Dọc theo nẻo đường con chữ

Ký của Cao Phương Huy Thành phố Lào Cai



Nói hai mươi nhăm năm, một phần tư thế kỷ thì thấy khá lâu, khá dài, nhưng nói từ ngày tái lập tỉnh đến nay thì chỉ là một khoảnh khắc, như mới năm kia năm kìa, thậm chí có chuyện ngỡ như mới hôm qua. Ấy là bởi công việc nó cuốn hút, cái niềm say mê lôi kéo và những cái khó khăn vất vả nó khiến mình phải đọ sức với nó làm cho thời gian trôi nhanh. Hai nhăm năm qua là cuộc đọ sức giữa sức lực, tâm trí con người với bao nhiêu là khó khăn của đèo dốc, gió sương, của thiếu thốn đói nghèo, đói cơm, đói chữ và những yếu kém cũ kỹ, cùn mòn, để có thành quả hôm nay. Vào cuộc quyết liệt thì thời gian trôi nhanh lắm.
      Thấm thoắt thế mà đã hai mươi nhăm năm…
      Chuyện học hành ở vùng núi non cách trở đương nhiên là gian nan ngay từ bước khởi đầu. Đã tạo được những kết quả nền tảng ban đầu sau hơn ba mươi năm, tưởng sẽ tạo đà đi tiếp thì năm 1979 kẻ thù gây ra chiến tranh biên giới, sự yên bình bị xáo trộn và chồng chất khó khăn suốt 10 năm sau làm cho sự học hành sững lại, thậm chí suy giảm tệ hại. Tháng 10 năm 1991, 14 xã vùng cao vốn đã có lớp từ hơn 30 năm trước, nay thành “xã trắng”. Các xã khác lèo tèo lay lắt lớp 1, 2, 3, có xã mấy năm liền giậm chât “mốt – hai - mốt”, có xã cứ một lớp một, một thầy giáo kiêm luôn hiệu trưởng, kiêm luôn cán bộ giúp việc chi bộ, uỷ ban. Trên một trăm xã vùng cao chỉ lèo tèo mấy xã có lớp 5 học theo chương trình rút gọn 120 tuần. Bắc Hà có Sín Chéng và  Bản Phố. Sa Pa có Lao Chải và Tả Van. Mường Khương có Lùng Khấu Nhin, Bát Xát có Bản Xèo, Mường Hum…Mà mỗi lớp năm hiếm hoi ấy cũng chỉ dăm bảy em đã là quý lắm. 
      Phải làm sao xóa ngay “ xã trắng”, làm sao mau chóng mở thêm lớp ở các xã, khẩn trương nâng các em học lên để xã nào cũng có trường tiểu học hoàn chỉnh tới lớp 5, chấm dứt tình trạng giậm chân tại chỗ “mốt – hai - mốt”! Riêng Bắc Hà gồm cả Si Ma Cai bây giờ, có tới 6 xã không còn trường lớp, phải lo mở lớp ở 6 xã này chả dễ dàng gì. Xã Tân Tiến của Bảo Yên báo cáo ra huyện xin lùi một năm mới mở lớp được. Nhưng Sở cùng huyện đôn đốc, hướng dẫn sát sạt, lo cử giáo viên, lo cuốn vở cái bút, địa phương hô dân dựng lớp tạm, 14 “xã trắng”  mau chóng được xóa tên. 
     Công việc nâng lớp để có trường hoàn chỉnh tới lớp 5 chả thể cấp tốc như thế. Bởi phải học mỗi năm một lớp, duy trì tốt mới nhích được lên lớp trên. Bền bỉ dạy bảo, dỗ dành khuyên nhủ chắt chiu từng học trò mới nhích dần lên được. Nậm Pung của Bát Xát mấy năm sau có được một em học hết lớp 5, trường phải cử hai cô giáo dẫn một học trò lớp 5 quý giá hiếm hoi này lặn lội xuống Mường Hum dự thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học năm ấy, học trò Tả Phìn, Trung Chải đến thi chung với các bạn Sa Pả. Ba xã vẻn vẹn có 15 em lớp 5. Xã Tả Phìn cho 5 cháu một túi gạo và một con gà giò để ăn trưa. Học trò Trung Chải cũng được các thầy cô lo cơm nước chu đáo. Trước giờ thi một tiếng, một em ở Trung Chải đã hẹn vẫn chưa thấy đâu, thầy giáo phải phong ù chiếc Min khờ đi đón cho bằng được. 
      Cứ tận tâm tận tình và quyết liệt như thế, 6 năm sau, là năm 1997, xã Tả Thàng của Mường Khương là xã cuối cùng của vùng cao hoàn chỉnh đến lớp 5. Khi ấy, các xã vùng cao cũng đã có các thầy cô cắm đến các thôn bản để  gọi, để đón trẻ em đến lớp. 
      Phổ cập Tiểu học và chống mù chữ là hai nhiệm vụ kép. Lo cho con trẻ học hành đã khó, lo việc học hành của người lớn còn khó khăn gấp mấy. Mốc thời gian phải đạt chuẩn phổ cập chậm nhất vào năm 2000. Nhiều tỉnh và thành phố chỉ cần điều tra rồi lo mở lớp vét các đối tượng rớt lại là công bố về đích. Các tỉnh vùng cao biên giới như Lào Cai ta phải phấn đấu trầy trật gian nan. Với vùng cao, chỉ đòi hỏi xóa mù chữ cho 70% số người từ 15 đến 25 tuổi, thế mà chả dễ dàng chút nào. Khó khăn từ cuốn vở, cái bút đến phao dầu thắp. Nhưng khó khăn nhất vẫn là gọi người đi học. Nam giới bận  gánh vác việc nặng nhọc và rất ngại học. Chị em phụ nữ ngập đầu trong việc làm ăn, làm mặc, con cái, cơm nước, lợn gà. Có chị 9 giờ đêm mới lọ mọ đến lớp, cô giáo phê bình thì bẽn lẽn cười trừ, hoặc là tự ái, có khi cự cãi, “ tôi mà có lương như cô giáo thì tôi cũng đi học sớm được mà!” . Bấy giờ cô giáo lại phải xuê xoa thông cảm. 
      Những năm ấy, điện còn là của hiếm, là thứ xa xỉ xa xôi. Khá lắm là có  máy phát điện nhỏ, nước chảy re re, bóng điện chỉ đỏ sợi dây tóc rồi lập loè “ đom đóm đực” có khi dở chứng lại tắt ngóm. Phải trông vào ngọn đèn dầu. Còn nhớ lần đến kiểm tra xã Tả Ga Khâu  xa nhất của Mường Khương. Trên bàn xếp mười mấy chiếc đèn, chả chiếc nào giống chiếc nào, chiếc bằng sắt tây, chiếc thủy tinh, chiếc là lọ mực dùi thủng nắp luồn sợi bấc, có chiếc tận dụng lọ thuốc còn nguyên nhãn, nhồi bông vào ống tiêm cắm vào thành chiếc đèn…Có chế độ cung cấp dầu thắp cho lớp xóa mù chữ. Nếu tắc trách khâu nào đó là dầu chả đến kịp thời. Hôm ấy, điện thoại cần có dầu ngay. Yêu cầu phòng Kế hoạch Tài vụ ứng tiền gửi gấp vào. Bắc Hà báo ra: Mấy xã hết dầu! Sao lại hết? Do chưa có tiền mua! Sao chưa có tiền? Là vì vướng thủ tục, chưa được cấp! Không thể thế được. Phải có ngay dầu thắp cho các lớp ấy. Vận động mãi mới mở được lớp, nay đang học lại hết dầu thắp, ngừng học thì rất khó vận động trở lại.  Phải lo, không có thì đi vay đâu đó rồi trả sau. Ngay trong đêm ấy, hai anh em ra bưu điện đánh điện chuyển tiền, yêu cầu phòng giáo dục Bắc Hà ra Bưu điện nhận và đi mua dầu rồi cử người phóng xe máy đem dầu lên xã. Làm thế để anh em thấy phải biết ứng phó kịp thời. Thế là việc dầu đèn cho mấy xã được khắc phục ngay, những lần sau công việc mau lẹ, trôi chảy hơn, khó thì biết tự lo chứ không chỉ báo cáo lên cấp trên đề nghị.
      Xóa mù chữ có nhiều chuyện vui và nhiều chuyện rất cảm động, lại có nhiều chuyện tiếu lâm. Có thầy giáo ở Bát Xát đi làm công tác xóa mù, đường xấu, xe kém, đêm hôm nhập nhoạng ngã uỵch gẫy cả răng, khi kể lại với anh em còn hát tếu “lợi ơi răng đi nhé!”. Mấy thầy còn chế tác “Hịch xóa mù” rồi đọc: “Nay các ngươi nhìn cái dốt lởn vởn mà không biết lo; thấy cái chữ bập bõm chập chờn mà không biết thẹn…”. Người khác đọc tiếp: “Ta cùng các ngươi lo việc xóa mù đã bấy nhiêu ngày. Không có vở thì ta cấp giấy, thiếu bút mực ta phát bút bi, chưa có điện ta cấp đèn dầu…” Tiếng cười làm vơi đi những gian khó trên con đường xóa mù chữ đèo dốc cheo leo. 
      Lại có những chuyện rất cảm động. Hôm đi cùng một thầy giáo Nậm Chảy Mường Khương vào thăm lớp học của bản sát biên giới, đến đoạn đường trơn, thầy ấy nhắc: Từ từ, chỗ này em từng bị ngã đấy. Nền đất cứng phủ lớp bùn mới dễ ngã oạch, bởi chả bấm được ngón chân, lớp bùn như láng mỡ trơn trượt. Thầy nắm tay em, bước từ từ nhé. Anh bạn vén tay áo cho xem chứng tích của lần ngã trong đêm đi xóa mù. Cứ tưởng bong gân rồi khỏi, chả đi khám chữa, ai ngờ ngã gẫy xương cổ tay, bây giờ thành tật, có cái cục như nửa quả cà pháo lồi lên, những hôm trở thời tiết lại đau đau.       
      Cô giáo Dung nhớ mãi cái đêm dạy lớp xóa mù chữ ở Tả Gia Khâu. Năm ấy thằng cu con trai đầu Hoàng Phú Yên ba tuổi rưỡi. Trưởng phòng Toàn từ ngoài huyện phóng xe Min khờ vào kiểm tra phong trào, ngồi ở cuối phòng học dự giờ. Bé Hoàng Phú Yên thơ thẩn tự chơi một mình bên hè lớp, trong ánh đèn nhập nhòa từ lớp học hắt ra. Bỗng cháu khóc thét. Thì ra bé Yên chơi bên hè lát bậc đá cheo leo, xảy chân ngã, bị gẫy tay. Trưởng phòng Toàn bế vác cháu lên vai, bước theo ánh đèn chập chờn của học viên đi trước, mau mau đến nhờ đồng chí y tế đồn  Biên phòng sơ cứu. Thằng bé cứ mếu máo:
       - Đau quá! Bác ơi, đau quá!
     Nhân nói đến tai nạn, chả thể quên những cái chết của các thầy cô hai mươi nhăm năm qua. Hai cô giáo của thị xã Cam Đường đi dạy học trong xã. Em lội trước bị ngã xuống dòng nước, chị lao xuống cứu, cả hai đã chết rất thương tâm. Có cái chết của nhà giáo bởi suối lũ Văn Bàn. Cơn lũ ống bất thần vài phút ở  Tắc Cô cuốn cô giáo xuống  suối Móng Sến. Hai cô giáo Bản Khoang bị dòng nước đoạt mạng khi vượt suối lũ để đến trường kịp giờ. Thầy giáo ở Phìn Ngan bị suối cuốn đi khi mới lên nhận công tác ít ngày. Mới năm kia, cô giáo mầm non Dền Thàng chết bởi dòng lũ trong trận mưa xối xả. Cô giáo Châu phòng Tiểu học của Sở trên đường lên Ý Tý bị dòng nước xiết suối Dền Sáng cuốn trôi mấy mét, may mà túm được đám lau sậy ven bờ ngoi lên thóat chết trong ly tấc. Giám đốc Nguyễn Anh Ninh tâm sự, sẽ ghi lại những cái chết của đồng nghiệp, của học sinh trên những dốc đèo khe suối mấy chục năm qua, để thấu hiểu những gian truân của nẻo đường chăm lo việc học hành…
      Trở lại câu chuyện về phổ cập giáo dục và chống mù chữ. Bao năm vùng cao dằng dặc khó khăn, cứ có học sinh đi học là mừng. Bây giờ phấn đấu phổ cập, phải rà soát đến từng đứa trẻ, rà soát từng người, sinh năm nào, từng nhà, từng thôn bản có bao nhiêu. Giấy khai sinh đâu? Sổ hộ tịch đâu? Chả có. Phải đi điều tra, hỏi sinh năm nào? Sinh năm con rồng, con rắn, con gà, từ đó suy ra năm sinh theo dương lịch. Năm con thỏ ứng với năm mão, là năm con mèo. Trí nhớ của bố mẹ đứa bé bập bõm, cứ rối tinh cả lên. Tập huấn điều tra, vẽ sơ đồ thôn bản, thống kê, đối chiếu. Thầy cô phải kiêm luôn cán bộ dân số hộ tịch. Nhớ hôm làm việc ở Dền Sáng, mặt trời chưa khuất núi nhưng sương mù đã giăng giăng, vẫn chả tính xong, phải khiêng bàn ra sân tính tiếp. Làm thực tế là cách tập huấn tốt nhất. Cuối cùng, từng xã có sơ đồ, có biểu thống kê và đối chiếu theo dõi tiến độ. Huy động tất cả trẻ em trong độ tuổi ra lớp, một lớp có mấy độ tuổi, có cậu lớn ngộc, có bé lũn cũn ngồi học với nhau. Sau này, cứ nhìn học sinh xếp hàng sàn sàn nhau theo từng lớp là mừng lắm. Kiên trì mải miết như thế, đến tháng 5 năm 2000 mới đạt chuẩn phổ cập Tiểu học và Chống mù chữ. Từ cái nền ấy, phấn đấu đạt phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi năm 2005, đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở năm 2007 và đến năm 2013, Lào Cai là một trong 10 tỉnh, thành phố sớm đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Phải từ 2005 về sau, cái nguồn bổ sung người mù chữ mới được chặn lại…
*    *
      Trước năm 1991, Lào Cai lác đác có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Chả phải lác đác đều đều mà là năm có một em, mấy năm khác chả có em nào. Cái nền đại trà không vững thì làm sao có học sinh giỏi. Cái kém kéo dài tạo nên mặc cảm và ý nghĩ chấp nhận. Cái mốc năm 1991 đã đánh dấu sự chuyển biến. Vừa lo phổ cập, tạo nền, vừa lo bồi dưỡng học sinh giỏi. Cái thành tích, cái danh hiệu cũng quý, nhưng quan trọng là xóa mặc cảm, xóa cái ý nghĩ chấp nhận thua kém, quan trọng hơn nữa là bồi dưỡng trò giỏi thì thầy cũng giỏi lên để có trò giỏi tiếp, để có chất lượng đại trà làm nền. Năm 1992, một học sinh thi học sinh giỏi Quốc gia đạt giải Khuyến khích môn Toán lớp 9. Năm sau cũng một giải khuyến khích Toán  lớp 9 nữa. Hai học trò này mới chuyển lên theo bố mẹ năm 1991. Nhưng khởi đầu thế cũng là mừng. Anh em nói vui là giải “ khúc khích”, nhưng là chất men kích thích vượt lên. Năm đầu, không lập được đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia Toán lớp 5 vì chất lượng đuối quá. Cố sức, năm sau có đội dự thi. Trường Trung học phổ thông thị xã Lào Cai tái lập năm 1993, có 173 em thi tuyển vào lớp 10, tất cả được nhận vào học. Trường chọn ra 30 em lập thành lớp 10T, cứ gọi là lớp Chuyên Tóan, thực chất chỉ chọn được các em kha khá và nhen nhóm ý tưởng mở lớp chuyên và trường chuyên sau này. Công việc bồi dưỡng học sinh giỏi trở thành nhiệm vụ trong hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Các thầy ở Sở tham gia bồi dưỡng. Giám đốc Sở cũng ghé vào bồi dưỡng mấy buổi Tiếng Việt lớp 5. Các thầy kha khá ở cơ sở cũng phải cố vượt lên. Bàn bạc suy tính lo toan phòng trăn trở hiến kế, động viên nhau. Đêm 30 tết, lãnh đạo sở sáng đèn, đồng nghiệp ngồi bàn tính say sưa. Mời các thầy từ Hà Nội, từ Hà Tây, mời các chuyên gia của Trường đại học, của Bộ, của Viện Khoa học giáo dục. Thầy trò đưa nhau về Hà Nội, về Vĩnh Phúc dự học. Trò ngồi trước, thầy ngồi sau, thầy trò cùng học để đạt mục tiêu kép bồi dưỡng trò giỏi và bồi dưỡng năng lực các thầy cô. Thế là từng bước, Lào Cai có học  sinh giỏi cả ba bậc học, nhiều em đạt giải cao. Đội ngũ các thầy giỏi đủ sức lập trường Chuyên Trung học phổ thông và Trung học cơ sở. Giải học sinh giỏi mở dần tới tất cả các môn, mở rộng địa bàn tới Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Sa Pa, nhiều em học sinh dân tộc đạt học sinh giỏi. Lào Cai đã có học sinh đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học. Phương châm xây dựng nền vững đỉnh cao bước đầu đã đạt kết quả, dẫu cái sự vững và cao mới đến mức ấy, còn phải củng cố bồi đắp nhiều lắm mới có thể chắc chắn vững bền…
*   *
      “Trực tiếp, ráo riết, cụ thể”, ấy là sáu chữ trong phương châm chỉ đạo giáo dục vùng cao. Còn phải bền bỉ, sáng tạo nữa chứ? Dĩ nhiên rồi, nhưng sáu chữ này là quan trọng nhất. Nói hướng về cơ sở thì mới chỉ là hướng về thôi, “trực tiếp, ráo riết, cụ thể” là sát sạt gắn bó với vùng cao. Xa cách như thế, nhiều thiếu thốn, thiếu hụt yếu kém như thế, thì phải đến tận nơi để kiểm tra và hướng dẫn tại chỗ, để giải quyết từng yêu cầu cụ thể. Mình cùng anh em chuyên môn của Sở đến tất cả các xã vùng cao, đến tận nhiều thôn bản. Bây giờ nhắc tới huyện nào, vùng nào, xã nào là mường tượng ra ngay đèo dốc ruộng nương làng bản nơi ấy. Và bồi hồi nhớ bao nhiêu kỷ niệm. 
      Nhớ mãi lần cuốc bộ từ Thân Thuộc vào xã Nậm Cần - Than Uyên. Bí thư xã có cái tên Kim Anh, đẹp như tên con gái. Anh cởi phăng quần áo bơi vút qua dòng Nậm Mu lấy thuyền độc mộc về đưa mình sang thăm lớp bản Phiêng Tòng. Sau buổi học, mình yêu cầu cô giáo tổ chức cho các em vui chơi, mình cùng các em reo hò trong cuộc vui mèo đuổi chuột trên khoảng sân hẹp lổn nhổn đá.
      Nhớ hôm ở Dền Sáng, học trò e dè, nhút nhát, cô giáo lúng túng mãi mới tổ chức được cuộc vui chơi, nhưng vào cuộc rồi thì bọn trẻ nhanh lắm, mình thua cuộc phải ôm gối di chuyển đôi chân theo luật trò chơi, mỏi cứng đôi chân. Nhớ lần từ Ý Tý đi bộ sang Ngải Thầu. Đường đang làm, có chỗ phải men theo ta luy, gặp đám đất bột suýt trượt ngã lăn xuống vực sâu hút, may có cậu Chiến nắm tay kéo qua. Đến chỗ có hai ngả rẽ, sương giăng phủ mù mịt, chả biết phải đi lối nào, may gặp người dân chỉ đường cho. Hỏi nghĩa của địa danh Ngải Thầu, thầy giáo sở tại đọc câu ca: Ngải là đá, Thầu là cao / Đã lên là nhận gian lao về mình. Vẫn nhớ câu ca ấy, vẫn nhớ ngôi trường Ngải Thầu cheo leo bên những ruộng bậc thang lô nhô gập ghềnh đá xám… 
       
Nhớ lần từ Si Ma Cai vào Sín Chéng. Xe đi một đoạn thì bị pa ti nê, bánh cứ quay tại chỗ hất tung đất bùn. Thì xuống đi bộ. Đường dốc đất đỏ, mưa lây rây, tiết tháng 10 vùng cao đã rét. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng tay và chân lạnh buốt. Mình vượt cả người phụ nữ địa phương đi cùng đường. “Lạ kỳ cái rét vùng cao/ Thở ra sương khói, hít vào giá băng/ Mồ hôi thấm áo ướt lưng/ Tay trong sương giá đỏ lừng buốt tê…” Mấy câu lục bát nảy ra trên đoạn đường ấy, sau này hoàn chỉnh thành bài thơ Đường lên vùng cao. Cứ để nguyên áo thấm mồ hôi như thế, hôm sau dự giờ và làm việc với các thầy cô, có thể mùi mồ hôi thoảng ra chả thơm tho gì, nhưng chả sao…
Cán bộ xã vùng cao ngày ấy rất ít chữ và đời sống khó khăn. Các đồng chí làm việc bằng trách nhiệm, phổ biến gì thì nhập tâm và làm. Đến trụ sở, trong túi lanh đeo vai có túm gạo, trưa góp nhau nấu cơm ăn. Có hôm mình ăn cơm cùng các vị, mọi người ngồi vào bàn rồi, thấy thiếu bát, chủ tịch xã đứng lên lấy chiếc bát đôi đũa từ chiếc túi lanh treo bên cột góc nhà, thì ra chủ tịch có chiếc bát mang theo. Lần ấy, anh Thào A Páo chủ tịch xã Hầu Thào được mời về Hà Nội dự cuộc họp về chương trình lớp ghép. Mời anh đi xem xiếc, đánh xe cho anh đi qua các phố để anh ngắm cảnh thủ đô. Anh lẩm bẩm xuýt xoa: “Người đi đông quá! Chỗ ăn nhiều quá! Chỗ nào cũng thấy ăn!” Một tuần họp, thầy Lê Dũng dạy anh viết tên mình. Và anh đã viết được tên Thào A Páo. Lúc chia tay, anh tặng thầy Lê Dũng con dao nhọn lưỡi cong cong sắc lẹm, chuôi gỗ bọc đai đồng. 
Nhớ hôm đến xã San Sả Hồ, gặp cán bộ xã và thôn bản bàn về việc học hành của trẻ em và xóa mù chữ của người lớn. Thống nhất rồi thì phải cam kết với nhau. Chị Sùng Thị Nhứ từ hàng ghế cuối đi lên, tay cầm bình tông, tay cầm chén. Gay rồi, rượu là khoản mình yếu kém. Rượu rót ra. Cán bộ xã với thầy giáo cán bộ tỉnh uống chén rượu cam kết. Mình dũng cảm uống hết chén rượu, cứ như là uống than uống lửa vào bụng. Tiếng vỗ tay rào rào. Rượu ngấm, mặt đỏ tưng bừng, tim thình thịch nảy ngực. Cuốc bộ vượt dốc về, thở phì phò đẩy hơi rượu ra. Sau này, chị Nhứ được về học ở trường Bồi dưỡng huyện. Nghe đâu học được một thời gian thì chồng chị bảo phải về. Cán bộ phụ nữ vùng cao gian nan vất vả và thiệt thòi như thế, huống chi là các chị em khác…
Trường lớp, học sinh vùng cao bây giờ đã khác. Lên vùng cao, nơi vui nhất, nơi đẹp nhất là trường học. Thế hệ cán bộ xã bây giờ đã khác xa về trình độ học hành. Đường về huyện xuống thôn đã trải nhựa, đã láng xi măng. Thông tin đã có điện thoại cầm tay trợ giúp, lại chụp được ảnh, ghi được lời, mở được mạng. Phòng làm việc đã có máy tính thế hệ mới, bàn phím đã nảy tanh tách,...
Thấm thoắt thế mà đã hai mươi lăm năm...
Mùa thu 2016- C.P.H

Thành tựu giáo dục nổi bật
  • Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

    Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

  • Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội

    Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

  • Những bài học kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo tỉnh Lào Cai đã khởi đầu từ khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và đã đạt nhiều thành tựu lớn lao qua các giai đoạn lịch sử. Trước 1991, Lào cai đã nỗ lực phấn đấu xóa mù chữ, xây dựng trường lớp tiểu học ở tất cả các xã, phát triển Trung học cơ sở ở vùng thấp và mở trường Trung học phổ thông ở các huyện và thị xã, thành lập mộ số trường Trung học chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo đã nâng cao dân trí cho một bộ phận dân cư, tạo nguồn và nâng cao trình độ cán bộ các cấp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà và của cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.

  • Thơ: Vắng thầy

    Trống trường đã điểm từ lâu Bâng khuâng cả lớp nhìn nhau, đợi thầy Vẫn chờ từng phút từng giây Dẫu biết thầy ốm từ ngày hôm qua… Bảng đen giờ đã nhạt nhòa Buồn tênh bục giảng, la đà phấn rơi

  • Thơ: Người thầy

     Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  Xa thầy, xa lớp đã mười tám năm!                                          Nhớ thầy con trở lại thăm,                                     Rưng rưng ánh mắt giọng chan lệ nhòa.

  • Giáo dục Mầm non Lào Cai - 25 năm trên mảnh đất vùng cao biên giới

    Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho con trẻ. Đó là trọng trách lớn lao, là vinh dự và cũng là khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của cấp học này. Vì vậy, ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), giáo dục mầm non đã sớm được quan tâm củng cố, phát triển. Nhìn lại bối cảnh những năm đầu tái lập tỉnh cho đến hôm nay, mới thấy giáo dục mầm non đã có một bước tiến dài, khá nhanh, mạnh về quy mô và chắc về chất lượng.

  • Điểm sáng Lào Cai

    Lào Cai quê tôi Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đỉnh Phan xi păng vẫn bốn mùa nắng đẹp, Nơi vẻ đẹp tình người sáng dậy những vần thơ. ....

  • Công tác xóa mù chữ -25 năm gian nan và thành quả

    Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Vì vậy, ngay khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện. 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập