Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được mở rộng, đáp ứng yêu cầu học tập của trẻ em và thanh - thiếu niên trong độ tuổi PCGD, đặc biệt là cho trẻ 5 tuổi. Quy mô giáo dục tiếp tục phát triển và từng bước ổn định. Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 197 trường mầm non, 239 trường tiểu học, 196 trường THCS, 28 trường THPT, 11 trung tâm GDTX, 164 trung tâm học tập cộng đồng; 8.570 lớp và nhóm lớp; trên 173.390 trẻ, học sinh, học viên (tăng so với năm học trước 3 trường, 303 lớp và nhóm lớp, trên 7.680 trẻ, học sinh). Đặc biệt, Lào Cai đã chuyển đổi 37 trường phổ thông trở thành trường PTDT bán trú, nâng số lượng trường PTDT bán trú toàn tỉnh lên 63 trường. Loại hình trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường có học sinh bán trú đã góp phần huy động trẻ ra lớp, học sinh đi học chuyên cần. Đến tháng 12/2012, toàn tỉnh có 203 trường học đạt chuẩn Quốc gia, tăng 21 trường so với năm 2011, trong đó, có 30 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng cộng đồng thân thiện vì trẻ em” đã làm thay đổi môi trường học tập, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Đó là cơ sở quan trọng và là điều kiện cơ bản đảm bảo thực hiện nhiệm vụ PCGD và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập.

              Năm 2013, Lào Cai phấn đấu hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ phổ cập. Lào Cai hiện có trên 17.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học, tăng trên 870 người so với năm 2011, trong đó giáo viên mầm non tăng gần 430 người. Việc triển khai đồng bộ các cuộc vận động và phong trào thi đua đã tác động mạnh đến đạo đức, ý thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà giáo. Ngày càng có nhiều tấm gương cán bộ, giáo viên tận tụy vì học sinh, nhất là thầy - cô giáo ở vùng cao, vùng khó khăn. Cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng, phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục để đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ cập.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo PCGD tỉnh, năm 2012, chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục chuyển biến, công tác PCGD đạt nhiều kết quả khả quan. Với PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,8%; 100 xã đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, tăng 7 xã so với kế hoạch (trong đó duy trì đạt chuẩn 46 xã, đạt chuẩn mới 54 xã). Thành phố Lào Cai đã kiểm tra đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi năm 2012. Với PCGD tiểu học, 164/164 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn PCGD – CMC và PCGDTH – ĐĐT mức độ 1; 84 xã đạt chuẩn PCGDTH – ĐĐT mức độ 2, tăng 21 xã so với năm 2011. Về PCGDTHCS, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 -18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,16%, tăng 1,26% (trong đó 86 xã có tỷ lệ này từ 90% trở lên); 164 xã, phường, thị trấn duy trì PCGDTHCS. Ở các địa phương, công tác xóa mù chữ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.

Thời gian qua, việc tăng cường các nguồn lực, thực hiện chế độ, chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đã giúp Lào Cai thực hiện tốt nhiều mục tiêu PCGD. Năm 2012, các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bao gồm kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia GDĐT, đề án kiên cố hóa trường, lớp giai đoạn 2008 - 2012; Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình MTQG về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kinh phí từ ngân sách địa phương tập trung đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học trên 381 tỷ đồng; riêng kinh phí tỉnh giao để thực hiện các hạng mục trong Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là 161 tỷ đồng. Tổng hợp các nguồn vận động, quyên góp xã hội hóa giáo dục thực hiện nhiệm vụ PCGD nói chung, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nói riêng (gồm: Ủng hộ tiền, hiến đất, lương thực, đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng làm phòng học tạm, bếp ăn cho trẻ bán trú…) trên 20 tỷ đồng. Thành phố Lào Cai, một số xã thuộc huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Si Ma Cai là những điển hình trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Năm 2013, phát huy những kết quả đạt được, Lào Cai sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập và giáo dục toàn diện trên địa bàn, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Để đạt được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục – đào tạo, cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự đồng tình ủng hộ, tham gia của nhân dân.

Tuấn Ngọc
Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập