Hiệu quả từ chương trình giáo dục song ngữ ở Lào Cai
 Lớp học song ngữ ở Trường Tiểu học xã Sín Chéng 1 (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai).

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là chương trình được thực hiện từ bậc học mầm non bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh. Với chương trình này, các em học sinh dân tộc thiểu số sẽ được thầy, cô dạy đọc, viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của các em, giúp các em học hiểu tốt nhất. Tiếng Việt được dạy bằng phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai (dạy nghe, nói trước, sau đó dạy đọc, viết). Cả hai ngôn ngữ được sử dụng để dạy học trong cấp tiểu học. Đến cuối chương trình, học sinh đọc viết được bằng cả hai thứ tiếng. Ở Lào Cai, chương trình này được triển khai thí điểm ở các xã: Lao Chải (Sa Pa), Bản Phố (Bắc Hà) và Sín Chéng (Si Ma Cai), bậc học mầm non từ năm học 2007 - 2008 và bậc tiểu học từ năm học 2008 -2009. Thời gian qua, Lào Cai đã đào tạo được 50 giáo viên mầm non và hơn 100 giáo viên tiểu học dạy tiếng Mông để thực hiện chương trình này.

Sau 5 năm triển khai, chương trình dạy học song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ đối với học sinh dân tộc Mông của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ở bậc học mầm non, trẻ đều mạnh dạn, tự tin, tiếp thu kiến thức nhanh. Học sinh tích cực hơn trong việc tiếp thu kiến thức, biết hỗ trợ nhau trong học tập, được đưa ra ý kiến của mình bằng chính tiếng mẹ đẻ, từ đó, các em tự tin và luôn cố gắng học tập. Với bậc tiểu học, học sinh song ngữ tham gia hoạt động học tập sôi nổi hơn, có ý thức tự học, chất lượng học tập mang tính bền vững và hiệu quả cao hơn so với học sinh đại trà, thể hiện ở tỷ lệ học sinh khá giỏi và viết chữ đẹp.

Em Thào Văn Minh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học xã Sín Chéng số 1 là một trong những học sinh được học lớp song ngữ, em là học sinh giỏi, khi đi giao lưu tiếng Việt cấp tỉnh đã được giải Ba. Minh cho biết: Lớp 1 và lớp 2 được học bằng tiếng Mông em thấy dễ hiểu hơn. Em cũng được học nghe, nói bằng tiếng Việt nên khi lên lớp 3 có thể học bài bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt. Các bạn khác cũng rất thích học ở lớp song ngữ Việt - Mông… Theo kết quả khảo sát cuối năm học 2011 - 2012, ở bậc tiểu học, trong 88 học sinh học lớp 2 theo chương trình song ngữ thì 20,4% học lực giỏi; 38,6% học lực khá; 41% học lực trung bình; không có học sinh yếu kém.

Năm học 2012 - 2013, mô hình dạy học song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ ở các trường được nhân rộng. Bậc mầm non có 12 lớp với 228 trẻ; bậc tiểu học có 10 lớp thực nghiệm (5 lớp 3 và 5 lớp 4) với 181 học sinh và 18 lớp nhân rộng với 324 học sinh. Trong đó, ngoài Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai thì năm nay mô hình này bắt đầu được nhân rộng với 1 lớp 1 và 1 lớp 2 ở Mường Khương.

Thầy giáo Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà) cho biết: Năm học này, ngoài các lớp đại trà, nhà trường có 4 lớp học thực nghiệm và 4 lớp được nhân rộng theo chương trình dạy học song ngữ với tổng số 133 học sinh. Trường hiện nay có 8 thầy, cô giáo dạy ở các lớp song ngữ. Thời gian đầu, do giáo viên còn chưa quen phương pháp và các kỹ thuật dạy học, vốn tiếng Mông còn hạn chế nên cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng qua các năm, được tập huấn thường xuyên, việc giảng dạy đã đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng học sinh các lớp song ngữ cao hơn hẳn so với các lớp đại trà.

Chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ với những kết quả đã đạt được từ chương trình thí điểm đang mở ra một hướng dạy học mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với vùng cao Lào Cai, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, mô hình này dự kiến sẽ được nhân rộng hơn nữa trên địa bàn tỉnh./.

Tuấn Ngọc - LCĐT
Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập