Chúng tôi có mặt tại trường khi hội thi chưa bắt đầu nhưng sắc màu của thổ cẩm, hoa, bóng, ngập tràn khắp sân trường. Lúc này từng khối lớp đang náo nức trong công tác chuẩn bị. Các thầy cô ai nấy đều bận rộn, người thực hiện công tác kê dọn, trang trí khánh tiết, người thì tranh thủ hướng dẫn học sinh...
Tiết trời tràn ngập sắc xuân, không còn cái rét cắt da thịt của mấy ngày trước nữa, càng khiến lòng người nô nức đợi chờ. Tiếng trống tập hợp vang lên, học sinh nhanh chóng xếp hàng và ổn định tổ chức. Sau lời diễn văn khai mạc của thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường, hội thi đã đưa chúng tôi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mở đầu là màn chào hỏi được sân khấu hóa đầy hóm hỉnh của các đội thi đến từ 4 khối lớp. Màn chào hỏi đã thể hiện được sự đầu tư rất chu đáo của thầy cô và các em học sinh trong cả nội dung và hình thức. Rất tự nhiên và chuyên nghiệp, các em học sinh đã thể hiện phần thi biểu diễn trang phục của dân tộc mình đó là những bộ váy áo đủ màu sắc sặc sỡ của các dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Xa phó, Thái…. Chứng kiến những "siêu mẫu nhí" tự nhiên đi trên sân khấu khiến chúng tôi không thể không ngỡ ngàng và thán phục.
Hội thi còn đan xen các trò chơi, văn nghệ dân gian của các dân tộc như: Ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo và cả thi bóng đá.
Các em một lần nữa khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước phần thi nấu món ăn dân tộc như: Làm cơm lam, sôi bảy màu, mèn mén... Với sự chuẩn bị và hướng dẫn từ trước của các thầy cô chủ nhiệm, các em đã thể hiện được sự khéo léo trong từng món ăn của đội mình.
Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Nguyễn Quyết Thắng hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: "Nhà trường có hơn 200 học sinh, tỉ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm 95%, đa số các em trong diện bán trú. Hàng năm nhà trường tiến hành tổ chức hội thi "Nét đẹp văn hóa các dân tộc" để từ đó bồi đắp cho học sinh tình yêu bản làng, và gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình".
Dẫu vẫn biết Hội thi là một hoạt động đầy ý nghĩa nhưng để tổ chức được thành công, nhà trường cũng gặp phải không ít khó khăn. Trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn; học sinh đa số là con em dân tộc thiểu số sống chủ yếu nhờ nương rẫy nên còn hạn chế trong giao tiếp và các kĩ năng hoạt động ngoài giờ. Để tạo dấu ấn riêng cho mình trong hoạt động này, đỏi hỏi sự quyết tâm cố gắng nỗ lực của các thầy cô và toàn thể các em học sinh trong trường.
Sau gần một ngày, ban tổ chức đã trao giải nhất, nhì, ba cho các khối lớp và ngày Hội kết thúc bằng tiếng nhạc "Inh lả ơi" đặc trưng của núi rừng Tây Bắc với những điệu múa xòe, nhày sạp hết sức sôi động.
Em Sùng Thị Dí lớp 7B dân tộc Mông vui vẻ tâm sự: " Năm nay là năm thứ hai em được tham gia Hội thi của trường. Đây là dịp để chúng em được giao lưu, chia sẻ nét đẹp của dân tộc em với các bạn trong trường. Qua hoạt động này, chúng em được hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa các dân tộc và càng tự hào về bản sắc dân tộc của mình hơn."
Rời ngôi trường, ấn tượng về những bộ trang phục sặc sỡ, những món ăn dân tộc và đặc biệt là những gương mặt sáng ngời niềm vui của các em học sinh làm con đường trở về thị trấn nhỏ cách hơn chục Km như ngắn lại trong tôi. Thật đáng khâm phục, bởi các thầy cô giáo Sơn Thủy vừa tạo được nét đặc trưng riêng cho trường, vừa phần nào nâng cao hiệu quả trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc địa phương.
Hồng Thương
THCS Khánh Yên