Sơ lược quá trình hình thành và phát triển GD&ĐT Lào Cai

Từ 1979 đến 1990, tỉnh Lào Cai gặp những khó khăn rất lớn của vùng biên giới và những khó khăn chung của cả nước về kinh tế và đời sống. Sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo cố gắng duy trì trong hoàn cảnh khó khăn nói trên, nhưng vẫn bị giảm sút nhiều so với trước.

Tỉnh Lào Cai được tái lập từ ngày 01/10/1991, thời điểm tái lập tỉnh, hệ thống giáo dục của tỉnh chưa đầy đủ, không có trường Sư phạm, chưa có trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và cũng chưa có các cơ sở Giáo dục chuyên nghiệp, toàn tỉnh có tới 14 xã không có trường lớp học, hầu hết các xã vùng cao không có đến lớp 5; có 101 xã chưa có trường, lớp THCS. Cơ sở vật chất trường học rất thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn; tỷ lệ người trong độ tuổi mù chữ rất lớn; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi ra lớp đạt 35,7%. Chất lượng, hiệu quả Giáo dục - Đào tạo rất thấp, cả tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và chống mù chữ. Nhận thức về giáo dục và nhu cầu học tập trong nhân dân các dân tộc cũng bị giảm sút nhiều.

Sau 10 năm phấn đấu (1991–2001), Lào Cai có bước tiến dài về phát triển quy mô trường lớp và phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Mạng lưới trường lớp đa dạng phủ kín các địa bàn; các trường tiểu học từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh tới lớp 5. Trường lớp Mẫu giáo và THCS từng bước phát triển từ vùng thấp lên vùng cao. Các huyện đều tập trung vào củng cố trường Dân tộc nội trú, trường Bồi dưỡng giáo dục (Trung tâm Giáo dục thường xuyên), trường Trung học phổ thông. Tại thị xã tỉnh lỵ, ngay sau khi tái lập tỉnh, trường Dân tộc nội trú tỉnh, trường THPT thị xã và trường Trung học Sư phạm được thành lập để đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ, đào tạo giáo viên và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ở thị xã tỉnh lỵ mới. Các trường chuyên nghiệp ra đời muộn hơn nhưng thời điểm này đã có trường Trung học Y tế, Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật và Trường dạy nghề. So với năm tái lập tỉnh, số học sinh đã tăng gấp 3 lần, số lớp học đã gấp 2,8 lần. Trong đó học sinh Mẫu giáo tăng gấp 7 lần, Tiểu học gấp 2 lần, THCS gấp 4,5 lần, THPT gấp 7 lần. Tỷ lệ huy động trẻ 6 – 14 tuổi ra lớp từ 35,7% năm 1991, đến năm 2001 đã đạt 91,12%. Tỉnh Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ vào tháng 5 năm 2000.

Khi quy mô giáo dục phát triển đạt mức tương đối ổn định, tất yếu phải chuyển sang phát triển chất lượng, giai đoạn 2001 – 2011, là giai đoạn đặt nền móng cho nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo Lào Cai. Giai đoạn này tỉnh đã thực hiện song hành và thành công cả hai mục tiêu: Phát triển quy mô trường lớp, học sinh đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.  

Với quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc thực hiện hai mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi năm 2005 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2007; tạo nền tảng vững chắc để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Hệ thống giáo dục hoàn thiện và phát triển đầy đủ từ mầm non, phổ thông, trung cấp đến Cao đẳng. Toàn tỉnh đã có 661 cơ sở giáo dục - đào tạo, trong đó 161 trường Mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia. Các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo được triển khai thực hiện đồng bộ, đa dạng và ráo riết hơn. Giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn và nhiều năm được Bộ GD&ĐT khen về lĩnh vực này. Hệ thống trường nội trú và trường nội trú dân nuôi được củng cố phát triển rộng khắp. Các hình thức học tập đa dạng được mở tại các Trung tâm GDTX huyện, Trung tâm học tập cộng đồng xã và trung tâm dạy nghề đáp ứng được hầu hết nhu cầu cập nhật, nâng cao kiến thức văn hóa, nghề nghiệp cho mọi người dân. Hàng năm có trên 98% người từ 15 đến 25 tuổi biết chữ, tỷ lệ người lao động qua đào tạo chiếm 24,5% tổng số lao động.

Chất lượng giáo dục toàn diện liên tục được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học rất thấp; 100% học sinh THPT được học Tin học, Ngoại ngữ; 91,2% học sinh THCS và 22% học sinh Tiểu học được học ngoại ngữ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, THCS và hoàn thành chương trình tiểu học đạt ở mức cao; số học sinh khá, giỏi tăng qua các năm. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ giao lưu, hội thi cấp Quốc gia và khu vực như Hội khoẻ Phù Đổng, Giai điệu tuổi hồng, Đại hội Thể thao. Số học sinh đạt giải học sinh giỏi qua các kỳ thi Quốc gia, khu vực hàng năm được duy trì ở mức cao so với các tỉnh miền núi. Số lượng học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng tăng liên tục qua các năm, riêng năm 2010 có 4.023 học sinh, tăng gấp 7 lần so với năm 2000 và 80 lần so với ngày tái lập. 

Những thành tựu về giáo dục - đào tạo đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh miền núi biên giới khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, từng bước thay đổi thói quen an phận thủ thường của một bộ phận không nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số, thay đổi cuộc sống của nhân dân, tạo điều kiện để tỉnh Lào Cai vượt lên thoát ra khỏi diện tỉnh nghèo./.

 

                                                                                    Sở GD&ĐT                          

Quá trình hình thành và phát triển








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập