Năm học mới trên vùng cao Hầu Thào

            Giờ học của học sinh Trường THCS Hầu Thào.
Mặc dù chưa tổ chức lễ khai giảng, nhưng tiếng học bài của học sinh Trường Tiểu học Hầu Thào vẫn vang vang trong những phòng học khang trang. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bước vào từng lớp học, tuy chỉ trên 10 học sinh mỗi lớp, nhưng phòng học nào cũng được trang trí đẹp mắt bằng những bức hoạ lớn. Cô Nguyễn Thị Minh Khuyên, Tổ trưởng bộ môn nhà trường cho biết: Đây đều là tác phẩm của các thầy - cô giáo, chủ yếu là giáo viên mỹ thuật vẽ. Trường đang xây dựng đạt chuẩn quốc gia nên ngoài các bộ môn chính, trường có đủ giáo viên dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc.

Học từ 15/8, tuần đầu tiên học sinh đến lớp chỉ đạt 50%, nhưng sang tuần thứ hai, số học sinh chuyên cần của trường đã tăng lên trên 80%. Thực tế học tập ở vùng cao là vậy - cô Khuyên chia sẻ. Nhưng mấy năm gần đây, được các thầy - cô giáo và chính quyền địa phương vận động, nhiều gia đình có ý thức hơn trong việc cho con đi học. Đang trò chuyện với cô Khuyên, tôi gặp một phụ huynh ở thôn Thào Hồng Dến đưa con tới lớp. Ông phân trần với cô giáo: Sợ cháu mải chơi không đến trường nên tôi phải dẫn xuống đây.

Năm học này, toàn trường có 421 học sinh, hiện tại các em đều được hỗ trợ sách, bút. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn khi biết rằng các em được phát sách theo hình thức lớp trên học xong chuyển cho lớp dưới. Cho dù, bộ quần áo của các em học sinh tiểu học có nhàu, bẩn hoặc chưa đủ ấm, nhưng sách của các em được giữ gìn rất cẩn thận. Nhiều quyển đã dùng đến năm thứ ba vẫn mới. Thầy giáo Nguyễn Bá Thành cho biết: Sách của các em đều được các thầy, cô tự mua giấy bọc và dán nhãn vở. Để các em viết chữ đẹp, các thầy, cô giáo còn mua bút mực thay bút bi đã được phát miễn phí.

Tuy trường tiểu học có 4 điểm trường tại các thôn, nhưng nhiều em học sinh học ở trường chính vẫn phải đi 5 - 7 km. Trường chưa có hình thức bán trú nên các em mang cơm từ nhà đi để ăn trưa. Đôi khi, thầy - cô giáo lại mua thêm thức ăn cho các em cải thiện. Có lẽ đối với những trường học ở vùng cao như Hầu Thào, việc làm đó của các thầy - cô giáo là bình thường. Bởi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng các thầy, cô vẫn tạo điều kiện tốt nhất có thể để các em đến trường.

Những ngày này, thầy và trò Trường THCS Hầu Thào náo nức hơn với những công việc chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học. Năm nay, trường tham mưu cho UBND xã tổ chức lễ khai giảng cả 3 cấp học tại đây và sẽ mời ban đại diện phụ huynh đến dự. Hiện tại, sách vở cho học sinh và văn phòng phẩm của giáo viên đã được cấp đầy đủ, kịp thời phục vụ cho năm học mới. Cô giáo Trần Thị Quỳnh Liên, Hiệu phó nhà trường phấn khởi cho biết: Năm nay, trường được quyết định công nhận là THCS dân tộc bán trú. 95 em học sinh ở nội trú sẽ được hỗ trợ 40% mức lương cơ bản mỗi tháng. Tuy số tiền không cao, nhưng sẽ giúp nhiều em nhỏ từ các bản đi học chữ.

Chính vì thế, nếu như hàng năm, việc tuyển sinh vào lớp 6 rất khó khăn vì tâm lí nhiều gia đình dân tộc vùng cao chỉ cần con em đi học biết chữ và không muốn cho học tiếp. Chính sách hỗ trợ mới sẽ giúp nhiều gia đình mạnh dạn cho con tiếp tục học. Năm học này, riêng khối lớp 6 có 46 em, chia làm hai lớp. Mặc dù chưa nhận được tiền từ chính sách mới, nhưng để đảm bảo cho học sinh đến trường ở nội trú từ 15/8, nhà trường đã tạm ứng mua lương thực, thực phẩm cho các em sinh hoạt. Ngoài ra, các thầy - cô giáo còn tự đóng góp tiền để mua âu ăn cơm và chiếu cho các em nội trú, buổi tối có 2 - 3 thầy, cô giáo ở lại trường trực quản lý học sinh. Hai em Giàng Thị Mơ và Lý Thị Tra, ở tận thôn Hang Đá trên núi cao xuống học nội trú nói với tôi: Thỉnh thoảng cháu cũng nhớ nhà, nhưng được đi học như thế này, cháu vui lắm.

Ông Giàng A Sở, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Nói về cơ sở vật chất, cơ bản trường tiểu học và trung học cơ sở đã được xây dựng khang trang, chỉ có một phòng học ở điểm trường Thào Hồng Dến đã xuống cấp, học sinh phải học nhờ. Cấp học mầm non vẫn còn khó khăn do thiếu phòng học, nhà bếp. Sắp tới, xã chuyển trụ sở cũ của UBND xã cho trường tổ chức lớp dạy.

Được biết, năm học 2011 - 2012, trường mầm non có 185 học sinh, trong đó có 81 em học lớp 5 tuổi. Để hoàn thành phổ cập vào năm 2012, nhà trường đã tích cực vận động học sinh tới lớp. Theo kế hoạch, trường sẽ được bổ sung giáo viên và đồ dùng, trang - thiết bị để đáp ứng yêu cầu giảng dạy nhằm hoàn thành mục tiêu phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Ông Sở khẳng định thêm: Điều thuận lợi là năm học này, công tác vận động học sinh tới trường được quan tâm và thực hiện tích cực. UBND xã chỉ đạo các thôn, bản tổ chức cho các gia đình có con em đến tuổi đi học ký cam kết theo quy ước. Đảng uỷ xã thành lập các tổ vận động, trong đó có bí thư chi bộ, trưởng thôn phối hợp với các nhà trường tới nhà dân tuyên truyền vận động học sinh đi học. Một trong những mục tiêu xã Hầu Thào đặt ra trong công tác giáo dục là ngày càng có nhiều học sinh dân tộc địa phương đi lên từ những mái trường vùng cao này được học nghề và có việc làm ổn định. Chia tay Hầu Thào, tôi càng hiểu hơn câu nói của cô giáo Khuyên: Việc học ở vùng cao là vậy. Sự đồng tâm giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy - cô giáo chính là điều kiện tốt nhất để phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Mai Hương  - LCĐT

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập