HÀNH TRÌNH ĐẾN KỶ LỤC

HÀNH TRÌNH ĐẾN KỶ LỤC

 Ngày mùng 8 tháng 12 năm 2023, Viện Kỷ lục Việt Nam gửi thông báo đồng ý trao tặng  kỷ lục Việt Nam cho: Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” của Trường PTDTNT THCS&THPT Bát Xát. Giây phút ấy, gần 500 thầy và trò trường PTDTNT THCS&THPT Bát Xát vỡ òa trong niềm hạnh phúc, hân hoan và biết ơn về một chặng đường, một hành trình gian khó, quyết tâm, bền bỉ mình đã đi qua. Xin được gọi tên chặng đường đó là Hành trình đến kỷ lục!. Hành trình đến kỷ lục của thầy và trò trường Nội trú Bát Xát bắt đầu từ khi nào? Đã đi như thế nào? Đã trải qua những gì để ngày hôm nay “Tấm tranh thêu thổ cẩm Trường học vùng cao của Trường PTDTNT THCS&THPT Bát Xát” đã đạt được Kỷ lục Việt Nam?

Tháng 8 năm 2000, trường PTDTNT THCS&THPT Bát Xát được chuyển về cơ sở mới, khang trang, rộng rãi, đảm bảo các điều kiện dạy học tốt hơn nhưng đồng thời đặt ra cho nhà trường nhiều yêu cầu về tạo dựng cảnh quan,  trang trí trường lớp. Sau một năm học, cây xanh được trồng, hoa được cấy, vườn đào rào đá vùng cao được dựng… duy chỉ còn phòng truyền thống là chưa có ý tưởng trang trí.

Nhà giáo Lê Huy Phú – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng đã rất trăn trở, Thầy muốn xây dựng một phòng truyền thống thể hiện được đầy đủ các giá trị truyền thống đồng thời vừa thể hiện được cái khác biệt, cái đặc trưng riêng của trường Nội trú Bát Xát, sản phẩm trưng bày là “cây nhà lá vườn” mang đậm dấu ấn con em vùng cao Bát Xát và truyền tải các giá trị cốt lõi (“Giáo dục bản sắc – Lưu giữ truyền thống- Trao truyền cảm hứng- Xây dựng niềm tin – Khát vọng thành công”) mà nhà trường đã xác định.

Nhà giáo Lý Thị Cúc – giáo viên bộ môn Mỹ thuật –chủ nhiệm CLB Thêu Tay nhà trường là người được giao nhiệm vụ thiết kế phòng truyền thống đã cùng trăn trở với mong muốn đó của thầy Hiệu trưởng. Sau gần một năm tìm tòi, trăn trở ý tưởng về một tấm tranh thêu cỡ lớn, có nội dung ghi lại lịch sử hình thành nhà trường, phản ánh những địa danh, cảnh quan của huyện Bát Xát và lưu giữ, bảo tồn các kĩ thuật thêu truyền thống đã chính thức “khai sinh”! Ngày mùng 7 tháng 10 năm 2021, mũi thêu đầu tiên của Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học Vùng Cao” đã được thực hiện.

Chất liệu tấm tranh thêu gồm các loại chỉ thêu cotton, thêu tơ tằm, len được thêu trên nền vải thô và vải thổ cẩm.Sử dụng kết hợp giữa các kỹ thuật thêu tay truyền thống của người Kinh với kỹ thuật thêu thổ cẩm của dân tộc H’Mông và dân tộc Dao. Thêu đâm xô, thêu lưới vặn, thêu sa hạt đột, thêu móc xíc, thêu dấu nhân, dấu cộng, dấu trừ…..

Trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn: khó khăn ở kĩ thuật thêu phức tạp; khó khăn ở kinh phí, vì Tấm thêu với kích thước lớn, nhà trường không có kinh phí mua khung thêu lớn nên chỉ thêu bằng khung thêu cầm tay nhỏ ( kích thước từ 20cm đến 30cm) nên mất rất nhiều thời gian; khó khăn trong những ngày tháng mùa đại dịch codvit 19, có thời điểm HS toàn trường phải cách ly, gián đoạn quá trình thực hiện. Do thời gian thêu dài ( 2 năm) nên tinh thần một số HS ở một số thời điểm  mệt mỏi, cảm giác nản chí, có nhiều bạn muốn bỏ cuộc xin ra khỏi câu lạc bộ…. Và rất, rất nhiều khó khăn khác không thể gọi tên.

Sau đúng hai năm, ngày mùng 7 tháng 10 năm 2023, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” đã được hoàn thiện. Ngày 16 tháng 10 năm 2023, nhà trường đã chính thức gửi hồ sơ đăng kí Kỷ lục Việt Nam về Viện Kỷ lục Việt Nam VIETKINGS.

Qua quá trình thẩm định hồ sơ độc lập, khách quan, xét hồ sơ và dữ liệu kỷ lục, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đồng ý trao tặng bằng Kỷ lục Việt Nam cho Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” của trường PTDTNT THCS&THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, với mong muốn quảng bá sản phẩm thêu tay thủ công do các em nữ sinh và các Thầy Cô thực hiện cùng những ý nghĩa về văn hóa, giáo dục mà Tấm tranh thêu truyền tải, Ban Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Viện Kỷ lục Việt Nam miễn chi phí xác lập và truyền thông trên hệ thống kỷ lục.

Theo Bộ tiêu chí xác lập kỷ lục, Tấm tranh thêu đã đạt một số thông số kỷ lục về hình thức, cụ thể:

+ Kỷ lục về  kích thước 18 m 2 (3m x 6m).

+ Kỷ lục về đối tượng và địa điểm thực hiện: gồm 105 người (Trong đó 2 giáo viên hướng dẫn (Cô giáo Lý Thị Cúc và cô giáo Nguyễn Thị Quyên và 103 nữ sinh);

+ Kỷ lục về thời gian thực hiện thêu: 2 năm từ 07/10/2021 đến 07/10/2023(với 23.800 buổi thêu; mỗi buổi từ thêu dài 180 phút (3 tiếng).

+ Kỷ lục về số kim sử dụng: 900 cái.

Xét về nội dung, ý nghĩa,Tấm tranh thêu là sản phẩm được tạo lập bằng quá trình lao động, sáng tạo, thực hành, thực chứng có kết quả, mang giá trị tốt đẹp phục vụ cộng đồng, xã hội, độc đáo, hàm lượng thông tin và nội dung cao.

Cụ thể, Tấm tranh thêu đã phản ánh 3 nội dung:

 Nôi dung thứ nhất là mô tả địa điểm cư trú của trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát từ khi được thành lập đến nay, từ vùng cao Y TÝ chuyển dần về khu vực thị trấn Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

- Hình ảnh ngôi trường đầu tiên đóng tại xã Y Tý, năm 1974

- Hình ảnh ngôi trường hai, năm 1978, nhà trường chuyển về xã Mường Hum

- Hình ảnh ngôi trường thứ ba,năm 1984,  nhà trường chuyển về xã Bản Xèo.

- Hình ảnh ngôi trường thứ tư, năm 1998, nhà trường chuyển về Thị trấn Bát Xát 

- Hình ảnh ngôi trường hiện tại, tháng 8 năm 2020, nhà trường chuyển đến và định cư ở địa điểm hiện nay (tổ 9, Thị trấn Bát Xát).

 Nội dung thứ hai là mô tả những địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng mang đặc trưng riêng của huyện vùng cao Bát Xát:

- Đầu tiên là hình ảnh cột cờ Lũng Pô cao 31,43m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phớt đầy kiêu hãnh trên bầu trời xanh thẳm khẳng định chủ quyền đất nước ở cột mốc 92 – nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt”.

- Hình ảnh thứ hai là hình ảnh những thửa ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp với những bông lúa chín vàng, cụ thể là quần thể ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả trên 223 ha đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cộng nhận là di sản Quốc gia danh lam thắng cảnh vào năm 2015.

- Hình ảnh thứ ba là hình ảnh suối Mường Hum với dòng nước trong xanh, tươi mát, thơ mộng.

- Hình ảnh thứ tư là hình ảnh vô cùng ấn tượng đó là cảnh quan thiên nhiên và bản làng người Hà Nhì xã Y Tý với những ngôi nhà trình tường kiến trúc độc đáo của người Hà Nhì.

-Hình ảnh núi Lảo Thẩn với độ cao 2.860m so với mực nước biển - được gọi là nóc nhà của Y Tý đại ngàn.

- Đặc biệt là hình ảnhchim hạc bay về núi tượng trưng cho những thế hệ trẻ của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Bát Xát bay lên thực hiện ước mơ, khát vọng. Chim hạc đang bay về phía ngọn núi Lảo Thẩn  chính là mang ý nghĩ trở về cội nguồn,  nguyện góp sức mình xây dựng quê hương Bát Xát – Lào Cai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh, phát triển và cường thịnh.

 Nội dung thứ ba: Lưu giữ những kĩ thuật thêu truyền thống của các dân tộc thiểu số kết hợp với các kĩ thuật thêu truyền thống của người Kinh. Đó là các kĩ thuật thêu dấu nhân, dấu cộng, dấu trừ, móc xích của người Mông, người Dao, kết hợp với các kĩ thuật thêu đâm xô, thêu bạt, thêu móc xíc, thêu lưới vặn, thêu sa hạt đột, thêu nối đầu, thêu bỏ, thêu giáp tỉa, thêu chăng chặn... của người Kinh. Những kĩ thuật thêu truyền thống đó vừa là “công cụ” để thực hiện tấm thêu, vừa là “bảo bối” cần được lưu giữ và bảo tồn.

Xét về ý nghĩa phản ánh, Tấm tranh thêu thổi cẩm “Trường học vùng cao” thể hiện 5 ý nghĩa:

Thứ nhất, ý nghĩa giáo dục.

- Giáo dục truyền thống lịch sử: thông qua việc thêu lại các địa điểm cư trú và các thông tin về nhà trường, các em học sinh biết được quá trình hình thành và phát triển của nhà trường; biết được những khó khăn gian khó của thế hệ thầy và trò trường Nội trú qua các thời kỳ; đồng thời bồi đắp cho các em học sinh niềm tin yêu, niềm tự hào với những thành tựu mà nhà trườngđã nỗ lực đạt được. Thông qua đó giáo dục các em học sinh tinh thần trách nhiệm cũng như lòng biết ơn đối với thế hệ các thầy cô giáo đã và đang chăm sóc dạy dỗ các em, góp phần giáo dục nhân cách, hình thành những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi học sinh; từ đó lan tỏa, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước, sau này các em  trưởng thành sẽ trở thành những công dân có ích, có trách nhiệm với gia đình quê hương, đất nước.

- Giáo dục bản sắc văn hóa: giáo dục học sinh tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm; giáo dục các em đạo đức, kỹ năng sống, khát vọng vươn lên, qua đó các em hiểu giá trị, vẻ đẹp cao quý của sự lao động. Từ đó, các em học sinh sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc; niềm tự hào về văn hóa truyền thống được khơi dậy, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời giúp nhà trường thực hiện 5 giá trị văn hóa cốt lõi Lưu giữ truyền thống; Giáo dục bản sắc; Trao truyền cảm hứng; Xây dựng niềm tin; Khát vọng thành công”.

Thứ hai, quảng bá du lịch, tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” được ví như một tấm áp phích lớn sống động, chân thực tôn vinh vẻ đẹp của quê hương Bát Xát, có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển văn hóa – du lịch, giới thiệu và quảng bá cho ngành du lịch Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thứ ba, ý nghĩa khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại

Tấm thêu thổ cẩm đã thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ; đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn; cần cù, chịu thương, chịu khó của cô và trò của trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát. Qua đó khẳng định được vai trò quan trọng của giáo viên nữ và các học sinh nữ; góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; khẳng định vị trí của nữ giới đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng cao nơi còn nhiều hủ tục lạc hậu và còn tư tưởng” trọng nam, khinh nữ.

Thứ tư, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” ca ngợi các nhà giáo vùng cao gây dựng sự nghiệp từ trong khó khăn, gian khổ, từng bước vượt qua những gian nan thử thách; cùng với sự giúp đỡ, che chở, bảo bọc của nhân dân.

Nội dung tấm tranh thêu mô tả và phản ánh chiều dài lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát. Nhìn vào hình ảnh ngôi trường nội trú qua các mốc thời gian rất nhiều những kỷ niệm, những ký ức được tái hiện; mỗi ngôi trường đều gắn với những sự kiện, những câu chuyện buồn vui, gian nan của thầy và trò; sự đoàn kết, nhất trí một lòng, vượt qua mọi gian khổ trong công cuộc giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng cao; sự giúp đỡ, bao bọc, chở che, yêu thương và đồng hành chia sẻ của nhân dân, chính quyền địa phương nơi nhà trường cư trú, tất cả vì mục tiêu thực hiện tốt sứ mệnh đặc thù của trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát là “Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện vùng cao Bát Xát”.

Thứ năm, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” kêu gọi bảo tồn nghề thêu tay truyền thống dân tộc Kinh và nghề thêu thổ cẩm ở người dân tộc thiểu số.

Tấm tranh thổ cẩm là một minh chứng đặc biệt cho sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các kỹ thuật thêu đặc sắc, tinh xảo của nghệ thuật thêu tay người Kinh và thổ cẩm của người Dao và Hmông trong bối cảnh các nghề truyền thống ngày càng mai một.

“Hoa thành công chỉ nở trên sự nhọc nhằn”, sau gần 3 năm trăn trở, tâm huyết, nỗ lực, đoàn kết vượt khó, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” đã có tên trong Kỷ lục Việt Nam, thầy trò nhà trường biết ơn và tự hào về Hành trình kỷ lục mình đã đi. Giờ đây, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” sẽ được trưng bày trang trọng ở vị trí trung tâm của phòng truyền thống nhà trường, để lớp lớp thế hệ CB,GV,NV và các em học sinh vùng cao Bát Xát nhận thấy giá trị lịch sử to lớn của ngôi trường gần 50 năm xây dựng và phát triển. Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao”- Quả ngọt cho hôm nay và mai sau!.

Một số hình ảnh về quá trình thực hiện Tấm thêu

 

anh tin baianh tin bai
anh tin baianh tin bai
Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập