Thanh niên trường THPT số 1 TP Lào Cai với lí tưởng cách mạng

         Chiến tranh dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong tiềm thức nhân dân Việt Nam ta. Nó là phần ký ức tự nhiên, không thể “tẩy xóa” của cả một dân tộc bước ra từ khói lửa hơn bốn mươi năm trở về trước. Thế nhưng, đối với bất cứ ai trên cõi đời này, thời gian bao giờ cũng thật khắc nghiệt. Những hố trống cách ngăn đang đẩy một bộ phận thế hệ trẻ xa dần với quá khứ hào hùng mà cha ông ta đã đổ bao máu xương để gây dựng nên; nhiều khi dửng dưng trước những thành quả ngày nay chúng ta được hưởng, coi đó như một tất yếu dễ dàng, sẵn có. Và rồi biết bao những hệ lụy đau lòng nảy sinh…

           Đêm ngoại khóa “Thanh niên với lí tưởng cách mạng” 25/3/2016 của trường THPT số 1 TP Lào Cai được sân khấu hóa, với những dòng kí ức ùa về cùng hai cuốn nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi Nhật kí Đặng Thùy Trâm, dường như mọi khoảng cách các thế hệ đều đã được san lấp. Thay vào đó là những hoạt cảnh tái hiện chân thực, máu thịt còn nồng hơi thuốc súng, ngạt mùi khói bom nhưng cũng lấp lánh tiếng hát, tiếng cười cất lên từ những cuộc đời tuổi đôi mươi.

            Chương trình của chúng tôi gồm ba chương: Chương I -  LÊN ĐƯỜNG, Chương hai - NHỮNG NGÀY RỰC LỬA, Chương ba - ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI. Chương trình được dàn dựng công phu với tất cả tâm huyết của thày và trò nhà trường đối với lịch sử dân tộc. Sau hơn nửa tháng bắt tay vào luyện tập, đêm diễn là niềm háo hức chờ mong không chỉ của thày và trò nhà trường mà còn là của những người dân đặc biệt là các cụ già khu vực lân cận trường. Những trang sử hào hùng sống dậy…

 
emoticon
Tổ quốc luôn trong tim  
 
 emoticon Lời thề trước khi lên đường

                                          

  Chương I: LÊN ĐƯỜNG.

            Hà Nội những năm 70, theo tiếng gọi của Miền Nam yêu dấu, hơn mười ngàn sinh viên các trường đại học xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Những cuộc chia tay bịn rịn, cảm động, và những lời hẹn ước cho ngày về rực rỡ cờ hoa chiến thắng, Tổ quốc thống nhất, non sông liền một dải…Họ đã lên đường, hòa vào gia đình lớn, qua đồng bằng, trung du để đến với chiến trường cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương… Nguyễn Văn Thạc là một trong những chàng sinh viên như thế: hào hoa, sâu sắc và quả cảm. Những trang nhật kí của anh hiển hiện trước chúng tôi tất cả: Chiếc khăn của mẹ, hoa sữa nồng nàn vương vấn bước chân người thương, màu xanh áo lính đầy hi vọng… Tất cả chúng tôi những con người của thế kỉ hai mốt - thế kỉ của khoa học, công nghệ và hiện đại - đang sống cùng anh.


 emoticon
Giữa mưa bom bão đạn tiếng hát vẫn ngân vang
 
  emoticon Nguyễn Văn Thạc - mãi mãi tuổi hai mươi
               

Chương II: NHỮNG NGÀY RỰC LỬA

            Chương này tạo được nhiều điểm nhấn sâu sắc và cảm động nhất. Chiến trường khói lửa không còn là sách vở, là những câu chuyện qua lời kể, tấm hình… Thầy trò nhà trường và các bậc phụ huynh, các đ/c trong Chi đoàn PC 45, Trung tâm huấn luyện Công An tỉnh Lào Cai cùng tham gia hoạt cảnh. Chiến tranh là đau thương, là mất mát… những dòng tâm sự của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm được hiện lên bằng xương bằng thịt, bằng những giọt nước mắt nóng hổi đau thương, căm giận khi các  em học sinh hóa thân tái hiện cảnh Thạc đỡ một đồng chí của mình trước lúc hi sinh còn gửi lại dòng địa chỉ…

            Chiến trường khốc liệt Quảng Ngãi thu nhỏ trong không gian của bệnh xá Đức Phổ nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác. Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế cô giáo Ngọc Mai đã vào vai rất ngọt. Người xem như quên đi không gian sân khấu của trường mà ngỡ như đó chính là Đức Phổ của một thời mưa bom bão đạn. Cảm nhận được tình yêu của cô gái Hà Nội là một tình yêu chân chính gắn liền với lí tưởng và bổn phận của một thanh niên Việt Nam đứng trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Người bác sĩ quân y ân cần chăm sóc bệnh nhân, đau lòng, ân hận khi chứng kiến cảnh chiến sĩ hi sinh. Những dòng nhật kí nghẹn lời : “Nghe đây lời hứa trả thù cho Khiêm. Hứa bằng đau thương xé ruột, bằng căm thù bầm gan…Người công sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được…Không bi quan chán nản mà đó là ước mơ của ba mươi triệu nhân dân Việt Nam. Ước mơ đã chín mọng rồi!” Sự nhập thân của cô - trò khiến không gian sân trường như lặng đi khi tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên…Một em bé đến xem kéo tay anh mếu máo:“em thương chú thương binh và cả cô bác sĩ quá”, anh trai cô bé quệt vội giọt nước mắt trên má, lau nước mắt cho em và dỗ dành: “không phải đâu, các cô đóng thế thôi, không tin tí em hỏi mẹ…”. Điều đó khiến chúng tôi- những người làm chương trình xúc động, thấy được an ủi, động viên..

     Khi lời bài hát Tự nguyện vang lên: chúng tôi hiểu các anh, các chị mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự nguyên hi sinh, dâng hiến cho Tổ quốc. Các anh, các chị ngã xuống, tô thắm ngọn cờ Tổ quốc.

 
 emoticon  Cô giáo Ngọc Mai trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm    emoticon Đau xé lòng khi một đồng đội nữa lại hi sinh

                

Chương III. ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI

            Qua chất giọng truyền cảm của hai MC: Cô Thu Hà và thầy Hùng Vương kết hợp với những hình ảnh đầy xúc động, âm thanh, ánh sáng người xem lại được chứng kiến hành trình trở về của hai cuốn nhật kí. Những con đường kì lạ và thiêng liêng, cả hai cuốn nhật kí qua bao bàn tay, vượt không gian và thời gian để rồi trở về với chúng ta, nối quá khứ và hiện tại. Đem đến kí ức đẹp về tình mẫu tử, về tình yêu, về lòng nhân ái , bao dung của con người giữa hai chiến tuyến sau chiến tranh.

Qua chương trình, Chi bộ Đảng, các thầy giáo, cô giáo hy vọng: Thế hệ trẻ nhà trường sẽ tiếp lửa truyền thống, tham gia cuộc hành trình nối quá khứ và hiện tại, xây dựng quê hương Lào Cai giàu đẹp, tin tưởng mạnh mẽ vào lí tưởng cách mạng để đất nước mãi mãi trọn niềm vui. Tôi nghĩ đó chắc chắn không còn là lời ca, mà là hiện thực.


emoticon
Đất nước trọn niềm vui   
emoticon Đ/c Đỗ Văn Lược- Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chụp ảnh

                   cùng giáo viên, phụ huynh và các em học sinh nhà trường

 

                                              

           

Lật lại những trang sử không phải để “ôn nghèo kể khổ” mà để chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ. Ý thức được rằng mỗi bước chân ta đi, mỗi hơi thở ngày nay ta đang sống đều được đổi bằng máu xương. Và hơn thế là sống có lí tưởng, có trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương Lào Cai. Đêm ngoại khóa Thanh niên với lí tưởng cách mạng của thày và trò trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai đã làm sống dậy cả một thời kì hào hùng và bi tráng, anh Thạc, chị Trâm và biết bao thanh niên Việt Nam trong thời đại chiến tranh. Họ đã trở về trong vóc dáng của thày trò nhà trường. Giống như một bản hùng ca đẹp đẽ và cảm động, thấm thía, có sức khơi gợi, lan tỏa tới mọi trái tim người xem ở nhiều thế hệ. Không chỉ với những người đã kinh trải qua chiến tranh, mà với cả những đứa trẻ chưa từng có một “vết xước” chinh chiến nhỏ trong ký ức - những người sẽ làm chủ tương lai đất nước mai này, đây chắc chắn là một món ăn tinh thần giúp nuôi dưỡng một tâm hồn Việt, một tính cách Việt đích thực, chân chính./.                              

 

 

 

 

 

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập