TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN TIÊU BIỂU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC LÀO CAI TRONG THỜI GIAN NGHỈ HỌC DO DỊCH BỆNH COVID-19
TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN TIÊU BIỂU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC LÀO CAI
TRONG THỜI GIAN NGHỈ HỌC DO DỊCH BỆNH COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã nỗ lực không ngừng để khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi giải pháp để tiếp tục triển khai dạy - học. Nhiều cách làm hay, giải pháp thiết thực của các nhà trường; nhiều tấm gương nhà giáo sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm; nhiều câu chuyện cảm động về nỗ lực vượt khó của các em học sinh đã được ghi nhận:
1. Với quyết tâm mỗi trường học là một "pháo đài"; mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là một "chiến sĩ" tiên phong trên mặt trận tuyên truyền phòng,chống dịch Covid-19; nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực, phù hợp đã được các nhà trường và thầy cô giáo áp dụng hiệu quả. Các nhà trường đã nỗ lực không ngừng, huy động nhiều nguồn lực để học sinh được học tập với tỷ lệ cao nhất, nhiều trường học sinh tham gia học tập đạt tỷ lệ 100%.
2. Nhiều nhà trường đã xây dựng được hệ thống quản lý nội dung học tập toàn trường, ở tất cả các khối lớp, tất cả các môn. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới hình thức dạy học; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, kiểm tra đánh giá và quản lý học sinh đã được các nhà trường, các thầy cô giáo tìm tòi nghiên cứu, vận dụng, triển khai hiệu quả, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, mạnh mẽ trong các nhà trường.
3. Sáng tạo trong cách nghĩ, đổi mới trong cách làm; nỗ lực không ngừng để vận dụng, ứng dụng công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học vào hoạt động thực tiễn:
* Nhóm học sinh trong CLB STEM của Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai đã chế tạo thành công “cây ATM” phát gạo miễn phí và lắp đặt hệ thống này tại trường. Chương trình phát gạo miễn phí sẽ được triển khai và bắt đầu thực hiện từ ngày 16/4/2020.
* CLB STEM của trường THCS Lý Tự Trọng, Thành phố Lào Cai - do thầy giáo Vũ Đức Tuyên phụ trách - đã nghiên cứu và thiết kế lắp đặt máy rửa tay khử khuẩn tự động có thể sử dụng tiện lợi ở bệnh viện, trường học, các cơ quan công sở… Công trình dự kiến hoàn thành trước ngày 20/4/2020.
Đây là các công trình có ý nghĩa rất nhân văn và sáng tạo của học sinh Lào Cai nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
3. Nhiều tấm gương nhà giáo sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm:
* Thầy giáo Đỗ Huy Học - giáo viên giảng dạy môn Hóa học tại trường THCS Lê Hồng Phong, TP Lào Cai - đã xây dựng nhiều video hướng dẫn giáo viên ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả. Đặc biệt, đã xây dựng được kênh youtube với nhiều thông tin bổ ích, thu hút rất nhiều giáo viên, học sinh tham gia.
* Thầy giáo Nguyễn Việt Trung - giáo viên giảng dạy môn Hoá học tại trường THCS Lý Tự Trọng, TP Lào Cai - ngay từ những ngày đầu diễn ra dịch bệnh đã nỗ lực không ngừng, tự tìm tòi học hỏi bồi dưỡng CNTT để ghi hình các tiết học và hỗ trợ đồng nghiệp biên tập các tiết dạy để học sinh có tư liệu học tập đảm bảo chất lượng.
* Các thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục của huyện Mường Khương đã làm được 7.216 chiếc khẩu trang, 20 lít nước rửa tay, 103 lọ nước rửa tay khô để cung cấp cho học sinh và các chiến sĩ bộ đội ở các đồn Biên phòng của huyện trên tuyến đầu chống dịch.
*Thầy và trò trường THPT số 1 TP Lào Cai đã tự nghiên cứu chế xuất hơn 2000 chai nước rửa tay khô khử khuẩn đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng trong nhà trường và hỗ trợ các đơn vị trường học khác; tổ chức thăm, tặng nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ bộ đội đang làm việc tại các chốt chặn biên giới Việt- Trung của đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai để phòng, chống dịch với tổng giá trị trên 18 triệu đồng.
*Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh- giáo viên trường THPT số 1 huyện Văn Bàn tự tay may gần 200 chiếc khẩu trang; huy động các công ty may hỗ trợ hơn 1000 chiếc khẩu trang để phát miễn phí phí cho học sinh và người dân thị trấn Khánh Yên huyện Văn Bàn.
4. Nhiều tấm gương học sinh vượt khó, tìm mọi giải pháp để học tập, tiêu biểu trong số đó:
(1) Học sinh Nguyễn Tất Mạnh, lớp 4A2 trường Tiểu học Quang Kim- huyện Bát Xát, mồ côi bố từ lúc còn nhỏ, nhà không có đường truyền internet, đến giờ học em mượng mẹ điện thoại của mẹ, mang sách vở và chiếc bàn nhỏ đến UBND xã Phìn Ngan để nhờ đường truyền internet của xã để học trực tuyến.
(2) Học sinh Chảo Văn Minh là học sinh lớp 5A3 trường PTDTBT Tiểu học Trịnh Tường, xã Trịnh Tường là xã biên giới, đặc biệt khăn; nơi em sinh sống sóng điện thoại lúc có, lúc không do đó đường truyền internet rất khó khăn, để học trực tuyến được em phải di chuyển đến nơi có đường truyền tốt để học.
(3)Học sinh Sầm Thị Thùy Linh - Học sinhlớp 9B, trường THCS Khánh Yên, Văn Bàn; nhà em thuộc diện hộ nghèo, đông con, ở bản Mạ; bố mẹ Linh đều không có nghề nghiệp ổn định, đặc biệt trong giai đoạn “cách ly xã hội” để phòng chống dịch bệnh thì họ chẳng thể làm gì để có thêm thu nhập; nhà em không có điện thoại thông minh, không có mạng internet, Linh đã đến nhà bác ruột mượn điện thoại để học. Bác của Linh chia sẻ: “Lần nào cũng vậy, chuẩn bị đến giờ học là nó cũng sang mượn điện thoại và lễ phép nói: cháu sẽ dùng cẩn thận và trả bác ngay sau khi học xong ạ. Thương nó lắm nên tôi có việc gì đi đâu đều cố gắng để điện thoại ở nhà để nó học.” nhiều tháng qua , em Linh vẫn miệt mài học tập bằng chiếc điện thoại đi mượn và bắt nhờ sóng Wifi của nhà người quen.
(4) Học sinh Tráng Mạnh Hùng lớp 11A5, trường THPT số 2 huyện Bảo Yên:em sinh sống tại Làng Khoang, Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên; em rất tích cực giúp gia đình lao động sản xuất, ngoài những giờ làm việc, em tranh thủ tự học bài và rất tích cực tham gia lớp học trực tuyến mặc dù khu vực nhà em ở không có sóng điện thoại, để bắt sống em phải đi lên đồi cách nhà khoảng 1,5km để thu sóng; khi trời mưa, điều kiện thời tiết xấu vì trí hàng ngày không có sóng em đi bộ ra trung tâm xã Lang Thíp để có thể nhận bài thầy gửi qua zalo, messenger thầy cô gửi và tham dự học lớp học trực tuyến cùng các bạn.
(5) Học sinh Thào Thị Dở, Lớp 12B trường THPT-DTNT tỉnh, hiện nay ở thôn Trung Hồ-Xã Trung Lèng Hồ-Bát Xát; gia đình em không có đường truyền internet, em phải đi nhiều km để dựng lều để bắt sóng học trực tuyến.
(6) Học sinh Hậu A Cảnh lớp 10A2 trường THPT số 1 Bát Xát, nhà em ở thôn Kin Sán Hồ, Xã Pa Cheo, huyện Bát Xát; gia đình em thuộc hộ nghèo, nhà lại đông anh chị em (5 anh em); để học trực tuyến, phải sang nhà ngườ quen ở thôn bên cạnh, cách nhà 2 km để bắt sóng wifi để học vào các buổi sáng còn buổi chiều em còn làm ruộng cho gia đình. Tối đến, em trành thủ ôn lại kiến thức dưới bóng điện duy nhất của gia đình.
(7) Học sinh sùng A Cáng lớp 10A3 trường THPT số 1 Bát Xát, nhà em ở thôn Phìn Chải 1, Xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát; từ lúc 6 tháng tuổi đến nay, em bị khoèo tay và chân nên việc đi lại không được thuận lợi; từ nhỏ em đã sống thiếu tình thương của mẹ; em sống với ông bà nội đã già cùng người bố bị bệnh tai biến mạch máu não; hằng ngày em vừa tự chăm sóc bản thân, vừa giúp ông bà làm việc nhà, chăm sóc bố và tranh thủ thời gian học bài, làm bài tập qua mạng 3G của nhà hàng xóm.
(8) Học sinh Vù A Dũng- Học sinh lớp 12A Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát, nhà em acchs trường khoảng 60 km; nhà em không có sóng điện thoại để học trực tuyến em phải tự chặt nứa, bị cật nứa cứa bật máu tay, dựng lều giữa rừng để bắt “sóng rơi” học trực tuyến.
(9) Học sinh Seo Sang - Học sinh lớp 11A3 trường THPT số 3 Bảo Yên, nhà ở xã Tân Tiến-Bảo Yên, tự dựng lán trại để bắt sóng học trực tuyến.
5. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, thể hiện tình yêu nước và ý thức trách nhiệm với cộng đồng
(1) Tập thể CBQL, GV, NV trường THCS Lý Tự Trọng, Thành phố Lào Cai đã viết lời và thể hiện ca khúc “Khúc ca mùa đại dịch” để gửi tặng các em học sinh từ tháng 3/2020. Với thông điệp “Vì một Việt Nam an toàn, tươi đẹp; hãy cùng nhau đoàn kết chiến thắng COVID”, ca khúc đã tạo được sức lan tỏa trong học sinh và cha mẹ học sinh của nhà trường.
(2) Các em học sinh lớp 9A3, trường THCS số 1 Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã thực hiện video với những hình ảnh giản dị nhưng xúc động để cổ vũ tinh thần và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” - trên tuyến đầu chống dịch trên cả nước. Video đã được nhắc đến trong bản tin thời sự tiếng Việt 24h ngày 14/4/2020 của VTV4 Đài truyền hình Việt Nam.
(3) Thầy giáo Đỗ Văn Dinh - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lùng Phình 2, huyện Bắc Hà- đã sáng tác nhiều bài thơ để góp sức tuyên truyền phòng chống dịch.
(4) Thầy giáo Hà Văn Mười- Giáo viên trường tiểu học Tà Chải, huyện Bắc Hà đã phổ thơ, viết nhạc ca khúc "Dừng lại thôi Covid-19 ơi" và do chính con gái của thầy là em Hà Anh Thư học sinh lớp 2a1- trường tiểu học thị trấn Bắc Hà thể hiện. Bài hát có ý nghĩa giáo dục và tuyên truyền sâu sắc, phản ánh được tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, những hy sinh, đóng góp của các lực lượng xã hội.
.....
Các sự kiện trên đã chứng minh, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của tỉnh Lào Cai đang nỗ lực không ngừng để biến khó khăn, thử thách thành cơ hội vàng để thay đổi diện mạo của Ngành Giáo dục và Đào tạo. Các nhà trường đã và đang xác định được mục tiêu, giải pháp để đạt tới một kết quả cao nhất; các thầy cô giáo phát huy khả năng sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm để một lần nữa khẳng định bản lĩnh nhà giáo Lào Cai trong thời kỳ đổi mới, hội nhập; các em học sinh Lào Cai vượt khó, không khuất phục trước hoàn cảnh, nỗ lực không ngừng để vươn lên.
Thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Sở, đồng chí Nguyễn Anh Ninh-Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã ghi nhận và biểu dương (có thư khen) các nhà trường, cá nhân các thầy cô giáo, các em học sinh và mong muốn sự quyết tâm của các nhà trường; tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của các thầy cô giáo; sự nỗ lực học tập và tự học của các em học sinh sẽ tiếp tục được lan tỏa, trở thành động lực mới để giáo dục Lào Cai tự tin tiếp tục chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện một cách hiệu quả nhất./.
Văn phòng Sở GD&ĐT