Tận tụy phục vụ đắc lực giáo dục Lào Cai

“Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cuối tháng Tám năm 1975, tôi hăm hở ra Ga Hà Nội đáp tàu hỏa lên Lào Cai dạy học. Hai giờ sáng, con tàu hì hục khởi hành; vài ba ga lại dừng, để nạp thêm than, nước. Chiều, tàu qua Ga Cổ Phúc. Những tên ga xa ngái lần lượt trôi qua: Ngòi Hóp, Trái Hút, Lang Khay, Lang Thíp, …Làng Giàng. Lau, nứa um tùm. Nhiều đoạn, đường ngoằn nghoèo; tàu đi như rắn bò ven sông Hồng. Chạng vạng, tàu đến Ga Lào Cai. Sân Ga sừng sững hai cây tếch cổ thụ. Qua Cửa hàng rau, quả biên giới trước cửa Ga, tôi rẽ phải lên Phố Tèo vào quán trọ. Hôm sau, tôi đến Ty Giáo dục. Năm ấy, tôi tròn hai mươi hai… Lóang cái, nay đã sáu mươi. Ba mươi tám năm sau, tôi mới quay về Hà Nội làm việc. Sung sướng quá”.   

  Một buổi chiều tháng Sáu năm 2013, thầy Trương Kim Minh vui vẻ kể; chúng tôi đến thăm Thầy tại Trụ sở Ban Quản lý Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN): Nhà 3B, Phố Thể Giao, Hà Nội. Được nghỉ hưu, Thầy về làm Tư vấn Dự án. Khi đương chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, chưa lần nào Thầy vui như lần này. Ba mươi tám năm công tác, Thầy đã tận tụy  phục vụ đắc lực giáo dục Lào Cai.
Quên sao được những tháng năm gian khổ
Trước khi lên Tỉnh để đảm nhận trọng trách Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2003, Thầy công tác ở huyện Bảo Thắng hai mươi hai năm. Mải miết dạy học ở trường Sư phạm Lào Cai, rồi Hoàng Liên Sơn, năm 1981 Thầy về dạy Văn trường Phổ thông cấp 3 huyện Bảo Thắng. Vợ và con Thầy ở trường này. Tháng Tám năm 1984, Ty Giáo dục Hoàng Liên Sơn điều động Thầy sang Phòng Giáo dục huyện Bảo Thắng; Huyện giao Thầy làm Phó Trưởng phòng. Từ năm 1986 đến năm 2000, Thầy đảm trách vị trí Trưởng phòng.
Thầy nhận xét: “Đó là Mười năm gian khổ nhất của các nhà giáo; trong đó có tôi”.
Chiến tranh Biên giới khai hỏa ngày 17 tháng Hai năm 1979; hơn chục năm sau mới ổn, Khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. Tiền mất giá; lương thực, hàng tiêu dùng khan hiếm, đắt đỏ; lương tháng chậm. Giáo viên xoay đủ nghề để tự cứu. Trường sở tiêu điều, phòng học xiêu vẹo. Nhiều giáo viên bỏ ngành. Thầy cùng cán bộ Phòng đến từng trường vận động giáo viên bám trường, lớp. Thầy tham mưu Huyện: Vận động nông dân bán thóc cho giáo viên, trừ thuế; Nông trường Phong Hải, Lâm trường Bảo Thắng, Công trường xây dựng Nhà máy tuyển quặng Tằng Loỏng mua lương thực giúp giáo viên ở địa bàn sản xuất, thi công. Cùng thầy Cù Huy Chí - Thư ký Công đoàn giáo dục huyện, Thầy tới tất cả các trường học, cơ quan, đơn vị quân đội và Ủy ban nhân dân xã. Các trường dựa vào dân, vượt thiếu đói để củng cố đội ngũ. Trong bối cảnh ấy, Thầy chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động chuyên môn ở các trường. Nhiều người thấy lạ, khuyên Thầy: “Đời sống nhếch nhác, thiếu đói thế này, tổ chức hội giảng, chuyên đề lúc này, rất hình thức”. Thầy nói “Chúng mình có gì để động viên anh em, ngoài hoạt động này? Thế là hội giảng , hội thảo chuyên đề khắp các cụm trường; vui đáo để. Tổ chuyên môn trường nào cũng dồn sức dự giờ, trao đổi, luyện tập, xây dựng nhân tố và nền nếp lớp học. Bàn giáo viên trên lớp được phủ tấm vải nhựa; bảng lớp học được bôi đen bằng lá nhọ nồi trộn lá khoai. Trường sở được quét dọn, chỉnh trang; trên băng rôn đỏ, nổi bật dòng chữ “Dù khó khăn đến đâu, cũng phải dạy thật tốt, học thật tốt”. Bộ đội, thanh niên đến trường giúp sửa bàn ghế, phên vách, bục giảng, vườn hoa. Đầu mỗi tiết học, học sinh hát vang vang. Công đoàn trường học cử người ra cửa hàng duyệt pin đèn, khăn mặt, xà phòng làm phần thưởng. Nhà trường cử người đến Trụ sở Hợp tác xã duyệt mua thóc cho giáo viên. Giáo viên được nâng cao nghiệp vụ; học sinh được hưởng các giờ dạy hay. Như người vừa ốm dậy, trường học hồi phục sau từng năm học; giáo dục Huyện bắt đầu khởi sắc. 
Đầu tháng Tám năm 1991, Hội nghị Tổng kết năm học 1990-1991 và triển khai nhiệm vụ năm học 1991-1992 ngành giáo dục Hoàng Liên Sơn - Hội nghị toàn ngành cuối cùng. Kết thúc Hội nghị, bác Lê Đôn (Giám đốc ), bác Trần Văn Phúc (Phó Giám đốc) yêu cầu tôi báo cáo tình hình các cơ quan tỉnh chuẩn bị điểm tập kết tại huyện.  Bác Phúc dặn dò: “Cậu ở lại đây; sáng mai đi cùng đoàn”. Bác Phúc dẫn đoàn cán bộ lên huyện tiền trạm, sẵn sàng tập kết khi tách tỉnh. Từ năm 1990, bác Đôn bảo tôi báo cáo Huyện, tìm cách mua lại Xí nghiệp bánh kẹo ở thị trấn Phố Lu, để làm trường Bồi dưỡng Giáo dục ; duyệt chi tiền xây nhà khách tại Phòng. Bảo Thắng là nơi tập kết các cơ quan đầu não tỉnh và nhiều ngành. Trụ sở Phòng, trường Trung học phổ thông, trường Bồi dưỡng giáo dục huyện được chuẩn bị gấp, kịp đón cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai. Bác Phúc giao: “Cậu phối hợp Phòng Kế hoạch Sở và Công ty Xây dựng số 1 khẩn trương tu tạo nhà cửa, bổ sung thiết bị, cho trường Liên cấp THCS-THPT Tằng Loỏng kịp khai giảng”. Khai giảng vừa xong, thì cơ quan Sở tập kết. Tuy chỗ ăn, ở, làm việc còn nhiều tạm bợ; nhưng tâm trạng mọi người đều vui vẻ, hy vọng. Có người lãng mạn, gọi  sự kiện tách tỉnh, trở về Lào Cai là “Tây tiến”, “Dời đô”, “Trả lại tên cho em”.
Lịch sử tỉnh Lào Cai sang trang; lắm gian nan, nhưng rất hào hứng và nhiều thành tựu.
Phổ cập giáo dục tiểu học, Chống nạn mù chữ trường kỳ, cam go 
Hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 01/HĐBT, ngày 01/01/1990, của Hội đồng Bộ trưởng, Về công  tác chống nạn mù chữ, kết quả không mấy khả quan. Ngày 12/8/1991,  Quốc hội khóa VIII công bố Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, thì nhiệm vụ Chống nạn mù chữ và Phổ cập giáo dục càng cấp bách. Mười năm phục hồi, củng cố, phát triển để Chống nạn mù chữ và Phổ cập giáo dục tiểu học bền vững thật trường kỳ, cam go bắt đầu. Thầy tìm mọi cách để tách nhanh khối tiểu học khỏi trường phổ thông cơ sở; mở lớp học đến cụm thôn bản hoặc thôn bản. Phương châm: “Trường gần dân, quy mô nhỏ, thầy tìm trò”, phương thức “Một nhà trường, hai nhiệm vụ” bị quên lãng; nay Thầy kiên trì vận dụng. Lớp Xóa mù chữ, Phổ cập nhiều như măng sặt. Huyện thiếu nhiều giáo viên tiểu học. Thầy báo cáo Sở, cho phép hợp đồng giáo viên, đào tạo giáo viên 9+1 tại huyện, gửi học sinh đào tạo chính quy, cấp tốc hệ 12+1 tại các trường sư phạm; điều giáo viên THCS (tạm thời dôi dư) dạy tiểu học; mở rộng lớp ghép ở thôn bản vùng cao. Mô hình lớp ghép tiểu học, lớp Mầm non của Bộ  được Thầy nhân rộng thành công. Thầy viết Dự án, xin tổ chức HAV ở Đức tài trợ, xây trường Dân tộc nội trú huyện khang trang, kiên cố. Để có hiệu quả, Thầy tích cực tập huấn nghiệp vụ, quản lý hoạt động PCGDTH-CMC  cho cán bộ, giáo viên và cán bộ Ban Chỉ đạo câc xã. Từ năm 1996, Thầy chỉ đạo giáo dục Bảo Thắng chuyển trọng tâm từ “lượng” sang “chất” một cách bài bản, hệ thống để kết quả PCGDTH bền vững. Bảo Thắng đạt chuẩn PCGDTH - CMC năm 1998. Từ tháng Tư năm 1999, Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn PCGDTH-CMC, kinh nghiệm của Bảo Thắng được Sở phổ biến, góp phần thúc đẩy tỉnh Lao Cai đạt chuẩn PCGDTH - CMC năm 2000 (trước 3 năm so với mục tiêu kế hoạch). Giáo dục huyện Bảo Thắng vươn mình lớn mạnh, trở thành điểm sáng. Toàn tỉnh nức lòng, tin tưởng.
Vị trí, vai trò mới và thành tựu giáo dục mới
Từ năm 2000, thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Thầy cùng cấp ủy lãnh đạo tổ chức chính trị ở địa phương phát triển giáo dục. Theo đó, các trường Chuẩn Quốc gia lần lượt được công nhận; xã hội hóa giáo dục đạt trình độ cao; đảng viên và tổ chức Đảng trường học tăng đáng kể; vị thế nhà giáo được củng cố.  
Đầu năm 2003, Thầy lên Sở Giáo dục và Đào tạo, đảm đương vị trí Phó Giám đốc, rồi Giám đốc tới đầu năm 2013. Mười năm lãnh đạo ngành, Thầy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh.  Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập Trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi rất cam go, quyết liệt. Thầy tham mưu Tỉnh và đứng mũi, chịu sào để đưa con thuyền giáo dục Lào Cai vượt sóng, đón gió, tiến tới đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi năm 2005, THCS năm 2007, Mầm non năm 2013. Đó là bước đi bài bản, hệ thống, bền vững. Trường trường chuyên, chất lượng cao, công lập hóa trường bán công, trường lớp bán trú dân nuôi thực thi ở thời kỳ này. Thầy dành nhiều công sức, tâm huyết đổi mới quản lý tài chỉnh, phân bổ kinh phí giáo dục, nâng cao trình độ, xã hội hóa giáo dục, vận động các ngành, đoàn, hội các cấp chung tay, vào cuộc. Nhiều Chương trình, Dự án giáo dục được Thầy làm đòn bẩy, tạo đột phá về cơ sở vật chất  trường học, phương pháp dạy học. Kiên cố hóa trường, lớp học; bộ ba Dự án: Tiểu học, THCS, THPT; Dạy học tích cực; Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục; Giáo dục song ngữ; Xây dựng môi trường thân thiện vì trẻ em; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Trường học mới v.v. đã trở thành niềm tự hào của người Lào Cai. Tham mưu cho Tỉnh nhiều biện pháp, Thầy mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Qua thực tiễn tổ chức trường, lớp bán trú và hội nghị, hội thảo, Thầy góp trí với Bộ trình Chính phủ ban hành chính sách trường, lớp bán trú. Triển khai chủ trương của Tỉnh, Thầy hợp tác với Học viện Hồng Hà, các trường đại học Trung Quốc đào tạo nhân lực cho tỉnh; vận động Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ để xây trường tiểu học ở xã Gia Phú (Bảo Thắng), Trịnh Tường (Bát Xát). Các tổ chức Quốc tế, Phi Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ngợi khen Thầy. Kế thừa thành tựu giáo dục thời kỳ 1991 - 2003, gắn bó với các bậc lãnh đạo Sở tiền nhiệm: Trần Văn Phúc, Cao Văn Tư, Lý Seo Chúng, Thầy đã cùng các Phó Giám đốc Lý Văn Đại, Trần Thị Thắm, Nguyễn Anh Ninh,  Dương Bích Nguyệt, cán bộ quản lý, chỉ đạo các cấp, nhà giáo, nhân viên, học sinh, nhân dân cả tỉnh tôn tạo, phát huy; rồi tự hào khắc vào “Lịch sử Giáo dục tỉnh Lào Cai” dòng chữ:  
“Thời kỳ 2003- 2012, giáo dục tỉnh nhà có nhiều thành tựu, phát triển mạnh mẽ”
Chia tay chúng tôi, Thầy nói: “Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Thành tựu giáo dục Lào Cai hai mươi nhăm năm, nhờ có: Nhân dân hiếu học; đảng bộ, chi bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp hành động quyết liệt, sáng tạo, năng động; các nhà giáo, cán bộ quản lý-chỉ đạo giáo dục cừ khôi; Bộ GD&ĐT giúp đỡ. Tôi thành đạt, đều do tỉnh Lào Cai đào tạo và rèn luyện”./.

Cẩm Tú - Thành phố Lào Cai

Thành tựu giáo dục nổi bật
  • Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

    Danh sách các nhà giáo ưu tú tỉnh Lào Cai tính đến năm 2016

  • Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội

    Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

  • Những bài học kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

    Sự nghiệp Giáo dục Đào tạo tỉnh Lào Cai đã khởi đầu từ khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám và đã đạt nhiều thành tựu lớn lao qua các giai đoạn lịch sử. Trước 1991, Lào cai đã nỗ lực phấn đấu xóa mù chữ, xây dựng trường lớp tiểu học ở tất cả các xã, phát triển Trung học cơ sở ở vùng thấp và mở trường Trung học phổ thông ở các huyện và thị xã, thành lập mộ số trường Trung học chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo đã nâng cao dân trí cho một bộ phận dân cư, tạo nguồn và nâng cao trình độ cán bộ các cấp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà và của cả nước, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.

  • Thơ: Vắng thầy

    Trống trường đã điểm từ lâu Bâng khuâng cả lớp nhìn nhau, đợi thầy Vẫn chờ từng phút từng giây Dẫu biết thầy ốm từ ngày hôm qua… Bảng đen giờ đã nhạt nhòa Buồn tênh bục giảng, la đà phấn rơi

  • Thơ: Người thầy

     Thời gian thấm thoắt thoi đưa,  Xa thầy, xa lớp đã mười tám năm!                                          Nhớ thầy con trở lại thăm,                                     Rưng rưng ánh mắt giọng chan lệ nhòa.

  • Giáo dục Mầm non Lào Cai - 25 năm trên mảnh đất vùng cao biên giới

    Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho con trẻ. Đó là trọng trách lớn lao, là vinh dự và cũng là khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của cấp học này. Vì vậy, ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), giáo dục mầm non đã sớm được quan tâm củng cố, phát triển. Nhìn lại bối cảnh những năm đầu tái lập tỉnh cho đến hôm nay, mới thấy giáo dục mầm non đã có một bước tiến dài, khá nhanh, mạnh về quy mô và chắc về chất lượng.

  • Điểm sáng Lào Cai

    Lào Cai quê tôi Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nơi đỉnh Phan xi păng vẫn bốn mùa nắng đẹp, Nơi vẻ đẹp tình người sáng dậy những vần thơ. ....

  • Công tác xóa mù chữ -25 năm gian nan và thành quả

    Xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Vì vậy, ngay khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ (XMC) nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện. 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập