NHÀ GIÁO TRẦN VĂN PHÚC - VỊ LÃNH ĐẠO ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO DỤC LÀO CAI KHI TÁI LẬP TỈNH
Công tác chuẩn bị cán bộ lên Lào Cai diễn ra thận trọng và khẩn trương. Thận trọng tìm phương án tối ưu là yêu cầu của việc lo tính nhân sự. Lo nhân sự cho tái lập một tỉnh càng phải thận trọng hơn. Đang ổn định công tác, yên ăn yên ở tại thị xã Yên Bái, nay một bộ phận phải lên Lào Cai, thì phải cân nhắc kỹ lưỡng. Phải sắp  xếp thế nào để Sở Giáo dục Đào tạo Lào Cai có lực lượng ban đầu và cán bộ nòng cốt cho các phòng ban để bắt tay ngay vào việc quản lý chỉ đạo cơ sở, và phải có người đứng đầu cầm quân để điều hành công việc của tỉnh mới tái lập chủ yếu là địa bàn vùng cao biên giới, đầy khó khăn gian khổ. 
      Sở Giáo dục Đào tạo Hoàng Liên Sơn khi ấy có một Giám đốc và ba Phó Giám đốc. Bác sỹ Nguyễn Thị Bài trẻ hơn cả, mới từ Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ bà mẹ trẻ em chuyển sang làm Phó giám đốc Sở được mấy năm. Ông Lê Đôn Giám đốc, ông Trần Văn Phúc và ông Hà Đình In Phó Giám đốc đều đã năm sáu, năm bảy tuổi, mỗi người đều có khó khăn riêng, ai sẽ lên đảm đương công việc ở Lào Cai?
      Khi được lãnh đạo tỉnh hỏi ý kiến, ông Phúc đã nhận lời lên đường. Là lãnh đạo Sở dày dạn kinh nghiệm, ông Phúc đã suy nghĩ kỹ càng từ trước theo phương pháp loại suy tóan học để xác định trách nhiệm của mình. Trong bốn lãnh đạo Sở, ông thấy mình phải lên đường là hợp lí nhất, dù ông đã 57 tuổi và không thực sự khỏe mạnh. Mẹ già trên 80 tuổi ở Việt Hồng quê nhà do bà Phúc đang làm nhân viên nông trường chăm lo phụng dưỡng. Suốt mấy chục năm đi công tác, vợ chồng ông luôn ở xa nhau, nay lại đi xa hơn. Ông còn nhiều việc phải lo toan cho các con, nhất là mấy con còn đang ăn học. Vượt lên tất cả, ông vui vẻ cùng anh em ngược lên Lào Cai. 
      Ông Phúc bắt đầu sự nghiệp một nhà giáo là những năm dạy học ở xã vùng cao huyện Than Uyên, khi ấy thuộc Khu tự trị Thái Mèo, sau gọi là Khu tự trị Tây Bắc. Ông kể với anh em kỷ niệm về những năm một mình dạy học tại một xã hẻo lánh, phải vượt hàng chục cây số để dự giờ của nhau và sinh hoạt chuyên môn. Ông vượt khó để nâng cao trình độ, từ giáo viên cấp I, ông đi học Trung cấp Sư phạm thành giáo viên cấp II, rồi học tiếp khóa II ( 1967 – 1971) khoa Tóan Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ông về công tác tại Ty Giáo dục Yên Bái, trở thành Phó Trưởng ty, được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy. Ông đi học tiếp Lý luận chính trị cao cấp 2 năm tại  trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Hồ Chí Minh. Năm 1996, ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, tỉnh lị hai năm đầu đặt tại thị xã Lào Cai, ông đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng ty Giáo dục, từ 1983 đổi thành Sở Giáo dục Đào tạo. Qua từng thời kỳ, ông lần lượt phụ trách hầu hết các phòng của Sở, từ Hành chính – Tổng hợp, Kế hoạch – Tài vụ, Phát hành Sách và Thiết bị trường học, Phổ thông, Bổ túc văn hóa và Đào tạo Bồi dưỡng đồng thời là Bí thư Đảng ủy cơ quan. Vốn liếng tri thức đào tạo cơ bản chính quy và quá trình trải nghiệm thực tiễn công tác qua những thời kỳ thử thách gian khó, ông tích lũy được vốn liếng của một nhà giáo, một cán bộ quản lý từng trải, giàu kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng. 
      Trong số 22 anh chị em lên Lào Cai ngày mới tái lập tỉnh, ông Phúc cao tuổi nhất, kế đến Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Hữu Bắc, Trưởng phòng Hành chính Đào Văn Cảng tuổi 50, 51, hai ba người 45, 46 tuổi, còn lại đều trẻ, đa số trên dưới ba mươi, sau này lực lượng trẻ bổ sung thêm. Lào Cai miền núi vùng cao biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, có những dân tộc thiểu số rất ít người. Lào Cai núi non hiểm trở, đèo dốc gập ghềnh, sương mù, giá rét. Lào Cai trường sở học hành đã khởi sắc sau mấy chục năm phấn đấu, nhưng mười năm qua sa sút chệch choạc, vùng cao 14 “ xã trắng”, hàng trăm xã lẹt đẹt lớp một, lớp hai, giậm chân tại chỗ “ mốt - hai - mốt”, thậm chí nhiều xã chỉ có một lớp 1 duy nhất. Tỷ lệ trẻ em ra lớp rất thấp, số người mù chữ chiếm tỷ lệ rất cao, làm sao đạt mục tiêu phổ cập theo tiêu chí quốc gia? Phải khẩn trương xây dựng hệ thống trường trực thuộc tỉnh, thành lập hệ thống trường học của thị xã Lào Cai tái lập trên vùng đất cũ. Khôi phục, củng cố, phát triển hệ thống trường học các xã, nhất là các xã vùng cao… Bao nhiêu công việc bộn bề đặt ra, trong thiếu thốn nhân lực, kinh phí và nhiều hạn chế về nhận thức của người dân. Phải vượt khó, tạo dựng cái mới, tạo sự chuyển mình! Ông Phúc khích lệ và định hướng cho anh em làm việc. Ông bình tĩnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Ông chỉ ra việc gì phải làm ngay, làm khẩn trương, lĩnh vực nào từng bước giải quyết. Xóa 14 “xã trắng”, mở thêm trường lớp là việc phải tập trung trước nhất. Phải lo ngay việc đào tạo giáo viên. Việc kiểm tra nắm tình hình phải sâu sát, thường xuyên, từng bước khôi phục và củng cố nền nếp. Ông nhắc nhở anh em: Tỉnh mới tái lập, Sở gần cơ sở rồi, phải sâu sát, phải đến với các phòng, các trường, động viên khích lệ mọi người, nhất là anh chị em vùng cao, để thúc đẩy, giúp đỡ tạo nên khí thế mới. 
      Lãnh đạo Sở 3 năm đầu chỉ có Giám đốc và một Phó Giám đốc. Giám đốc phụ trách mảng Hành chính – Tổng hợp, Kế hoạch - Tài vụ, Tổ chức cán bộ, Thanh tra. Ông nêu định hướng rồi giao toàn bộ mảng chuyên môn cho Phó Giám đốc cùng anh em chỉ đạo, điều hành. Việc nhiều, nhưng ông bình tĩnh giải quyết. Anh em nêu nhiều dự định, sốt sắng, mới mẻ và táo bạo. Mỗi lần đi cơ sở về, anh em sốt ruột, bức xúc bởi những chậm trễ, yếu kém ở cơ sở. Ông Phúc bình tĩnh lắng nghe, trao đổi tìm ra hướng giải quyết, khi điềm đạm trầm ngâm, khi nở nụ cười gần gũi chan hòa. Sự hăng hái sốt sắng của anh chị em được khích lệ, nỗi niềm sốt ruột, bức xúc băn khoăn được giải tỏa. Việc nhiều và khó nhưng chạy đều.
      Ông Phúc cẩn trọng với từng văn bản chỉ đạo, từ khâu chuẩn bị, xem xét thể thức, câu chữ đến ký duyệt ban hành. Còn điều gì băn khoăn là ông trao đổi cho thật cặn kẽ. Một năm có nhiều kỳ thi, nhất là ngành học Bổ túc văn hóa. Thi tốt nghiệp và thi học sinh giỏi phổ thông các cấp có mùa chứ học bổ túc thì “ quanh năm khai giảng, bốn mùa thi”. Anh em trình ông duyệt đề thi môn Tóan và các môn khoa học tự nhiên, tin anh em, nhưng ông xem xét kỹ lưỡng và trao đổi căn kẽ, cần thì chỉnh sửa cho thật an tâm mới hạ bút ký. 
      Ông Phúc sinh hoạt giản dị. Hai năm đầu chưa có nhà riêng, Giám đốc cùng ăn cơm tập thể bình quân mỗi người một nghìn đồng một bữa do cô Khánh nhân viên đánh máy kiêm luôn cấp dưỡng. Đi công tác, ông nhắc anh em chọn quán nào giản dị nhưng cốt nhất là món bình dân nóng sốt cho an toàn chứ chả ham gì đặc sản khác lạ. Ông rất vui khi lần lượt anh em được cắm đất làm nhà. Ông ghé thăm anh em dựng nhà mới, nở nụ cười phấn khởi. 
Từng tháng trôi mau. Trường Trung cấp Sư phạm được thành lập và đi ngay vào đào tạo giáo viên. Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh ra đời, đón học sinh Lào Cai từ Yên Bái về và  tuyển học sinh mới. Trường Trung học phổ thông Lào Cai tái lập trên nền đất cũ. Hệ thống trường học của thị xã Lào Cai mau chóng hình thành. Các huyện báo cáo về, mau chóng xóa “xã trắng” và mở thêm trường mới, lớp mới. Số học sinh tăng nhanh. Đã có những xã đầu tiên đạt chuẩn phổ cập Tiểu học và chống mù chữ. Lào Cai có học sinh giỏi quốc gia ở cả ba cấp học, với số giải nhích dần lên. Cơ quan Sở mau chóng đủ lực lượng cán bộ của các phòng ban, hoạt động hăng hái và nền nếp. Mỗi kỳ sơ kết, nghe báo cáo tình hình có nhiều kết quả tốt, ông rất vui. Bữa liên hoan gọn nhẹ, anh em phấn khởi nâng chén rượu chúc mừng Giám đốc, chúc mừng nhau, ông vui vẻ bảo đi mua thêm rượu, để anh em uống cho vui, chứ rượu là thứ ông ít dùng. Ông biết các nhà giáo chỉ uống cho vui, chứ có bao giờ uống say.
Đúng ba năm kể từ ngày tỉnh Lào Cai tái lập, khi đã tạo dựng được lực lượng, nền nếp, đã khôi phục, củng cố cơ bản và phát triển ban đầu, ông Trần Văn Phúc nhận quyết định nghỉ hưu. Ông tin tưởng các đồng nghiệp sẽ phấn đấu tạo nên những thành tựu mới.
Ông về với ngôi nhà sàn lợp lá cọ truyền thống người Tày bên chân đồi ở quê hương Việt Hồng, Trấn Yên, Yên Bái, nơi có người mẹ già và người vợ tảo tần gắn bó thủy chung.
Thế hệ các nhà giáo tiếp nối đã biến niềm tin của Giám đốc hơn hai mươi năm trước  trở thành hiện thực như ngày nay và sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững, dù nhiều thử thách mới đang đặt ra hiện tại và phía trước./.

Thành tựu giáo dục nổi bật
  • Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

    Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

  • Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội

    Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

  • Những bài học kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo tỉnh Lào Cai đã khởi đầu từ khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và đã đạt nhiều thành tựu lớn lao qua các giai đoạn lịch sử. Trước 1991, Lào cai đã nỗ lực phấn đấu xóa mù chữ, xây dựng trường lớp tiểu học ở tất cả các xã, phát triển Trung học cơ sở ở vùng thấp và mở trường Trung học phổ thông ở các huyện và thị xã, thành lập mộ số trường Trung học chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo đã nâng cao dân trí cho một bộ phận dân cư, tạo nguồn và nâng cao trình độ cán bộ các cấp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà và của cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.

  • Thơ: Vắng thầy

    Trống trường đã điểm từ lâu Bâng khuâng cả lớp nhìn nhau, đợi thầy Vẫn chờ từng phút từng giây Dẫu biết thầy ốm từ ngày hôm qua… Bảng đen giờ đã nhạt nhòa Buồn tênh bục giảng, la đà phấn rơi

  • Thơ: Người thầy

     Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  Xa thầy, xa lớp đã mười tám năm!                                          Nhớ thầy con trở lại thăm,                                     Rưng rưng ánh mắt giọng chan lệ nhòa.

  • Giáo dục Mầm non Lào Cai - 25 năm trên mảnh đất vùng cao biên giới

    Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho con trẻ. Đó là trọng trách lớn lao, là vinh dự và cũng là khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của cấp học này. Vì vậy, ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), giáo dục mầm non đã sớm được quan tâm củng cố, phát triển. Nhìn lại bối cảnh những năm đầu tái lập tỉnh cho đến hôm nay, mới thấy giáo dục mầm non đã có một bước tiến dài, khá nhanh, mạnh về quy mô và chắc về chất lượng.

  • Điểm sáng Lào Cai

    Lào Cai quê tôi Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đỉnh Phan xi păng vẫn bốn mùa nắng đẹp, Nơi vẻ đẹp tình người sáng dậy những vần thơ. ....

  • Công tác xóa mù chữ -25 năm gian nan và thành quả

    Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Vì vậy, ngay khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện. 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập