HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU CỦA MÔ HÌNH “TRƯỜNG HỌC GẮN VỚI THỰC TIỄN”

       Thực hiện kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo xây dựng mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Trường THPT số III Bảo Yên tổ chức xây dựng nhà trường theo mô hình “Trường học gắn với trồng trọt và chăn nuôi” để thực hiện nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn”, thực hiện "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo", chú trọng “giáo dục năng lực và phẩm chất”, “giáo dục kỹ năng sống” cho người học.

      Giáo dục lao động là nội dung và biện pháp quan trọng để giáo dục năng lực và phẩm chất, là phương thức quan trọng để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Khi thực hiện xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn Trường THPT số III Bảo Yên gặp không ít khó khăn, lựa chọn mô hình trường nào vừa phải phù hợp với  điều kiện thực tế của nhà trường, vừa phải phù hợp với học sinh và phải phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương là vấn đề rất quan trọng. Qua nhiều lần trao đổi ý kiến  trong Hội đồng giáo dục nhà trường và khảo sát điều kiện thực tế, cuối  cùng lãnh đạo nhà trường quyết định xây dựng mô hình “ Trường  học gắn với trồng trọt và chăn nuôi”.
       Năm học 2015-2016, mô hình“Trường học gắn với trồng trọt và chăn nuôi”được trường THPT số III Bảo Yên xác định là nhiệm vụ tạo chuyển biến chất lượng trong dạy học  nên các hoạt động của nhà trường đều được gắn liền với nội dung mô hình. BGH chỉ đạo ban lao động nhà trường xây lên kế hoạch thực hiện trồng cây ăn quả xung quanh khu tập thể cán bộ giáo viên, khu vực vườn trường. Trực tiếp hướng dẫn học sinh trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả là các giáo viên chủ nhiệm cùng với sự hợp tác của giáo viên bộ môn Sinh học, Công nghệ và Ban chấp hành Đoàn trường. Các hoạt động  được thực hiện gắn với nội dung mô hình. Các tiết học theo mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” được thực hiện giảng dạy trong chương trình chính khóa, ngoại khóa của các môn học đặc biệt là hai môn Sinh học và môn Công nghệ. Học sinh không chỉ được trang bị kiến thức về lý thuyết mà còn  tiếp tục được thực hành phương pháp làm đất, lựa chọn giống cây, trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Cây ổi ghép được trồng và chăm sóc tại vườn trường

emoticon emoticon

       Không chỉ dừng lại ở việc trồng trọt, mà việc chăn nuôi cũng được  Ban lãnh đạo nhà trường trăn trở. Những câu hỏi như “nuôi con gì?”, “nuôi như thế nào?”, “hiệu quả giáo dục ra sao?....” luôn là những câu hỏi khó tìm câu trả lời. Qua nhiều tham khảo nhà trường đã quyết định thực hiện mô hình “nuôi ong lấy mật”. Đây được coi là mô hình mới nhất tỉnh Lào Cai được trường THPT số III Bảo Yên lựa chọn. Mô hình “nuôi ong lấy mật” của nhà trường không những dạy cho các em học sinh kỹ thuật nuôi, chăm sóc và khai thác mật ong, nhằm giúp các em học sinh sau khi ra trường biết cách nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình, mà còn mang lại thu nhập cho Công đoàn nhà trường từ chính việc bán mật ong.

 

emoticon

Các tổ ong được đặt tại hành lang đằng sau nhà hiệu bộ

       Trong giữa tháng 4 năm 2016, ngoài việc hướng dẫn học sinh chăm sóc, hiểu được tập tính cũng như những những kỹ thuật cơ bản như “tách đàn”, “lập mũ tướng”, “nhập đàn….” , nhà trường đã khai thác vụ mật đầu tiên, thu được 16 lít mật ong, bán được 4.800.000đ, số tiền trên một phần nhà trường xung quỹ công đoàn, một phần trích hỗ trợ mua thức ăn cho các em học sinh bán trú.

Niềm vui của học sinh khi thầy hướng dẫn quay ong lấy mật

emoticon

 

 

      Đây là phương thức gắn lý thuyết môn học với thực tế, tích hợp kiến thức các bộ môn để ứng dụng vào thực tế đời sống nông nghiệp của địa phương.

      Mô hình “Trường học  gắn với trồng trọt và chăn nôi” của trường THPT số III Bảo Yên  không chỉ mang lại hiệu quả trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm công việc nhà nông cho học sinh mà còn tạo hứng thú học tập, niềm vui sau mỗi giờ tan lớp và tạo được không khí thi đua học tập “Vì ngày mai lập nghiệp”.  

      Khi được hỏi về hiệu quả học tập gắn với thực tiễn cuộc sống, em Hoàng Thị Hồng Mơ – Lớp 12A1 chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được tham gia  trồng cây ăn quả và nuôi ong tại ngôi trường mà chúng em đang học. Mỗi ngày đến lớp nhìn thấy những con ong chăm chỉ lấy mật, cây ăn quả ngày càng phát triển nhanh, đã tạo cho chúng em sự thích thú trong công việc cũng như trong học tập của mình. Chúng em không những cùng nhau chăm sóc những đàn ong tưởng như rất dữ mà lại hiền và những cây ăn quả tự tay trồng mà còn được trang bị kiến thức để giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống. Sau này chúng em muốn trở thành kĩ sư nông nghiệp có thể giúp đỡ gia đình và bà con nông dân ở quê hương phát triển kinh tế nông nghiệp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự đổi thay cho quê hương”.

   Ngoài trồng cây ăn quả và nuôi ong, các em còn được nhà trường giao cho chăm sóc những bồn hoa cây cảnh tạo môi trường xanh sạch đẹp cho nhà trường. Các thầy cô giáo trong ban xanh hóa của nhà trường hướng dẫn cách chăm sóc, tỉa cành tạo dáng cho cây. Mô hình “trường học gắn với trồng trọt và chăn nuôi” của nhà trường còn tạo được sự thay đổi trong nhận thức của các em học sinh. Nhiều học sinh từ kiến thức thực tế đã biết ứng dụng vào thực tế cuộc sống, trang trí lại khuôn viên gia đình, tuyên truyền cho bà con thôn bản cùng thực hiện  xây dựng khu dân cư sạch đẹp góp phần đưa xã Nghĩa Đô sớm về đích trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới”.

Cây đu đủ đã cho quả

 emoticon     

 

 

       Các em học sinh đến trường không chỉ được học chữ, học những kiến thức lý thuyết của các môn học mà  được áp dụng, thực hành ngay tại  khu vườn trường  và được rèn những kỹ năng sống cơ  là điều mà nhà trường đang hướng tới. Vì thế, giữa lý luận và thực tiễn sẽ được rút gần khoảng cách, các em sẽ được thực hành và biết ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Hoạt động xây dựng mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” của Trường THPT số III Bảo Yên đã và đang phát huy hiệu quả không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức được học ở trên lớp mà còn giúp các em thêm hiểu biết về tự nhiên xã hội  đặc biệt rèn các kĩ năng sống cơ bản, tự tin thích ứng với hoàn cảnh khi các em bước vào vào cuộc sống./.

 
Tác giả: Quan Văn Thưởng 
 Trường THPT số III Bảo Yên

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 2,457
  • Trong tuần: 5,988
  • Tất cả: 4,791,386
Đăng nhập