Phổ cập giáo dục ở các xã khó khăn: Cần những giải pháp hữu hiệu

Còn nhiều lớp học tạm ở các địa phương.

Tồn tại lớn nhất trong công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 23 xã khó khăn theo đánh giá của Ban chỉ đạo cấp tỉnh là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục ở một số xã vẫn có biểu hiện thiếu quyết liệt, thiếu biện pháp cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, trưởng thôn, bản, các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động học sinh đi học chuyên cần ở một số xã còn hạn chế. Năng lực tham mưu của một số hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở vùng cao với cấp ủy, chính quyền còn lúng túng, hiệu quả hạn chế. Công tác tuyên truyền về giáo dục, các chế độ hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn đến cán bộ, nhân dân chưa được đầy đủ, kịp thời nên người dân chưa nắm và hiểu rõ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với con em khi đi học. Chất lượng giáo dục trung học cơ sở có chuyển biến nhưng còn chậm, một số trường vùng cao, vùng khó khăn chất lượng giáo dục trung học cơ sở chưa có chuyển biến, thể hiện số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia thi tuyển vào lớp 10 rất ít, điểm thi thấp, học sinh gặp khó khăn khi học lên trung học phổ thông…

Ông Hoàng Văn Pao, Trưởng Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục xã Tân Tiến (Bảo Yên) cho biết: Chất lượng phổ cập giáo dục của địa phương chưa có chuyển biến rõ rệt, do trường học thiếu các phòng chức năng, phòng học bộ môn, phòng ở bán trú học sinh và các thiết bị phục vụ học sinh thiết yếu. Tỷ lệ học sinh vào lớp 10 năm học 2012 - 2013 của xã chỉ đạt 37,21%...

Trở ngại khiến công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở chuyển biến chậm là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần hằng ngày còn thấp so với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục và yêu cầu của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tỉnh. Ông Sùng Seo Lử, Trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã Cán Hồ (Si Ma Cai) cho rằng: Lý do tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt thấp do các xã vùng cao thường rơi vào thời điểm thời tiết mưa rét kéo dài, thời kỳ mùa vụ, trước và sau Tết Nguyên đán, thời điểm có nhiều lễ hội ở địa phương… Có xã, thời điểm kiểm tra học sinh trung học cơ sở tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt 50%. Theo kết quả kiểm tra, ở các xã: Cán Hồ, Nàn Sán (Si Ma Cai); Dìn Chin (Mường Khương); Sa Pả, Tà Giàng Phình, Hầu Thào, Bản Phùng (Sa Pa); Bản Già (Bắc Hà)… đều có chung một đánh giá là tỷ lệ học sinh chuyên cần thấp.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục ở cơ sở, nhất là ở 23 xã khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trong đó, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu lực của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xã, giao nhiệm vụ cho cán bộ chủ chốt xã phụ trách các thôn, bản còn yếu về phổ cập giáo dục. Tập trung chỉ đạo nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần hằng ngày, xác định rõ việc vận động và duy trì tỷ lệ này là trách nhiệm của Ban chỉ đạo cấp xã, của trưởng thôn, bản.

Cùng với đó, các trường học chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở, trong đó thực hiện nghiêm túc việc giảm tải nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tổ chức dạy phụ đạo học sinh yếu kém, học sinh đi học không đều, tăng cường quản lý, hướng dẫn học sinh tự học buổi chiều, buổi tối, tổ chức các hoạt động ngoài giờ. Bên cạnh đó, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở phải chỉ đạo các tổ chuyên môn trong trường thảo luận các biện pháp, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng học sinh, giúp học sinh dễ học, dễ nhớ, không để học sinh bỏ học vì lý do học yếu.

Với một số giải pháp hữu hiệu như trên, tin rằng công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh sẽ có bước chuyển biến trong thời gian tới.

Kiều Lê
Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập