Bộn bề nỗi lo đầu năm học mới


Chị Nguyễn Thị Mai, một người buôn bán nhỏ ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, thổ lộ: Mỗi dịp vào đầu năm học mới, nghĩ chuyện đóng tiền học cho con mà lo. Hai con chị, một cháu học lớp 2, một cháu học lớp 8, nhưng năm ngoái chị phải đóng một khoản tiền gần 3 triệu đồng cho 2 cháu, trong đó có cả khoản tiền do ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp theo hình thức "tự nguyện" với các khoản tiền: Xây dựng cơ sở vật chất, quỹ lớp, quỹ phụ huynh, nước uống, tiền vệ sinh môi trường, tiền gửi xe đạp, tiền bảo vệ… Tôi nghĩ năm nay giá cả tăng cao, số tiền đóng góp đầu năm có thể cao hơn!

Vào thời điểm này, hầu hết các trường trên địa bàn chưa tổ chức họp phụ huynh học sinh, vì vậy cũng chưa thấy các ý kiến phản ánh về các khoản thu của các nhà trường trong năm học này. Tuy nhiên, những nỗi lo về các khoản tiền đóng góp theo hình thức tự nguyện vẫn canh cánh trong lòng các bậc phụ huynh.

Theo quy định mới của Sở Giáo dục - Đào tạo, cha mẹ học sinh có quyền từ chối các khoản đóng góp mà Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và không đúng nội dung chi mà cha mẹ học sinh thoả thuận.

Chị Hoàng Thị Lan, phường Bắc Cường, có con học tiểu học cho biết: Vẫn biết rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động hỗ trợ học sinh, đó là việc hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc, tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng công chức, tôi vẫn rất lo lắng với khoản tiền "tự nguyện" đó!

Đối với trường ở vùng nông thôn, các khoản tiền đóng góp tự nguyện có thể ít hơn, nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Oanh, nông dân ở xã Gia Phú (Bảo Thắng) có con đi mẫu giáo 5 tuổi, cũng phải bán lợn, gà, thóc mới đủ tiền nộp học cho con.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Thời gian qua, việc huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt các trang - thiết bị tại các trường học trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả, nhằm xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn bộc lộ tồn tại một số vấn đề đáng quan tâm như: ở một số cơ sở giáo dục, việc huy động các khoản thu không mang tính vận động, tự nguyện, các khoản thu chưa phù hợp với thu nhập của người dân; vẫn còn tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục công lập; sử dụng quỹ đóng góp chưa hợp lý, chưa rõ ràng, minh bạch đã gây bất bình trong nhân dân và phụ huynh học sinh.

Để khắc phục tình trạng trên và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, chấn chỉnh việc thực hiện quy định của pháp luật về thu phí và lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung cụ thể: Đối với các khoản thu theo quy định (học phí, lệ phí) của UBND tỉnh, học sinh các trường tiểu học không phải nộp học phí; học sinh các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học sinh bổ túc trung học phổ thông, trong khi chờ mức thu học phí mới, các đơn vị vẫn thực hiện thu theo Quyết định số 15/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh về việc điều chỉnh mức thu học phí, lệ phí đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn; học sinh là con đối tượng chính sách được hưởng ưu đãi. Đối với những khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, yêu cầu các nhà trường cần dân chủ, công khai, có văn bản thoả thuận tới từng cha mẹ học sinh về cả mức thu, nội dung chi với nguyên tắc thu đủ, chi đúng theo từng nội dung, trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong ban giám hiệu nhà trường. Đối với trường có lớp học bán trú, lớp học 2 buổi/ngày, liên quan đến việc ăn, ở của học sinh, nhà trường bàn với cha mẹ học sinh thống nhất các nội dung thu, chi. Các khoản thu theo thoả thuận gồm: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền thuê cấp dưỡng, tiền trông coi buổi trưa, tiền mua đồ dùng cá nhân (đối với cấp học có tổ chức bán trú), tiền nước uống, tiền vệ sinh, điện, nước, bảo vệ… Ngoài ra, học sinh sẽ còn phải đóng một số khoản "thu hộ" gồm tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, quỹ đoàn, đội. Trong văn bản hướng dẫn tăng cường quản lý các khoản thu, chi trong các trường học năm học 2011 - 2012, Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu tất cả các khoản thu nhà trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh về các mức thu, nội dung chi với nguyên tắc thu đủ, chi theo từng nội dung, trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong ban giám hiệu nhà trường. Nghiêm cấm việc chi sai mục đích, không tuỳ tiện lập các quỹ để ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.

Đóng góp của phụ huynh học sinh cho con em mình đi học là trách nhiệm của gia đình và là một khoản đầu tư cần thiết cho tương lai, đây cũng là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa giáo dục. Nhưng đóng góp như thế nào, với mức là bao nhiêu, tiền đó sử dụng vào mục đích gì thì rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành ở địa phương, nhất là phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn để các khoản đóng góp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng địa phương, phát huy hiệu quả xã hội, tránh tình trạng mượn danh "tự nguyện" để lạm thu, làm ảnh hưởng đến phong trào chung.

Thu Phương - LCĐT

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập