Một cán bộ xã hết lòng vì vùng cao

Cao Sơn là một xã thuộc diện 135 của huyện Mường Khương, các điều kiện về kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội cũng như giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Thế nhưng, những năm trở lại đây phong trào giáo dục của xã đã dần tiến những bước vững chắc.
Trước năm 2000, số lượng học sinh đến trường rất thấp, trường tiểu học chỉ vỏn vẹn năm sáu lớp với vài chục học sinh. Đội ngũ cán bộ giáo viên cũng không nhiều, chủ yếu là giáo viên dạy hợp đồng. Trường mầm non chưa được thành lập, học sinh vào lớp 1 không được qua mẫu giáo, trường Trung học cơ sở cũng chỉ có vài lớp với gần 100 học sinh.
Thế nhưng, giờ đây giáo dục của Cao Sơn đã dần có những bước chuyển mình. Từng ngày, từng ngày phong trào giáo dục của xã đã trở nên thay đổi, số thầy cô giáo trẻ mới ra trường thì không còn sợ Cao Sơn, không sợ vùng cao nữa mà thay vào đó là sự nhiệt tình với công việc, sự cống hiến cho giáo dục.

Kết quả đó là công lao đóng góp lớn lao từ các thầy, cô giáo, bậc cha mẹ học sinh, các ban, ngành trong và ngoài xã. Nhưng có lẽ không thể không nhắc đến công lao của bác Sùng Sèo, Bí thư Đảng ủy xã- kiêm trưởng Ban Tuyên vận xã.
Ở độ tuổi gần ngũ tuần, với nước da sạm đen vì sương gió, mái tóc đã điểm những sợi trắng, nhưng bác vẫn còn khoẻ mạnh và đặc biệt là trong suy nghĩ luôn luôn đổi mới. Công việc gia đình đã nhiều, vừa phải chăm lo cho 3 con đi học, một con đi học đại học, hai con học cao đẳng. Còn bản thân bác cũng vừa phải tham gia các lớp học bổ túc văn hóa buổi tối tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện; tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị... Thế nhưng những khó khăn ấy có thấm vào đâu với con người đầy nghị lực như bác.
Là người đứng đầu một xã, nhưng bác luôn gần gũi với dân, với các thầy cô giáo và đặc biệt là các cháu học sinh, làm việc không quan liêu. Luôn lắng nghe những tâm sự từ các thầy cô, giải quyết mọi thắc mắc và đặc biệt luôn gần gũi động viên các thầy, cô giáo đang công tác tại xã. 
Mọi công việc của các trường, bác đều quan tâm chỉ đạo và xắn tay vào thực hiện. Nhiều lần bác tâm sự: Ở độ tuổi mình ngày xưa như thế này có muốn đi học cái chữ như bây giờ cũng khó, thời chiến tranh loạn lạc khổ lắm. Bây giờ hòa bình, được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng trường lớp khang trang, lại cho các thầy cô giáo từ những vùng xuôi lên đem ánh sáng văn hóa về bản làng tại sao dân bản mình lại không cho con em mình tới lớp được cơ chứ.
Chính từ những suy nghĩ như vậy mà khi có học sinh nghỉ học, mặc dù bận rất nhiều việc nhưng bác vẫn dành thời gian cùng các thầy cô giáo xuống tận nhà các cháu học sinh để động viên các cháu ra lớp. Ngoài việc bản thân trực tiếp cùng các nhà trường trong việc huy động số lượng học sinh ra lớp, bác còn chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong xã cùng với các nhà trường, thầy cô giáo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và cùng các nhà trường thực hiện tốt công tác giáo dục. Ở cương vị nào, Bác cũng luôn dõi theo, quan tâm chỉ đạo sát sao đến sự phát triển giáo dục của xã. 
Hàng năm, bác cùng với Hội khuyến học của xã huy động nhân dân, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn xã quyên góp ủng hộ về tiền mặt, ngày công, vật liệu... để phát triển các hoạt động giáo dục, ủng hộ, khen thưởng cho những học sinh nghèo vượt khó. Cứ đến tháng 7 hàng năm, bác cùng Hội khuyến học tổ chức gặp mặt các cháu học sinh, sinh viên là người địa phương đang học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc để động viên các cháu học tập và trao những phần quà đầy ý nghĩa nhằm động viên các cháu học tập thật tốt để sau này làm rạng danh quê hương. Từ năm 2005 đến nay, xã đã có hàng trăm cháu được trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Có những cháu trở thành thầy cô giáo về công tác tại xã nhà, có những cháu trở thành bác sĩ về phục vụ tại quê hương...
Hơn 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (từ năm 1996 đến năm 2009). Bác đã được giao trọng trách là Trưởng ban chỉ đạo chỉ đạo Phổ cập giáo dục xã, Chủ tịch Hội đồng giáo dục của xã, với sự nỗ lực của mình cùng sự góp sức của các thầy cô giáo trong toàn xã, năm 1999 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn PCGDTH-CMC. Đến năm 2005 được công nhận đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 1, năm 2007 xã đạt chuẩn PCTHCS, năm 2013 đạt chuẩn Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ đó cho đến nay năm nào xã cũng duy trì và giữ vững các tiêu chuẩn PCGDTHĐĐT; PCGD-CMC; PCTHCS. Mạng lưới trường lớp được duy trì ổn định. Năm 2001 Trường PT cơ sở Tiểu học Cao Sơn được thành lập gồm hai cấp: Mầm non và tiểu học. Các cháu học sinh trong độ tuổi mầm non chính thức được tham gia học tập trước khi vào học tiểu học. Năm 2007 trường Mầm non Cao Sơn được chính thức thành lập (tách từ trường Tiểu học ra). Từ đó đến nay 100% các cháu học sinh trong độ tuổi mầm non được huy động ra lớp, mạng lưới trường lớp được phát triển bền vững. Đối với trường Tiểu học, 100% các cháu trong độ tuổi từ 6 đến 14 được huy động ra lớp, năm 2015 Trường được công nhận Đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đây là một bước tiến vượt bậc đối với phong trào giáo dục của một xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Không những thế, năm 2010 Trường THPT số 3 Mường Khương cũng đã được thành lập tại xã, cho đến nay số học sinh học hết Trung học cơ sở được theo học vào THPT được tăng lên rõ rệt. Không còn hiện tượng học sinh học hết lớp 9 mà phải ở nhà vì điều kiện khó khăn không theo học vào Trường THPT (tại huyện)
Ngoài việc quan tâm đến các thầy cô giáo, bác còn luôn chăm lo xây dựng nguồn cơ sở vật chất cho các nhà trường. Năm 2007, bác cùng với thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học đã đi khắp các doanh nghiệp, các cơ quan đỡ đầu trong và ngoài huyện nhờ giúp đỡ, ủng hộ quyên góp để xây dựng sân trường. Kết quả đã quyên góp được hơn 70 triệu đồng tiền mặt, hơn 60 khối đá, hàng chục tấn xi măng để về đổ sân trường. Ngoài ra bác còn huy động trên 500 ngày công từ bà con nhân dân trong xã để cùng thực hiện.
Hàng năm, bác đã dành phần kinh phí duy cải tạo của xã để duy tu cơ sở vật chất của các nhà trường như: vôi ve lại các phòng học, phòng ở giáo viên, học sinh, làm trần nhà, sửa đường nước... Tất cả các nguồn hỗ trợ, ủng hộ kêu gọi được từ các tổ chức cá nhân bác đều dành cho các nhà trường, cho các cháu học sinh.
Với đóng góp lớn lao cho giáo dục của xã, Bác luôn được nhận giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, hội khuyến học huyện, Hội khuyến học tỉnh về sự đóng góp cho phong trào giáo dục của xã nhà nói riêng và phong trào giáo dục huyện nói chung.


Thành tựu giáo dục nổi bật
  • Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

    Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

  • Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội

    Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

  • Những bài học kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo tỉnh Lào Cai đã khởi đầu từ khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và đã đạt nhiều thành tựu lớn lao qua các giai đoạn lịch sử. Trước 1991, Lào cai đã nỗ lực phấn đấu xóa mù chữ, xây dựng trường lớp tiểu học ở tất cả các xã, phát triển Trung học cơ sở ở vùng thấp và mở trường Trung học phổ thông ở các huyện và thị xã, thành lập mộ số trường Trung học chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo đã nâng cao dân trí cho một bộ phận dân cư, tạo nguồn và nâng cao trình độ cán bộ các cấp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà và của cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.

  • Thơ: Vắng thầy

    Trống trường đã điểm từ lâu Bâng khuâng cả lớp nhìn nhau, đợi thầy Vẫn chờ từng phút từng giây Dẫu biết thầy ốm từ ngày hôm qua… Bảng đen giờ đã nhạt nhòa Buồn tênh bục giảng, la đà phấn rơi

  • Thơ: Người thầy

     Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  Xa thầy, xa lớp đã mười tám năm!                                          Nhớ thầy con trở lại thăm,                                     Rưng rưng ánh mắt giọng chan lệ nhòa.

  • Giáo dục Mầm non Lào Cai - 25 năm trên mảnh đất vùng cao biên giới

    Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho con trẻ. Đó là trọng trách lớn lao, là vinh dự và cũng là khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của cấp học này. Vì vậy, ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), giáo dục mầm non đã sớm được quan tâm củng cố, phát triển. Nhìn lại bối cảnh những năm đầu tái lập tỉnh cho đến hôm nay, mới thấy giáo dục mầm non đã có một bước tiến dài, khá nhanh, mạnh về quy mô và chắc về chất lượng.

  • Điểm sáng Lào Cai

    Lào Cai quê tôi Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đỉnh Phan xi păng vẫn bốn mùa nắng đẹp, Nơi vẻ đẹp tình người sáng dậy những vần thơ. ....

  • Công tác xóa mù chữ -25 năm gian nan và thành quả

    Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Vì vậy, ngay khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện. 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập