|
“Bố” Vàng Văn Vinh đón 2 con từ trường về đơn vị. |
Hôm nay, anh đi sớm hơn và không quên mang thêm áo rét cho 2 con, vì thời tiết đã chuyển mùa, chiều tắt nắng là có thể chuyển lạnh ngay được. Mới chuyển về Đồn Biên phòng Si Ma Cai gần 2 tháng, nhưng với Vinh, đây không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào khi vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, anh còn thêm vai một ông bố đảm đang nữa.
Trong lúc ngồi đợi đón 2 con nuôi là Lù Văn Hùng và Lù Seo Lử, Trung úy Vinh tâm sự: Hôm nhận được nhiệm vụ, tôi gọi điện về nhà khoe ngay với vợ rằng, anh lên đơn vị còn có thêm 2 đứa con nữa nhé. Vợ tôi động viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và không quên nhắc nhở phải chăm sóc 2 con nuôi như thế nào… Tôi mới có cậu con trai 2 tuổi, nên ban đầu để tiếp cận với Hùng và Lử cũng rất lúng túng, bởi tôi còn trẻ, lại chưa trải qua việc làm bố có con lớn như thế nào… Nhưng rất may, cả 2 anh em Hùng và Lử về Đồn Biên phòng đã lâu, lại được Trung úy Giàng Nhà rèn giũa vào nền nếp.
Hai anh em Lù Văn Hùng (học lớp 9) và Lù Seo Lử (học lớp 7) được đón về nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Si Ma Cai từ năm 2016. Mồ côi bố khi Hùng mới 2 tuổi và Lử mới hơn 1 tháng tuổi, sau đó mẹ đi bước nữa, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ nuôi 2 con, đành đưa Hùng và Lử về sống với bà nội tại thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải. Nghe bà nội kể lại, trước đây bố Hùng rất thân với các chú bộ đội biên phòng, chính cái tên Lù Văn Hùng là do các chú bộ đội biên phòng đặt. Bà nội của 2 em đã 80 tuổi, không còn đủ sức lao động để nuôi Hùng và Lử ngày càng lớn. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, thương bà vất vả, nhà lại quá nghèo, nên Hùng và Lử có ý định bỏ học… Trong quá trình công tác tại địa bàn, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Si Ma Cai, trực tiếp là đồng chí Lý Seo Tỏa, Đội vận động quần chúng đã biết được hoàn cảnh của 2 em, liền đề xuất với chỉ huy đón về nuôi dưỡng tại đồn, để hai em được tiếp tục đến trường…
Sau khi đồng chí Lý Seo Tỏa được điều động, tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, thì Trung úy Giàng Nhà, 27 tuổi, được nhận nhiệm vụ thay anh Tỏa trực tiếp chăm sóc 2 em Hùng và Lử. Những ngày đầu, Giàng Nhà rất bỡ ngỡ, không hình dung ra phải chăm sóc 2 em như thế nào. Nhưng là cơ duyên khi Giàng Nhà cũng là người Mông, nên khi tiếp cận và nói chuyện với 2 em dễ dàng, gần gũi hơn. Cũng vì khoảng cách tuổi tác không xa, nên để tiện xưng hô, Giàng Nhà chủ động nhận 2 em làm em trai mình và xưng anh. Thời điểm ấy bắt đầu vào mùa rét, nên một hôm Nhà đề xuất: Hôm nay, anh đưa 2 đứa đi mua chăn bông nhé! 2 cậu bé hào hứng đi chọn chăn, nhưng khi biết anh Nhà tự bỏ tiền túi ra mua chăn, cả Hùng và Lử đã chọn chiếc chăn khác rẻ tiền hơn.
|
Bố” Vàng Văn Vinh hướng dẫn 2 con nuôi học bài. |
Những dịp đưa 2 em về thăm bà nội, Giàng Nhà tranh thủ tâm sự với bà của 2 em. Lâu dần, tình cảm giữa Giàng Nhà và gia đình của Hùng và Lử như người thân trong gia đình. 2 em đang thời kỳ phát triển tâm sinh lý nên không dễ dàng để thấu hiểu, bởi tâm lý mặc cảm, tự ti khiến cả 2 đều rụt rè và ngại chia sẻ. Giàng Nhà phải tạo không khí thật cởi mở và thân tình, nhưng cũng rất nghiêm khắc, để uốn nắn các em. Giàng Nhà kể: Có hôm thấy Hùng sử dụng điện thoại, hỏi thì Hùng nói là của mẹ mua cho để tiện liên lạc với 2 anh em. Nhà đã giải thích và nhất quyết chỉ cho Hùng sử dụng vào ngày nghỉ cuối tuần và cất điện thoại trong thời gian đi học. Còn với Lử, có hôm Nhà bắt Lử phải học thật thuộc bảng ghi nhớ công thức toán học. Lử học mãi, kiểm tra vẫn không thuộc, nhưng Nhà vẫn nghiêm khắc: “Bao giờ học thuộc, em mới được đi ngủ”.
Việc rèn con cái vào nền nếp trong gia đình của những ông bố, bà mẹ có con tuổi mới lớn không dễ dàng gì, với một người chưa từng trải, chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con như Giàng Nhà lại khó khăn gấp bội. Vì thế, Giàng Nhà chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình yêu thương, lo lắng thì phải rèn dạy chúng học tập, sống có kỷ luật, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Giàng Nhà từng bảo với 2 anh em Hùng và Lử rằng: Không cần phải thành tích cao, nhưng phải cố gắng học, phải ngoan ngoãn vâng lời thầy cô và các bác, các chú, các anh trong đồn.
Gắn bó gần 2 năm, vì yêu cầu công tác, Giàng Nhà chuyển sang Đồn Biên phòng Pha Long. Trước khi chuyển, anh đã tâm sự với Hùng và Lử thật lâu. Hôm cuối trước khi chia tay, Nhà dậy sớm đưa 2 em đi ăn phở, rồi đưa đến trường. Dù xa 2 em, nhưng Nhà vẫn thường xuyên gọi điện, trò chuyện với chúng và rất yên tâm khi có “bố Vinh” thay mình chăm sóc Hùng và Lử…
Trở lại câu chuyện với “bố” Vinh, hằng ngày, công việc bận rộn hơn bởi lịch công tác và đưa đón Hùng và Lử đi học. Sáng nào cũng vậy, sau khi Hùng và Lử dậy theo tiếng kẻng của đơn vị, thể dục, vệ sinh cá nhân, “bố” Vinh lại kiểm tra một lần nữa sách vở cho cả 2 anh em trước khi đưa đến trường. Chiều đón các con về, hướng dẫn các con thể dục, thể thao, tham gia cùng các chiến sỹ trong đơn vị tăng gia sản xuất, vệ sinh cá nhân. Sau giờ cơm tối, cho các con xem thời sự khoảng 30 phút, rồi cả 3 bố con cùng ngồi vào bàn học bài.
Căn phòng rộng chừng 10 m2 luôn ngăn nắp, gọn gàng, mỗi tối đều sáng ánh điện và tiếng hướng dẫn học bài của “bố” Vinh. Trung úy Vinh tâm sự: Sáng nay đưa đi học, trên đường đi, Lử bảo “Con rất nhớ mẹ”. Nghe vậy, lòng tôi như chùng lại vì thấu hiểu được sự khao khát và nỗi nhớ mẹ của cậu bé. Dù cuộc sống ở đơn vị không thiếu thốn về vật chất, thậm chí so với nhiều bạn cùng trang lứa trong thôn, bản, thì Hùng và Lử được quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn rất nhiều. Nhưng dù sao, sự thiếu vắng tình yêu thương của bố, mẹ khó có thể bù đắp được… Tôi nói với Lử, con cố gắng học ngoan, cuối tuần bố sẽ đưa về thăm bà nội và thăm mẹ.
Quãng đường dài 4 cây số từ đồn biên phòng tới ngôi trường mà Hùng và Lử đang theo học, ngày nào cũng như ngày nào, bất kể mưa nắng, giá rét, “bố” Vinh và các chú trong đơn vị đều cắt cử thay phiên nhau đưa đón 2 em đi học đầy đủ.
Không đơn giản như trường hợp của Hùng và Lử, với 2 anh em Ma Seo Xuyên và Ma Seo Khoa, để được đón về Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu nuôi dưỡng phải là sự khéo léo trong công tác dân vận của đồng chí Giàng A Trú, lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Thấy hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn, khi đến đề xuất với gia đình về việc đón 2 em về đồn biên phòng, thì mẹ của Xuyên và Khoa không đồng ý. Đồng chí Giàng A Trú đã phải đến nhận làm em của chị Giàng Thị Dúa, nhận làm cậu của cháu. Cũng thật tình cờ và may mắn khi Giàng A Trú cùng quê Sín Chéng (Si Ma Cai) và cùng họ với chị Dúa, nên sau một thời gian làm thân, chị Dúa mới đồng ý để “cậu” đưa 2 cháu về đồn biên phòng nuôi dưỡng.
Đại úy Giàng A Trú, 32 tuổi, hiện là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pha Long kể: Khi công tác tại Tả Gia Khâu, được đơn vị giao trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc 2 cháu, tôi rất vui và tự hào. Ban đầu mới về đơn vị, các cháu rất ít nói và ngại giao tiếp, nên tôi phải kèm học bằng tiếng Mông, vừa là phiên dịch cho các chiến sỹ trong đồn để nói chuyện với các cháu. Dần dần, các cháu coi tôi như người cậu trong gia đình. Tôi còn nhớ, có hôm Ma Seo Khoa bị sốt cao, tôi phải thức cả đêm cùng quân y đồn lo cho cháu. Về nhà kể chuyện với con trai tôi cũng trạc tuổi Xuyên và Khoa, nó còn “nói dỗi” vì bố quan tâm tới 2 em hơn mình… Từ tháng 11/2018, tôi chuyển công tác sang Pha Long, dù chỉ cách đơn vị cũ 5 cây số, nhưng sự xa cách cũng làm cho ngày chia tay bịn rịn. Chính vì vậy, cứ có dịp công tác qua Tả Gia Khâu, tôi lại tranh thủ thăm 2 cháu. Buổi tối, các cháu muốn gọi cho cậu lại nhờ các chú trong đồn gọi điện thoại và cậu cháu lại hàn huyên. Những lúc như vậy, tôi luôn động viên 2 cháu phải cố gắng học tập, không phụ lòng cậu và các bác, các chú trong đồn…
Đến nay, đã có 20 cháu được đưa về 11 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai để những “bố nuôi” quân hàm xanh chăm sóc và nuôi dưỡng, tiếp tục nâng bước các em đến trường, nối dài ước mơ để các em bay xa…
THANH NAM