Người mẹ hiền thứ hai

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng là một giáo viên giỏi chuyên môn, hết lòng yêu thương học trò như con. Với các em học sinh trường Trung học Phổ thông số 1 Bảo Thắng, cô chính là người mẹ hiền thứ hai. 
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai- một huyện miền núi nơi vùng cao biên giới. Ngay từ nhỏ, cô luôn ước mơ được đứng trên bục giảng chắp cánh cho bao khát vọng của các em học sinh. Năm 2000, cô đã trở thành sinh viên khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Tốt nghiệp đại học, cô sinh viên ấy được phân công giảng dạy tại trường THPT số 1 huyện Bảo Thắng - nơi cô đã từng học tập và nuôi dưỡng ước mơ thuở thiếu thời.
Mười một năm qua, với lòng đam mê nghề nghiệp và phương châm sống “tất cả vì học sinh thân yêu”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng đã đạt được rất nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người của mình. Trong công tác chuyên môn, với tâm huyết và tinh thần ham học hỏi, người giáo viên trẻ ấy luôn sáng tạo, đổi mới. Để bài giảng thực sự lôi cuốn, hiệu quả, cô không ngại tìm tòi, vận dụng những phương pháp dạy học mới trong từng giờ dạy. Tất cả mọi đối tượng học sinh đều được quan tâm, chú ý phát triển năng lực tự học và sáng tạo, được tự do bày tỏ sáng kiến, quan điểm. Không khí lớp học hết sức thoải mái, sôi nổi, học sinh luôn bị cuốn hút vào các yêu cầu và thử thách mà cô đưa ra để chinh phục những tri thức mới. Các em hào hứng, say mê tới mức quên cả hiệu lệnh trống ra chơi. Với các em học sinh: “Đó chính là năng khiếu, là cái duyên sư phạm của cô Hằng”.
Người giáo viên ấy không chỉ được học trò, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi kiến thức chuyên môn vững vàng, vốn hiểu biết xã hội phong phú mà còn bởi tính cách, lối sống của cô. Sự giản dị, hòa đồng, trẻ trung, năng động luôn khiến các em học sinh cảm thấy cô gần gũi, thân thiết. Đối với cô, song song với việc truyền dạy tri thức văn hóa còn phải chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện cho học sinh những kĩ năng sống cần thiết trong môi trường hiện đại. Những bài toán khó và áp lực của các kì thi khiến các em luôn căng thẳng, mệt mỏi, nhưng những câu đùa dí dỏm, những mẩu chuyện khôi hài chứa đựng bao bài học về cuộc sống của cô đã giúp các em xua tan đi tất cả. Những lời dạy đó không hề hô hào, khẩu hiệu mà dần thấm tự nhiên, giống như một nhà giáo dục học đã từng nói: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không gì có thể thay thế được”. 
Tình yêu thương cô dành cho học sinh luôn được các em và cha mẹ các em trân trọng, khắc ghi. Kể sao hết những buổi cô kèm học trò không tính đến thù lao, học phí; những sáng sớm cô đi mua đồ ăn sáng cho các trò khi lớp chủ nhiệm được phân công nhiệm vụ lao động hay trực tuần. Cô thức đến hai, ba giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn thức uống cùng các bậc phụ huynh học sinh khi các em đi trải nghiệm sáng tạo ở Đền Hùng, Sa Pa... Biết bao lần không quản ngại xa xôi, mưa nắng, cô luôn có mặt để động viên, chăm lo từng bữa ăn chỗ nghỉ khi các em tham dự các kì thi, cuộc thi học sinh giỏi. Rồi cô kịp thời tổ chức những bữa “tiệc mừng" để khích lệ khi các em đạt giải. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay gia đình gặp chuyện buồn, cô thường dành thời gian thăm hỏi, động viên, chia sẻ, thậm chí trích một phần lương ít ỏi của mình để mua quà tặng cho những em vượt khó vươn lên trong học tập. Dù thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, dù bữa ăn chỉ là bát mì tôm úp vội đề kịp chuẩn bị bài phụ đạo cho nhiều đối tượng học sinh, nhưng lúc nào cô cũng lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Niềm vui và tiếng cười dường như lúc nào cũng thường trực trên gương mặt người giáo viên trẻ tuổi ấy và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi người xung quanh. 
Với tất cả sự nỗ lực cố gắng và cái tâm của một nhà giáo hết lòng vì học trò, nhiều năm nay cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng được Sở GD&ĐT Lào Cai tin tưởng chọn làm giáo viên cốt cán cấp tỉnh và phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Toán của tỉnh Lào Cai. Cô còn đạt nhiều thành tích đáng tự hào như: năm 2012 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; năm 2009 và 2014 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; nhiều năm liền cô là Chiến sĩ thi đua và Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt năm 2016, cô được trao giải Nhất ở Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. 
Rất nhiều học sinh của cô đã giành được kết quả cao trong các kì thi Đại học;  kì thi, cuộc thi Học sinh giỏi các cấp. Tiêu biểu là em Đặng Trần Minh, Lưu Thị Huyền đạt giải Ba thi Violympic Toán cấp Quốc gia; em Phạm Đức Bình đạt giải Khuyến khích thi Toán bằng máy tính cầm tay cấp Quốc gia năm 2015. Em Trần Tiến Anh đều đạt giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi giải Toán trên Internet và cuộc thi giải Toán bằng máy tính cầm tay năm 2014, 2016. Đặc biệt trong kì thi THPT Quốc gia năm 2015, em Đặng Trần Minh đạt 9,25 điểm thi môn Tóan, trở thành thủ khoa khối A của tỉnh Lào Cai và em Hoàng Mỹ Linh đạt 9,0 điểm. Đây là hai trong năm học sinh xuất sắc nhất (năm 2015) của tỉnh Lào Cai được vinh dự về Thủ đô Hà Nội nhận giải Hoa Trạng Nguyên. Năm học 2015- 2016 cũng là một năm gặt hái nhiều thành công, học sinh của cô đã đạt được 55 giải học sinh giỏi các cấp.
Những thành tích đạt được trong 11 năm qua chính là phần thưởng xứng đáng dành cho người giáo viên tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu ấy. Phần thưởng đó còn đem lại niềm vinh dự, tự hào cho trường THPT số 1 Bảo Thắng nói riêng, cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Lào Cai nói chung. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng thực sự là một hình ảnh đẹp về người giáo viên thời hiện đại trong lòng các thế hệ học trò. Khi nói về cô, thầy Hiệu trưởng Đỗ Quang Tám đã khẳng định: “Đó thực sự là một giáo viên có tố chất, có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao”. Còn em Hoàng Thu Hằng, học sinh lớp 11A1 dành cho cô lời bộc bạch rất chân thành “Cô giống như người chị, người mẹ hiền trong gia đình của chúng em. Những gì cô làm chúng em không bao giờ có thể kể hết. Chúng em yêu cô nhiều lắm, mong cô luôn khỏe mạnh, mãi yêu đời, yêu nghề và có thêm nhiều thành công!”. 

Lưu Thị Thu Hằng - TrườngTHPT số 1 Bảo Thắng



Thành tựu giáo dục nổi bật
  • Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

    Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

  • Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội

    Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

  • Những bài học kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo tỉnh Lào Cai đã khởi đầu từ khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và đã đạt nhiều thành tựu lớn lao qua các giai đoạn lịch sử. Trước 1991, Lào cai đã nỗ lực phấn đấu xóa mù chữ, xây dựng trường lớp tiểu học ở tất cả các xã, phát triển Trung học cơ sở ở vùng thấp và mở trường Trung học phổ thông ở các huyện và thị xã, thành lập mộ số trường Trung học chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo đã nâng cao dân trí cho một bộ phận dân cư, tạo nguồn và nâng cao trình độ cán bộ các cấp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà và của cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.

  • Thơ: Vắng thầy

    Trống trường đã điểm từ lâu Bâng khuâng cả lớp nhìn nhau, đợi thầy Vẫn chờ từng phút từng giây Dẫu biết thầy ốm từ ngày hôm qua… Bảng đen giờ đã nhạt nhòa Buồn tênh bục giảng, la đà phấn rơi

  • Thơ: Người thầy

     Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  Xa thầy, xa lớp đã mười tám năm!                                          Nhớ thầy con trở lại thăm,                                     Rưng rưng ánh mắt giọng chan lệ nhòa.

  • Giáo dục Mầm non Lào Cai - 25 năm trên mảnh đất vùng cao biên giới

    Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho con trẻ. Đó là trọng trách lớn lao, là vinh dự và cũng là khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của cấp học này. Vì vậy, ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), giáo dục mầm non đã sớm được quan tâm củng cố, phát triển. Nhìn lại bối cảnh những năm đầu tái lập tỉnh cho đến hôm nay, mới thấy giáo dục mầm non đã có một bước tiến dài, khá nhanh, mạnh về quy mô và chắc về chất lượng.

  • Điểm sáng Lào Cai

    Lào Cai quê tôi Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đỉnh Phan xi păng vẫn bốn mùa nắng đẹp, Nơi vẻ đẹp tình người sáng dậy những vần thơ. ....

  • Công tác xóa mù chữ -25 năm gian nan và thành quả

    Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Vì vậy, ngay khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện. 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập