Con chữ nơi vùng cao Sín Chéng

Gặp nhau tại trụ sở làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng Cư Seo Chúng hồ hởi bắt chặt tay và bày tỏ: "Con đường từ huyện vào trung tâm xã lởm chởm do gần đây nhiều công trình hạ tầng của xã được nhà nước đầu tư xây dựng, nên lưu lượng xe vận chuyển vật liệu lớn, khó tránh khỏi xuống cấp, huyện đã có kế hoạch nâng cấp. Nhưng nhờ có con đường này mà đến nay cả 5 điểm trường chính và một số phân hiệu của xã đã được xây dựng khang trang, bà con nhân dân đều phấn khởi, trẻ em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ".

 

                     Giờ học ở trường mầm non.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là Trường Mầm non. Cô giáo Lê Thị Thúy - Hiệu trưởng, phấn khởi cho biết, nhà trường có được cơ ngơi khang trang này cũng là nhờ địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Toàn trường hiện có 19 nhóm lớp với 351 trẻ và trong số 30 cán bộ, giáo viên thì có đến 16 giáo viên là người dân tộc thiểu số trong huyện. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt của nhà trường trong việc tuyên truyền vận động học sinh ra lớp, đến trường. Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, vì vậy việc vận động các gia đình cho con em mình đi học gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông. Có nhiều trường hợp do hoàn cảnh gia đình, các em không được đến lớp, các thầy, cô giáo phải tìm đến tận nhà, đồng thời tham gia các hoạt động sinh hoạt của thôn, bản để động viên gia đình tạo điều kiện cho các em được đến trường. Cô giáo Cư Thị Cống là một điển hình về vận động học sinh ra lớp. Vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, sau khi tốt nghiệp sư phạm hệ 9+3, cô quyết định về quê dạy học. Với sự ân cần chu đáo, cô và đội ngũ giáo viên nhà trường đã tạo được niềm tin với phụ huynh và sự yêu mến của trẻ nhỏ, vì thế học sinh đi học đều hơn, trường học luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười, tiếng đọc bài ê a của con trẻ.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đồng thời phát động phong trào làm đồ dùng đồ chơi tự tạo. Từ những vỏ lon bia, chai nhựa, vỏ hộp bánh kẹo... được những đôi tay khéo léo, sự tưởng tượng phong phú của các cô giáo trong trường tạo ra hàng trăm bộ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học của cô và trò nhà trường, không những tiết kiệm được hàng triệu đồng mà còn là giáo cụ trực quan sinh động giúp trẻ tiếp thu bài học một cách hứng thú. Các cô giáo ở đây đóng vai trò người mẹ thứ hai của trẻ nhỏ, giúp hướng dẫn các em từ việc vệ sinh cá nhân và chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ hàng năm đạt 98% - 100%, trẻ kênh A đạt trên 97%.

            Giờ tập thể dục của học sinh Trường THCS Sín Chéng.

Còn Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng có khu vui chơi giải trí, hàng cây xanh tốt và khu ở nội trú khang trang. Năm học 2010 - 2011, toàn trường có 221 học sinh ở 12 lớp, nhưng có tới 124 em ở nội trú. Nhằm đảm bảo cho học sinh ở nội trú, nhà trường đã phân công các thầy, cô giáo luân phiên trực, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn giúp các em sinh hoạt và học tập.

Học sinh ra lớp đều thì việc nâng cao chất lượng khá thuận lợi. Nhà trường đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, học sinh như: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phong trào "Hai không", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"; đặc biệt là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Cô giáo Bùi Thị Thường, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo, yếu tố quan trọng trong duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sín Chéng làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cùng với nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, hàng năm, xã đã huy động được hàng nghìn ngày công lao động xây dựng và tu sửa trường lớp học, làm sân trường, lớp học ở các phân hiệu; đóng góp 12 - 13 tấn lương thực phục vụ học sinh nội trú; xây dựng nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài gần chục triệu đồng khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập.

Với tấm lòng yêu nghề, vượt lên những khó khăn, trở ngại, đội ngũ thầy, cô giáo đang làm chuyển biến trong nhận thức của người dân, tiếp sức cho học sinh vùng cao đến trường, vun đắp ước mơ của tuổi trẻ.

Đinh Viết Vinh

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập