Đẩy mạnh xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong các trường tiểu học ở TP Lào Cai

Bà Đỗ Thị The, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Đối với hệ thống trường tiểu học trên địa bàn, những năm học đầu mới triển khai phong trào, chủ yếu tập trung trang trí trường lớp; xây dựng công trình vệ sinh trong các trường học; vận động học sinh chăm sóc di tích lịch sử, công trình văn hóa ở địa phương. Năm học 2010 - 2011, phong trào đã phát triển đi vào chiều sâu với việc triển khai dạy và học theo chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng; phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm - CCM (phương pháp đóng vai, trò chơi học tập, thảo luận nhóm...) làm chủ đạo, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tất cả các hoạt động…

 

                  Một tiết học ở Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ

Trong các nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", vấn đề đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố quyết định. Đánh giá chung cho thấy, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, coi đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giáo viên, do đó giáo viên phải đổi mới cách thiết kế bài học, cách tổ chức các hoạt động giáo dục và đánh giá - xếp loại học sinh. Trong đó, không thể không nhắc đến phương pháp dạy học theo góc. Tuy mới được áp dụng trong các trường tiểu học ở thành phố Lào Cai từ đầu năm học 2010 - 2011, nhưng phương pháp này đã thể hiện hiệu quả trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy. Cô giáo Bùi Thị Kim Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: Lúc đầu áp dụng phương pháp này, giáo viên có tâm lý e ngại vì vất vả hơn hẳn so với cách dạy truyền thống, do phải chuẩn bị cho tiết học rất chi tiết, kỹ càng. Sau một vài tiết học, thấy học sinh phấn khởi, hứng thú và việc tổ chức cho học sinh làm chủ kiến thức đã mang lại hiệu quả rõ rệt, bản thân giáo viên cũng được hợp tác, chia sẻ và hòa nhịp với sự say mê của các em. Từ đó, giáo viên có thêm những sáng tạo thú vị từ suy nghĩ, cách trình bày và những ý tưởng mà học sinh nêu ra. Trong giờ học, học sinh được tự do phát biểu, tương tác với thầy - cô giáo, với các bạn, tạo không khí thoải mái, cởi mở trong giờ học. Thầy - cô giáo không chỉ là người thiết kế bài giảng cho học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức mà còn là địa chỉ tiếp nhận phản ánh từ phía học sinh, khuyến khích học sinh phát huy được tính chủ động, sáng tạo.

              Giáo viên Trường THCS Kim Đồng dạy học sinh nấu ăn.

 Còn cô giáo Đỗ Thị Gấm (Trường Tiểu học Kim Đồng) cho rằng: Phương pháp mới tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện kiến thức của mình, được khám phá, trao đổi nên phát huy tính chủ động của mỗi em. Bên cạnh đó, các bài giảng bổ trợ sử dụng màn hình trình chiếu, bảng tương tác (bảng thông minh) giúp các em mở rộng kiến thức, tăng vốn ngôn ngữ, được trải nghiệm.

Theo cô Triệu Thị Trà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thì phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm - CCM, dạy học theo góc giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội được tương tác với bạn, tương tác với giáo viên. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đồ dùng học tập sẽ đơn giản và ít tốn kém hơn, do các nhóm luân phiên sử dụng, không phải chuẩn bị đầy đủ mỗi em (hoặc mỗi nhóm) 1 bộ như trước.

Sự chuyển biến tích cực của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" sau một giai đoạn triển khai (2007 - 2010) trong các trường tiểu học ở thành phố Lào Cai rất rõ nét. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh nêu vấn đề mà trường đã áp dụng, đó là dạy học tích hợp. Phương pháp này tích hợp các môn học, bài học, nội dung học với các hoạt động ngoài nhà trường, như tham quan, dã ngoại. Hoạt động này giúp các em hiểu rõ hơn về bản chất, nội dung bài học trên lớp, như về thiên nhiên, con người, địa lý… Điển hình về hiệu quả các chương trình dã ngoại, hoạt động ngoài trời cho học sinh phải kể đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ. Ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch, được cha mẹ học sinh đánh giá cao và hưởng ứng tích cực. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Thủy (Trường Tiểu học Lê Văn Tám) cho rằng: Đặc thù của học sinh tiểu học, thời gian ở trường, tiếp xúc với bạn bè, thầy - cô nhiều hơn ở nhà với bố mẹ. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em là hết sức quan trọng.

Theo đánh giá của Phòng GD - ĐT thành phố Lào Cai, một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất ở các nhà trường khi tham gia phong trào là cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt; khuôn viên trường học được xây dựng mới xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn trước. Thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", năm học 2010 - 2011 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục thành phố tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống của phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", làm cho các nhà trường đều tự giác thực hiện khẩu hiệu "Kỷ cương, Tình thương, Trách nhiệm"; "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"; mỗi học sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, năng động, linh hoạt và có những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Phạm Đức 

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập