image banner
TUYÊN TRUYỀN 75 NĂM NGÀY NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI (10/12/1948 - 10/12/2023)

TUYÊN TRUYỀN 75 NĂM NGÀY NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI

(10/12/1948 - 10/12/2023)

Phạm Thị Huệ - Văn phòng Sở GD&ĐT

Ngay sau khi thành lập ngày 24/10/1945, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn với 30 điều khoản ngắn gọn là nền tảng cho bộ luật Nhân quyền quốc tế, gồm hai Công ước cơ bản về quyền con người (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966.

Năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) - bằng các phương thức khác nhau. Hàng năm, Ngày Nhân quyền 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.

Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Trong phần cuối, bản Tuyên ngôn khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam, được hưởng nền độc lập do tự mình giành lấy từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”. Bản Tuyên ngôn đồng thời khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ban bố một loạt chính sách để thực thi các quyền tự do, dân chủ đã nêu trong Tuyên ngôn. Việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 và Hiến Pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là sự cụ thể hóa vấn đề nhân quyền, dân quyền đã từng được nhắc tới trong Tuyên ngôn độc lập.

Sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946, hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh đấu một bước tiến quan trọng về thực hiện dân chủ và quyền con người, quyền công dân trên một đất nước đã hơn 80 năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, mọi quyền tự do dân chủ của con người và của dân tộc bị chà đạp. Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc trong đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống kẻ thù xâm lược. Người đã từng khẳng định, dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần đó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi thử thách gian nan, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay. Từ ngày thành lập nước đến nay, chúng ta đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền do Liên Hợp quốc và các Tổ chức quốc tế như: Tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em; chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc... Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Theo đó, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển, đời sống của người dân ngày càng thay đổi và được nâng cao. Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn về các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) đã thể hiện mong muốn trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.

Đặc biệt, ngày 3/4/2023, tại Trụ sở Văn phòng LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo, với sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều 3/4/2023, giờ Geneva), bao gồm 14 nước nòng cốt (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.  Việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Những năm qua, tỉnh Lào Cai nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng đã triển khai hiệu quả các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, giáo viên  trong  toàn ngành về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Nhân quyền.

 

anh tin bai

Chú thích ảnh

Triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, HSSV  trong tỉnh; bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trong tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị nơi biên giới. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo Đảng và Nhà nước.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông, Internet. Kịp thời phát hiện ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng tạo sơ hở để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chủ động thông tin những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số; nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá ta, góp phần bảo vệ nhân quyền và đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

 

Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập