Điểm sáng về chất lượng giáo dục

                            Chăm lo đời sống tốt để dạy và học tốt

      Bước vào cổng trường, mọi người sẽ thấy ngay một khung cảnh tươi xanh, sạch sẽ. Cây bóng mát ngay hàng thẳng lối. Các bồn hoa, cây cảnh được xén tỉa, chăm chút đẹp đẽ. Bước vào các khu nhà, từ các phòng làm việc đến phòng hội đồng giáo viên đều ngăn nắp, nền nếp, các bảng thông báo, lịch công tác và nơi để tài liệu, sổ sách đều gọn gàng, các dòng chữ viết cẩn thận, ngay ngắn, làm gương cho học sinh. Các lớp học, các phòng ở của học sinh trong nhà ngoài hiên không vương một mẩu rác nhỏ, không bụi bặm, nền gạch hoa sạch bong. Từ sân chơi đến sân nhà ăn, nơi phơi quần áo đều sạch sẽ. Nhà trường phân công từng lớp phụ trách các khu vực, các em tự giác giữ gìn, quét tước theo lịch và có thói quen giữ vệ sinh sạch đẹp. Các phòng ở nam sinh và nữ sinh đều sạch sẽ, giầy dép xếp thành hàng ngay ngắn, chăn màn gấp đều theo mẫu chung do đã được rèn luyện thành thói quen. Hai lớp có một máy giặt để các em luân phiên giặt và vắt quần áo cho chóng khô, trong điều kiện sương mù và độ ẩm cao. Nhà bếp có lò bếp than tổ ong đun nước nóng cho các em thay phiên nhau tắm 2 ngày một lần. Vào nhà ăn, hàng bàn ăn sạch sẽ, xếp thằng hàng. Ghế nhựa xếp chồng gọn ghẽ. Nhà bếp nấu bằng bếp ga, sạch gọn, an toàn. Các cô cấp dưỡng mặc áo bảo hộ, đeo tạp dề đang chia cơm và thức ăn vào các khay. Mỗi em có một khay riêng với các ngăn đựng cơm, canh và thức ăn mặn, có nắp đậy. Mở xem một khay: Cơm trắng chín nục, dẻo thơm, một ô canh rau bắp cải và một ô đậu phụ kho. Các cô cấp dưỡng cho biết: Cơm và thức ăn cho các em ăn đủ no, sạch sẽ và tương đối ngon ngon, là điều các cô thường nhắc nhau chăm lo. Ăn xong, lớp trực tuần rửa khay và bát đũa dưới sự hướng dẫn của các cô. Cơm và thức ăn thừa đổ gọn vào thùng để nuôi lợn. Nhà bếp thường xuyên mua lợn về vỗ béo, chuồng lợn rất sạch sẽ. Hai ba hôm, lại mổ một con để có thịt và mỡ cho bữa ăn. Được chăm sóc ăn, ở, tắm giặt như thế nên các em đều khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Suốt mấy năm nay, không em nào bỏ học hay xin nghỉ để về nhà. Ngày nghỉ cuối tuần đa số các em ở lại trường vui chơi và học tập, lâu lâu mới về thăm bố mẹ. Nhà trường chăm lo đời sóng tốt để các em yêu trường mến lớp và học tốt.

                      Điểm sáng về chất lượng giáo dục toàn diện

       Những năm chất lượng giáo dục tiểu học vùng cao còn yếu kém, nhà trường rất khó khăn trong việc bồi dưỡng để các em theo kịp chương trình. Có năm, nhà trường phải cho các em học lại kiến thức của lớp 4, lớp 5, phải luyện nói, luyện đọc luyện viết. Những năm gần đây, các xã vùng cao đều đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, việc tuyển sinh kết hợp xét tuyển với kiểm tra kiến thức, chất lượng lớp đầu cấp khá hơn trước. Tuy nhiên, các em  vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nền nếp sinh hoạt ở môi trường mới và rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và thực hành để đạt chuản kiến thức vững vàng và vươn lên khá giỏi. Sau nhiều năm phấn đấu, tập thể giáo viên nhà trường đều có kiến thức vững vàng, có kinh nghiệm và phương pháp giáo dục rèn luyện nền nếp và phương pháp giảng dạy học sinh các dan tộc vùng cao. Trên hết, các thày cô đều yêu thương các em học sinh. Mỗi giáo viên đều thấm nhuần yêu cầu giảng dạy các môn học, giáo dục ngoài giờ lên lớp và chăm lo đời sống đều là hoạt động chuyên môn. Mọi giáo viên đều làm việc 2 buổi tại trường, có phân công nhau quản lý hướng dẫn học sinh tự học buổi tối. Ngoài giờ lên lớp chính khoá, các em tự học có nền nếp, rất tự giác. Lãnh đạo nhà trường cho biết: Sau một học kỳ, học sinh lớp 6 từ các thôn bản tuyển về đã có thói quen, nền nếp tốt. Sau năm học lớp 6, các em được bổ sung và củng cố kiến thức và đảm bảo tiếp thu kiến thức mới theo yêu cầu chung, một số em khá bắt đầu xuất hiện. Từ lớp 7, học sinh của trường đều đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng  khá vững vàng, nhiều em trở thành học sinh khá giỏi.

      Vào thăm bất kỳ một phòng nào của học sinh cũng thấy các em ăn ở, sinh hoạt có nền nếp. Các em biết tự giới thiệu về mình đầy đủ, rõ ràng, dùng từ và phát âm khá chuẩn và em nào cũng hồn nhiên, tươi cười, tự tin khi chuỵen trò với khách. Bước đầu các em được giáo dục và rèn luỵen kỹ năng sống qua học tập nội khoá, ngoại khoá và qua tổ chức đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khi mới  11 tuổi, xa bố mẹ về sống với bạn, với thày cô, các em trở nên có nền nếp và tác phong như thế, là kết quả giáo dục nuôi dạy tốt của nhà trường.  

      Kết quả học kì I năm học 2010 – 2011, 88% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, còn lại là khá, chỉ có 1 em xếp loại trung bình, 15 học sinh xếp loại giỏi, 121 học sinh xếp loại khá, cả hai loại khá giỏi đạt 48%, chỉ có 6% xếp loại còn yếu. Năm 2009- 2010, nhà trường có 10 học sinh tham gia đội tuyển của huyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 em đã đạt giải trong đó có 3 giải nhất, 1 giải nhì. Thi tuyển vào lớp 10, trường xếp thứ nhất trong khối các trường Dân tộc nội trú, xếp thứ 24 trong số các trường Trung học cơ sở toàn tỉnh. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bậc Trung học cơ sở năm nay, trường có 16 học sinh tham gia đội tuyển của huyện Mường Khương, nhiều nhất trong các trường của huyện.

      Nhìn lại kết quả từ những năm trước, Trường Dân tộc nội trú Mường Khương đã đào tạo được nhiều học sinh khá giỏi, tiếp tục khá giỏi khi học len Trung học phổ thông. Tiêu biểu như em Sùng Sẩu dân tộc Mông ở La Pan Tẩn học lên Trung học ở trường Dân tộc Việt Bắc, đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, hiện đang học Đại học Sư phạm Hà Nội, em Vàng Seo Quáng  thi đỗ vào trường Đại học An Ninh. Em Lù Văn Dương, mồ côi cha mẹ, thi đỗ vào Đại học Tây Bắc, là tấm gương vượt khó, đến nay em vẫn nhận được sự động viên giúp đỡ của các thày cô…

      Với sự phấn đấu bền bỉ và đúng hướng, Trường Dân tộc nội trú Mường Khương đã đạt Trường chuẩn Quốc gia, trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục toàn diện trong khối các trường Dân tộc nội trú và các trường Trung học cơ sở của tỉnh.

                                        Cao Văn Tư - Hội Khuyến học tỉnh

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập