Ngành giáo dục - đào tạo Lào Cai tự tin bước vào năm học mới

          Học sinh trường phổ thông DTNT huyện Mường Khương.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy và học, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục toàn diện. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chất lượng dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các cấp học. Các lớp bồi dưỡng cho giáo viên, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, tăng khả năng giao tiếp, nghiên cứu tài liệu, các giáo viên còn được quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó làm cơ sở cho mỗi thầy - cô giáo tự đề ra nhiệm vụ rèn luyện, nâng cao đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà giáo. Các nhà trường, cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí đánh giá giáo viên thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy - cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, gắn với Cuộc vận động “Hai không” và 4 nội dung được ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện.

Theo thống kê, năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có hơn 162.000 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở, trong đó tuyển mới là 6.068 học sinh ở tất cả các cấp học; bậc THPT duy trì 27 trường, có 434 lớp, 17.000 học sinh và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên với 106 lớp, tổng số 3.570 học viên. Để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, ngành đặc biệt chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đối với giáo dục mầm non: thực hiện chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, nhằm chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để vào lớp 1. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Năm học này, ngành giáo dục chỉ đạo các huyện, thành phố điều tra, khảo sát, từng bước tiến hành Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở khung phân phối chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành, Sở GD&ĐT tổ chức, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện chương trình THCS, THPT, chỉ đạo các trường thực hiện dạy học theo chuẩn của chương trình. Tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục. Tăng cường dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số.

Đối với THPT, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp: thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới, tăng cường các điều kiện học chữ, học nghề, mở rộng các loại hình đào tạo linh hoạt. Phát động các phong trào đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, bồi dưỡng tình cảm, tinh thần chủ động, thái độ tích cực trong học tập của học sinh, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, kiên quyết chấm dứt kiểu dạy học “Thầy đọc, trò chép”… Đồng thời, thực hiện tốt công tác khảo thí và kiểm định chất lượng, đưa công tác thanh tra, kiểm tra tiến lên một bước mới, nhằm đảm bảo quản lý chất lượng chặt chẽ, khoa học, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới cũng được ngành giáo dục và các địa phương triển khai tích cực. Bằng các nguồn vốn đã được đầu tư, tính đến hết tháng 8/2010, đã có 279 công trình trường học được xây dựng, với 821 phòng học, 172 phòng ở của giáo viên đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, 110 công trình với 291 phòng học và 277 phòng ở đang tiếp tục thi công. Trong năm 2010, có tổng số 390 công trình với 1.112 phòng học, 449 phòng ở cho giáo viên được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí là 409, 859 tỷ đồng.

Sự chủ động và tích cực của ngành giáo dục cùng với các địa phương chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới là tiền đề quan trọng để năm học 2010 - 2011 thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Thu Phương  - LCĐT

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập