chương trình GDPT 2018.

Cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân rất quan tâm đến giáo dục, sẵn sàng chung tay, chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục, đặc biệt là các hoạt động đổi mới giáo dục (đây cũng là áp lực đối với ngành).

Bên cạnh đó việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018 có nhiều khó khăn, thách thức:

Về cơ sở vật chất: Trang thiết bị dạy học chưa được đáp ứng kịp thời, do tình hình dịch bệnh, khó khăn về ngân sách; thiếu sách giáo khoa đối với một số đơn vị trường (được cấp phát), chưa in được tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 (sử dụng bản mềm); số lượng máy tính còn sử dụng được ở nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học môn Tin học.

Cơ cấu giáo viên chưa phù hợp, một số trường thiếu giáo viên bộ môn (đặc biệt là môn ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ…) phải phân công giáo viên dạy chéo môn, giáo viên dạy 2 trường trở lên, khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng dạy học bộ môn. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nhiều đợt phải thực hiện trực tuyến (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) nên khó khăn trong các hoạt động thực hành, vận dụng và kiểm soát chất lượng bồi dưỡng.

Vẫn còn học sinh chưa được học Tin học, Tiếng Anh ở cấp Tiểu học (hoặc chỉ mới tiếp cận ở mức độ làm quen), đối tượng này thuộc những học sinh không học theo mô hình trường học mới. Mặc dù đã có sự tiến bộ rất nhiều, xong nhiều học sinh vùng cao vẫn nhút nhát, chậm, khó khăn cho tổ chức các hoạt động.

Qua Hội thảo các đại biểu tham dự đều nhất trí để triển khai tốt dạy học lớp 6 nói chung và chương trình GDPT năm 2018 trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp chính như sau:

1. Cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục phải tiếp tục nghiên cứu kỹ, hiểu sâu về chương trình GDPT năm 2018 để thực hiện có hiệu quả.

2. Tăng cường công tác tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương các giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018.

3. Thực hiện tốt vai trò của Tổ tư vấn kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh, qua việc kiểm tra, hỗ trợ trực tiếp, giải đáp trực tuyến kịp thời những vấn đề khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

4. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên: Khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động tự bồi dưỡng; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tập trung bồi dưỡng khả năng tổ chức hoạt động học cho học sinh, cách thức bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bồi dưỡng CBQL, GV các mô đun theo hình thức L-M-S.

5. Đổi mới công tác quản lý trường học: Tiếp tục tăng cường hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hiệu trưởng, Tổ chuyên môn và giáo viên trong nhà trường. Đánh giá CBQL, GV thông qua hiệu quả công việc.

6. Tăng cường ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả học liệu điện tử kèm theo SGK hoặc từ các nguồn đã được kiểm định để tăng tính trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu... và giải quyết trước mắt vấn đề chưa đáp ứng kịp thời thiết bị dạy học.

 

                                                           TP. Lào Cai ngày 30/9/2021

                                      Nguyễn Thu Loan- PGD&ĐT thành phố Lào Cai

Một số hình ảnh tại buổi SHCM và Hội thảo

 

Đồng chí Bùi Xuân Tiệp- Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo

SHCM theo NCBH môn GDCD tại trường THCS Lê Hồng Phong

SHCM theo NCBH môn Lịch sử tại trường THCS Bắc Cường

SHCM theo NCBH môn Hoá học tại trường THCS Kim Tân

Một tiết học môn Toántại trường THCS Lê Quý Đôn do cô giáo Tô Thị Hoài Nam- Trường THCS Lê Quý Đôn lên lớp

 

Một tiết học môn Tiếng Anh tại trường THCS Lê Quý Đôn do cô giáo Phạm Thanh Loan- Trường THCS Lý Tự Trọng lên lớp

 

Một tiết học môn Địa lí tại trường THCS Bắc Cường do cô giáo Lý Thị Thảo- Trường THCS Nam Cường lên lớp

Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập