Hiệu quả từ công tác xã hội hoá giáo dục ở Lùng Vai

Bởi vậy, công tác giáo dục của xã đã không ngừng phát triển, quy mô mạng lưới trường, lớp được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập tại địa phương.

Học sinh vùng cao Mường Khương trong giờ tự học.   Ảnh: Thu Phương  

Thời gian qua, công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục được thực hiện thường xuyên đến từng người dân. Từ đó, nhân dân hiểu rõ mục tiêu xã hội hóa giáo dục, tự nguyện tham gia đóng góp tiền và ngày công lao động xây dựng trường, lớp học. Tập thể các nhà trường đã năng động sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả đem lại niềm tin cho nhân dân. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hàng năm, nhân dân địa phương còn tích cực đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng cơ sở vật chất, trang - thiết bị trường học.

Điển hình như Trường Tiểu học Lùng Vai, từ sự ủng hộ của nhân dân, nhà trường đã xây dựng được nhiều phòng chức năng, cổng trường, đổ bê tông đường, sân, bể nước cho 3 phân hiệu, làm bếp tập thể, trồng cây, tu sửa cơ sở... với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Với hơn 70 triệu đồng tiền mặt và ngày công lao động vận động từ nhân dân, Trường Mầm non Lùng Vai đã kéo được điện lưới quốc gia, lắp đường ống dẫn nước, mua sắm được đồ dùng phục vụ bếp nấu ăn cho học sinh bán trú; mua đồ chơi, tu sửa trường, lớp... Cùng với cách làm đó Trường THCS đã làm được sân bê tông hơn 500m2,  5 gian nhà ở cho giáo viên, 2 nhà chòi và một bảng tin với kinh phí trên 50 triệu đồng. Trường PTCS Chợ Chậu đã xây dựng được 55m tường rào, đổ bê tông sân phân hiệu Củi Chủ, làm mặt bằng phân hiệu Cốc Phúng, sửa chữa một số phòng học và nhà ở giáo viên, kinh phí trên 48 triệu đồng...

Thầy giáo Đoàn Xuân Chữ, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Vai cho biết: Sở dĩ công tác xã hội hóa giáo dục ở Lùng vai đã trở thành phong trào và phát triển mạnh là do ngay từ đầu nhà trường đã xác định: không trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước mà giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì thế, công tác xã hội hóa giáo dục góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, cải tạo trường lớp. Để công tác xã hội hóa giáo dục đạt được hiệu quả cao, phải có sự đồng thuận của  dân, nói cho dân hiểu, làm cho nhân dân tin: công sức và tiền họ bỏ ra phục vụ lợi ích chính đáng và thiết thực cho giáo dục. Từ đó nhiều công trình được xây dựng, tu sửa lại: xây dựng tường rào, nhà ăn, vườn hoa cây cảnh, trang - thiết bị, đồ dùng dạy học và nhà vệ sinh… Đến nay, hệ thống trường lớp trong xã đã xây dựng khang trang hơn, đội ngũ giáo viên được bố trí đầy đủ, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ngày một tăng, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Minh Hiền

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập