Trường học gắn với thực tiễn phát huy hiệu quả

Năm học 2014 - 2015, Trường THCS Tả Phìn được hỗ trợ 200 m2 nhà lưới để thầy và trò áp dụng vào giảng dạy. Bằng cách lồng ghép với các tiết thực hành môn Sinh học, Địa lý, Công nghệ và thành lập các câu lạc bộ trồng rau, hoa, trường đã có những tiết học thực tế ngay tại khu vực nhà lưới. Học sinh được thầy cô giáo hướng dẫn trồng, chăm sóc các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua và hoa hồng, hoa ly, đồng thời lấy đó làm mẫu vật trực quan để thực hành các môn học. Các buổi chiều không có tiết học, thành viên câu lạc bộ trồng rau, hoa lại ra vườn chăm sóc rau để cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú.

Mới đây, Trường THCS Tả Phìn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư xây dựng 200 m2 nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động để triển khai mô hình thực nghiệm trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Tại nhà lưới hiện đang thực nghiệm trồng dâu tây, cà chua trên giá thể.

Ông Trần Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Phìn cho biết, nhờ triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn, chất lượng dạy và học của nhà trường chuyển biến rõ. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 35% (năm học 2014 - 2015) lên 38% (năm học 2017 - 2018), tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp tiếp tục học THPT và học nghề tăng cao theo từng năm.

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Sa Pả chăm sóc rau.

Cũng triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trường học nhưng Trường PTDT bán trú THCS Sa Pả lại có cách làm khác. Ngoài 200 m2 nhà lưới được đầu tư, thầy và trò nhà trường trồng thêm 1.800 m2 rau ngoài nhà lưới để học sinh so sánh giữa việc ứng dụng công nghệ cao đối với sự phát triển và năng suất của các loại rau. Bên cạnh những tiết thực hành tại vườn, các thầy cô giáo và học sinh bán trú thay nhau chăm sóc rau, do vậy, ngoài cung cấp thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú, nhà trường còn dư và bán ra thị trường hàng tấn rau tươi mỗi năm. Năm học 2017 - 2018, trường bán được 4 tấn rau và năm học 2018 - 2019 (tính đến nay) là 7 tạ rau. Số tiền bán rau được dùng để mua thịt, trứng và nhu yếu phẩm cho học sinh bán trú.

Em Thào Thị Ca, học sinh lớp 6A tâm sự: Em thấy học thực hành tại vườn rất bổ ích, khiến bài học dễ hiểu hơn. Nhờ được học trồng rau ở trường, em còn có thể giúp bố mẹ trồng rau ở nhà.

Thực hiện mô hình trường học du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, Trường Tiểu học Sa Pả II đã xây dựng 1 gian trưng bày các sản phẩm, dụng cụ thường ngày của gia đình người Mông; tổ chức dạy chữ Mông cho lớp 3 - 4 (2 tiết/tuần). Trường thường xuyên mời các nghệ nhân, già làng trong thôn để dạy (12 buổi/năm) cho học sinh về phong tục, tập quán của người Mông, từ phong tục ma chay, cưới hỏi đến lễ hội, trò chơi dân gian để các em hiểu hơn về dân tộc mình. Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức các hội thi, trò chơi tìm hiểu về văn hóa, du lịch… Bà Trần Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pả II cho biết: Trường có 501 học sinh, 99% là dân tộc Mông nên chúng tôi đã xây dựng mô hình mang nét đặc trưng của người Mông và hướng các em làm du lịch. Nhờ triển khai mô hình, học sinh của trường mạnh dạn trong giao tiếp, có thể thuyết trình bằng tiếng Anh. Mỗi khi có đoàn tham quan hoặc khách du lịch, học sinh có thể tự giới thiệu văn hóa của người Mông bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Năm học 2014 - 2015, huyện Sa Pa bắt đầu áp dụng mô hình trường học gắn với thực tiễn tại 24/24 trường THCS và 2 trường tiểu học. Trong triển khai, mỗi trường lựa chọn xây dựng các mô hình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh, như mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trường học gắn du lịch với kinh doanh, trường học gắn với sinh thái và du lịch, trường học gắn với văn hóa và du lịch, trường học gắn với sinh thái và bảo tồn văn hóa. Riêng năm học 2017 - 2018, các trường đã tích hợp 163 bài vào dạy học; thực hiện 66 chủ đề, 180 buổi trải nghiệm với 3.635 học sinh tham gia; thu hoạch được hơn 21 tấn rau, trồng 2.115 m2 hoa, 770 cây ăn quả và cây bóng mát với tổng giá trị gần 320 triệu đồng.

Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sa Pa cho biết, việc triển khai mô hình đã giúp học sinh có điều kiện vận dụng lý thuyết vào thực tế, thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện. Các mô hình cũng góp phần hướng nghiệp hiệu quả hơn: Năm học 2014 - 2015, huyện Sa Pa có 44% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT và học nghề; đến năm học 2017 - 2018, tỷ lệ này đạt hơn 70%, trong đó gần 20% học sinh theo học các trường nghề, chủ yếu là nông nghiệp và du lịch. Mô hình trường học gắn với thực tiễn sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các cấp học trên toàn huyện Sa Pa trong thời gian tới.

ĐỨC PHƯƠNG
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập