“Thắp lửa” nơi địa đầu Tổ quốc

Năm 2010, Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ, xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia  mức độ 1. Để đạt được kết quả đó, thầy và trò nơi đây đã không ngừng cố gắng trong công tác dạy và học. Ngoài điểm trường chính được đặt ngay trung tâm xã thì còn có 5 điểm trường ở các thôn như: Thàng Chư Pếnh, Sà Khái Tủng, Sì Ma Tủng 1 và 2, nhưng xa và khó khăn nhất phải kể đến điểm trường tại thôn Bản Phố.

 

                               Giờ học của các em lớp 4+lớp 5.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tả Ngài Chồ cho hay: "Bản Phố là điểm trường khó khăn nhất, vừa xa trung tâm, đường đi lại rất khó, nên trước kia, các thầy - cô giáo thường phải ngủ lại thôn. Nay đường được mở rộng hơn, xe máy có thể đi được đến trường, nên các thầy - cô sáng đi, chiều về. Vào ngày mưa, đường trơn, cộng với cái rét buốt xuống đến 2 - 30C không nói ngồi xe máy, dù ở trong chăn vẫn thấy lạnh. Vậy nhưng, các thầy - cô giáo hàng ngày vẫn thức khuya dậy sớm rời khỏi nhà khi trời còn phủ đầy sương để mang "con chữ" đến với các em nhỏ.

Đến điểm trường Bản Phố, trước mắt chúng tôi là những đứa trẻ hồn nhiên, nhưng vẫn có chút rụt rè. Thấy người lạ nên các em không dám đến gần bắt chuyện mà chỉ đứng xa cười chỉ trỏ cho nhau.

Phòng làm việc của các thầy, cô giáo thật đơn sơ với chiếc bàn gỗ đã cũ và một bộ ấm pha chè lâu năm, góc phòng treo lủng lẳng những chiếc cặp lồng. Khi thấy tôi đang mải nhìn, thầy giáo Khương có vẻ e ngại nói với vẻ phân bua: "Đấy là bữa trưa của các thầy, cô đấy. Trước tổ chức nấu ăn, bây giờ mới tổ chức lại lớp học sau tết nên chưa nấu ăn được, phải mang cơm từ nhà đi".

Điểm trường Bản Phố có 5 lớp học với 28 học sinh, dù trời nắng hay mưa, các em không hề nghỉ học, hầu hết các em đều rất ngoan và có tinh thần hiếu học. Do số lượng học sinh ít và cơ sở vật chất còn thiếu, nên mỗi thầy phải dạy hai lớp. Mỗi phòng học có hai lớp ngồi quay lưng vào nhau học, không vì thế mà học sinh mất trật tự hay không nghe giảng. Nếu tính ra trung bình mỗi thầy, cô một ngày phải dạy tới 4 lớp, sáng hai lớp và chiều hai lớp, nhưng các giáo viên ở đây vẫn hoàn thành tốt công tác giảng dạy.

Các em học sinh nơi đây hầu hết là con em đồng bào Mông vốn chỉ quen với cái cuốc, cái cày, nên việc học hành không được quan tâm như những vùng khác. Có những hôm trời rét, vừa mới vượt qua 20 km để đến lớp, nhưng không thấy có học sinh, các thầy - cô giáo lại phải vào trong thôn vận động và đưa từng em đến lớp. Theo thầy Khương, cái khó khăn nhất mà thầy - cô gặp phải là sự bất đồng về ngôn ngữ, các em đều là học sinh tiểu học nên việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông với các em rất khó. Thầy nói: "muốn các em hiểu mình nói gì, trước hết mình phải hiểu các em nghĩ gì". Vì thế, các thầy đã học tiếng địa phương để có thể giao tiếp với học sinh sau những giờ giải lao, giúp tình cảm thầy - trò ngày càng gắn bó, thân thiện hơn. Là một giáo viên lâu năm, thầy còn khẳng định: "muốn học sinh đi học đều thì mình phải làm tốt công tác dân vận, trước hết là phải tạo được mối quan hệ tốt giữa thầy giáo và phụ huynh học sinh".

Vượt qua tất cả những khó khăn để mang chữ đến với trẻ em vùng cao, tôi thầm nghĩ không có sức mạnh nào bằng lòng yêu nghề. Tạm biệt điểm trường Bản Phố, tạm biệt ánh lửa đang rực cháy xua tan đi cái lạnh giá trên vùng cao, tôi mong các thầy - cô nơi đây luôn vững tay chèo để tiếp tục đưa những con đò sang sông, đến với bến bờ tương lai tươi sáng trên vùng cao Mường Khương.

Lìu Seo Dìn 

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập