Thầy giáo trẻ nặng lòng với con chữ nơi vùng cao Văn Bàn

Sinh năm 1985, là con thứ 5 trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tuổi thơ Hải trôi qua không mấy êm ả trong cái đói, cái nghèo. Và bài toán "cơm, áo, gạo, tiền" cho từng ấy con người đi học quả là nan giải. Năm 1991, người cha đổ bệnh nặng càng làm cho gia đình khốn khó. Thế nhưng, dù đã bỏ cả việc đồng áng, bán tất cả những gì có giá trị cho những đợt điều trị kéo dài cả năm trời mà bệnh tình của cha Hải cũng không thuyên giảm. Các anh chị cũng lần lượt nghỉ học để làm lụng trên mảnh đất cằn cỗi, khiến cậu bé Hải khi đó cảm thấy xót xa. Hải tự nhủ: "Chỉ có học thật giỏi, thật tốt mới là cách tốt nhất để giúp đỡ cha mẹ".

                             Thầy giáo Hải luyện chữ cho học trò.

Học THCS, cậu học trò nghèo đã làm cho thầy - cô và bạn bè nể phục bằng thành tích học tập ấn tượng của mình. Lên đến THPT, mọi chuyện đã trở lên khó khăn hơn vì trường cách nhà tới 30 km, Hải phải đi trọ học. Hành trang mang theo ngoài chiếc cặp nặng trĩu là vài cân gạo, mớ rau, cuối tuần lại đạp xe về để phụ giúp gia đình. Mẹ Hải nhớ lại: "Cái thằng đến lạ, đi lại khó khăn là thế mà chưa khi nào bỏ một buổi học dù trời nắng hay mưa. Tuần nào cũng về giúp mẹ những công việc nặng".

Với kết quả 3 năm học tập xuất sắc, Hải âm thầm nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo. Nhưng rồi vì điều kiện gia đình, Hải đăng kí dự thi vào khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, buồn vui lẫn lộn, bởi hơn ai hết, Hải hiểu cuộc sống gia đình. Đặt chân vào cuộc sống sinh viên với những lo toan, Hải mới thấu hiểu được sự nghiệt ngã của cuộc đời.

Vừa nhập trường, Hải đi khắp nơi gõ cửa tìm việc làm thêm để kiếm tiền ăn học, nhưng kiếm sống nơi thành thị vốn không hề giản đơn. Hải tranh thủ đi làm thêm vào buổi chiều với đủ loại công việc  từ gia sư, xe ôm đến nghề bốc vác… Vất vả là vậy, nhưng đêm về lại cặm cụi bên sách vở để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ làm thầy giáo.

Hai năm nơi giảng đường cũng qua đi. Sang năm học thứ 3, Hải tình nguyện đi làm phổ cập xóa mù chữ ở vùng cao và được phân công nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Tả Phìn (Sa Pa). Ở đây, Hải đã chứng tỏ khả năng của mình bằng việc đạt loại giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi kết thúc một năm làm công tác tình nguyện. Ra trường năm 2008, Hải được phân công về huyện Văn Bàn và được điều động về xã Nậm Xây, mảnh đất vốn chứa đựng khắc nghiệt và đầy thử thách.

Trong căn phòng đơn sơ ở khu tập thể Trường Tiểu học Nậm Xây, thầy giáo Hải nhớ lại những ngày đầu lên đây với bao khó khăn vất vả. Ở đây chỉ có những cây Pơ mu trăm tuổi, những ngôi nhà đồng bào Mông thấp thoáng trong sương sớm, những khuôn mặt trẻ lem luốc. Khó khăn lớn nhất mà Hải gặp phải là không được giảng dạy đúng chuyên môn được đào tạo (Phòng Giáo dục - Đào tạo bố trí cho dạy Tiểu học). Vậy là thầy giáo chuyên môn Toán - Lý cao đẳng phải cầm tay, luyện từng nét chữ cho học sinh. Một thoáng buồn, hụt hẫng cũng qua đi, Hải nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới này vì đằng sau những đôi mắt thơ ngây của con trẻ là cả một niềm mong mỏi, khát khao học tập.

Những buổi học đầu tiên thật khó khăn, lớp học chỉ lèo tèo vài học sinh khiến thầy giáo không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Sau vài buổi đi vận động, tìm hiểu, Hải đã tìm ra nguyên nhân vì sao học sinh ngại đi học, nhất là vào mùa đông. Qua đó, thầy giáo đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức chiến dịch "mùa đông ấm" bằng cách quyên góp quần áo rét cho học sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 300 chiếc áo được các thầy giáo huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, phong trào "thanh củi sưởi ấm con chữ" cũng được phát động và được học sinh nhiệt tình hưởng ứng bằng cách mỗi lần đến lớp mang theo một thanh củi để đốt giữa lớp xua tan đi cái giá buốt trong buổi học.

Lớp học đông dần lên vì học sinh không phải chịu cái lạnh tê tái mỗi khi ngồi học. Có trò rồi nhưng làm thế nào để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức khi thầy và trò vẫn còn khoảng cách về ngôn ngữ? Nhưng sự bất đồng đó nhanh chóng được khỏa lấp khi trò học tiếng phổ thông của thầy, còn thầy học tiếng Mông của trò. Chính sự gần gũi, thân thiện của thầy giáo làm cho học sinh mạnh dạn và tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Mặt khác, Hải cũng không ngừng học hỏi các đồng nghiệp, tìm tòi sáng tạo ra những đồ dùng để những tiết học thêm sinh động, phù hợp với đối tượng học sinh.

Thầy Lê Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: "Tuy là giáo viên trẻ, nhưng thầy giáo Hải rất nhiệt tình và luôn hoàn thành xuất sắc những công việc được giao". Tấm gương của thầy giáo Hải thực sự có sức thuyết phục lớn đối với các thầy - cô mới bước vào nghề, dạy học ở vùng cao, vùng còn khó khăn, nhất là khi Hải đã được cấp ủy tín nhiệm cử đi học lớp tìm hiểu về Đảng.

Lê Trung Kiên   

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập