SẮC XUÂN TRÊN RẺO CAO

      Mở đầu cho những ngày đầu xuân mới, trong cái se lạnh của tiết trời, trong cái mơn man lộc biếc thắm sắc đào phai, không gian văn hóa, không gian lễ hội của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên được tổ chức sôi động và tươi vui. Bởi qua các hoạt động mang tính chất nghi lễ này, người dân thể hiện khát vọng hòa hợp với trời đất, âm dương, cầu cho cuộc sống no đủ, vạn vật sinh sôi, người người khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc…Nằm trong ý nghĩa ấy, sáng nay, đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, thầy và trò trường THPT số 1 Bảo Yên thực hiện chương trình “Sắc xuân trên rẻo cao” để hòa nhịp với khí xuân, hơi xuân ấm áp, chan hòa trên mỗi nhà, mỗi bản.

     Nếu người Mông có lễ hội Gầu Tào thì đặc sắc trong lễ hội xuân của người Tày là lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng). Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất, vui nhất và cũng là lễ hội đầu tiên trong một năm mới của dân tộc Tày trên địa bàn huyện Bảo Yên. Với mục tiêu đưa nét đẹp văn hóa các dân tộc vào chương trình giáo dục, nhà trường đã tạo cho học sinh biết yêu quý, trân trong; biết tự hào, kiêu hãnh về những giá trị văn hóa của đồng bào mình. Chính vì thế, mở đầu lễ hội xuân, nhà trường đã tái hiện không khí lễ hội LồngTồng.

     Mở đầu là tiếng trống rộn ràng, đoàn rước mâm tồng gồm những thanh niên vạm vỡ, trai tráng cầm cờ đi trước, theo sau là những người cầm cành phan, vừa đi vừa vung vẩy (theo quan niệm của người Tày là để xua đuổi những tà khí, rủi ro), cùng với đó là những thiếu nữ xinh đẹp, từng cặp một kê mâm tồng trên vai để dâng lên thần linh và các đấng siêu nhiên: Thần Nông, thần Núi, thần Gió, thần Sông và Thành hoàng làng. Lễ cúng đều là những sản vật nông nghiệp do người dân bản địa làm ra như các món ẩm thực được chế biến bằng lúa, ngô, thịt lợn, thịt gà, xôi nếp và các loại bánh đặc trưng như: bánh tẻ, bánh trà lam, bánh nổ. Đó có thể xem là những thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng của đồng bào.

emoticon

( Hình ảnh đoàn rước mâm tồng trong lễ hội)

emoticon

(Hình ảnh mâm tồng được đặt trên giá lễ)

Tạo nên linh hồn của Nghi lễ không thể thiếu được vai trò của các thầy Tào, thầy Mo. Để chuẩn bị cho công việc quan trọng này, các em học sinh dân tộc Tày đã có những buổi gặp gỡ, trò truyện với bác Ma Thanh Sợi – nghệ nhân văn hóa dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô, cùng với đó, các em còn tiếp thu kinh nghiệm ở những bậc cao niên, những người làm thầy trong mường, trong bản. Đây có thể nói là phần thực hiện khó nhất nhưng cũng là phần hay nhất, đặc sắc nhất của nghi lễ người Tày. Sau khi đoàn người quây tròn quanh giá lễ, thầy Mo bắt đầu hành lễ. Thầy Mo tay cầm nậm nước làm bằng vỏ bầu khô được hứng ở đầu nguồn, ngửa mặt lên trời cầu khấn rồi vẩy nước ra khắp bốn phương, hành động này tượng trưng cho nước thiêng từ mường trời tưới xuống nhân gian: cho cây tươi tốt, cho ruộng nương được mùa, cho người dân bản mường được may mắn, bình an.

 

emoticon

( Hình ảnh thầy Tào hành lễ)

                                             

      Sau phần lễ là nghi thức “xuống đồng” (còn gọi là lễ tịch điền) - phần quan trọng nhất của Lễ hội Lồng Tồng. Bằng sự mô phỏng rất sáng tạo, các em học sinh đã tạo được hiệu ứng lớn với đông đảo người xem qua hoạt động này. Con trâu cày to khỏe và những đường cày đầu tiên đã khai mở cho một mùa gieo cấy bắt đầu. Xuống đồng sẽ là những cô gái với đôi tay khéo léo, mềm dẻo, những đôi tay thoăn thoắt quãi giống, vung hạt, gieo mạ, cấy trồng…Cuộc thi cấy diễn ra trong sự cổ vũ, reo hò nồng nhiệt của người xem, dù chỉ là mô phỏng và minh họa nhưng ai cũng có một tâm trạng hồ hởi, vui vẻ và phấn chấn. Đặc biệt, những học sinh dân tộc bạn cũng rất háo hức và thú vị được hòa nhập trong không khí lễ hội này.   

emoticon

( Hình ảnh lễ tịch điền)

         Sau nghi lễ xuống đồng, phần vui hội diễn ra rất sôi động và khí thế: Hội tung còn, trò chơi bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, đánh đu, chơi cà kheo và những điệu múa quạt hát then đã đem lại những cảm nhận và ấn tượng rất riêng với mỗi người.

Trong lễ hội, nhà trường còn tổ chức trưng bày các gian hàng ẩm thực nhằm giới thiệu và quảng bá những món ăn dân tộc độc đáo của đồng bào. Những gian hàng được bài trí công phu, đẹp mắt đã đem lại những cảm tình đặc biệt cho đông đảo người tham quan. Mỗi dân tộc có những món ẩm thực đặc trưng cho đồng bào: món mèn mén của người Mông, món khẩu nhục của người Giáy, món xôi ngũ sắc của người Tày... Bên cạnh đó, các em học sinh còn trưng bày những sản phẩm thủ công mĩ nghệ: dây dao bằng thổ cẩm, làn mây, vải chàm, phẩm nhuộm từ thiên nhiên…

emoticon emoticon

(Trưng bày gian hàng ẩm thực)

            “Sắc xuân trên rẻo cao” đã tạo được ấn tượng và cảm xúc đặc biệt với thầy trò nhà trường. Với gần 70% là học sinh dân tộc thiểu số, hoạt động trên đã tạo được niềm tin và sự hứng khởi cho các em nhân dịp đầu xuân. Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhà trường đã tích cực thực hiện nhiều chương trình văn hóa, lễ hội ý nghĩa. Hy vọng, mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng sẽ được phát triển sâu rộng trong các trường học, để từ đây những học sinh dân tộc có cơ hội hiểu sâu sắc hơn nét đẹp của đồng bào mình, đồng thời tạo sự giao lưu, gắn kết chặt chẽ của khối đại đoàn kết dân tộc anh em.


Thu Hằng - THPT số 1 Bảo Yên

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập