Văn Bàn chăm lo sự nghiệp "trồng người"

 

       Từ công tác PCGD, tỷ lệ chuyên cần ở Văn Bàn luôn đạt cao.
       Năm 1998, Văn Bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ (PCGDCMC). Năm 2004, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT). Năm 2006, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS). Các cấp độ phổ cập giáo duc trên địa bàn huyện đều hoàn thành trước kế hoạch tỉnh giao, được duy trì bền vững theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng và duy trì số lượng. Đến nay, toàn huyện có 23/23 xã, thị trấn duy trì vững chắc PCGDTHCMC, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 99,4%; trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,8%; 21 trường THCS và 4 trường tiểu học có học sinh nội trú dân nuôi, với tổng số gần 1.000 học sinh nội trú.

       Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn, huyện Văn Bàn đã thành lập các ban chỉ đạo phổ cập từ huyện đến các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu thành viên các BCĐ phát huy vai trò, trách nhiệm, hướng mạnh về thôn, bản gắn với việc xây dựng quy ước, hương ước và giao cho từng cán bộ, đảng viên, trưởng các thôn, bản đi đầu trong việc thực hiện ký cam kết trách nhiệm, đảm bảo cho con em đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần bền vững. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã tăng cường giáo viên, cán bộ chuyên trách phổ cập phổ biến kinh nghiệm thực hiện PCGD ở những nơi đạt chuẩn… Huyện ưu tiên tập trung mọi nguồn lực đầu tư kiên cố hoá trường, lớp học, đường giao thông liên xã, liên thôn; đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, kết hợp nguồn lực đầu tư của Nhà nước với sự đóng góp của nhân dân trong việc kiên cố hoá trường, lớp học.

       Nhờ triển khai tốt các giải pháp, mạng lưới trường, lớp đã phát triển mạnh và đồng bộ cả về quy mô và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Năm học 2000 - 2001, toàn huyện có 61 trường, trong đó có 3 trường mầm non, 34 trường tiểu học, 21 trường THCS, 2 trường THPT. Đến năm học 2010 - 2011, trên địa bàn huyện đã có 92 đơn vị trường học (tăng 35 trường), trong đó có 26 trường mầm non, 36 trường tiểu học, 25 trường THCS, 4 trường THPT. Các trường học đều được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Nếu năm 2001, toàn huyện có 716 phòng học, chủ yếu là nhà cấp 4 và phòng học tạm, đến năm 2010 đã xây mới 1.256 phòng học, trong đó trên 70% là phòng học kiên cố, 100% số lớp được trang bị đầy đủ bàn ghế, đồ dùng dạy học; phòng thư viện đảm bảo phù hợp nhu cầu học tập của học sinh vùng cao.

       Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được nâng lên rõ rệt, năm học 2010 - 2011, toàn huyện có 558 giáo viên tiểu học; 489 giáo viên THCS; tỉ lệ giáo viên dạy giỏi hàng năm đạt 25% trở lên; giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên là 98,3% đối với tiểu học và 99,6% đối với THCS… Đây là điều kiện thuận lợi để các trường phối hợp với chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp huy động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số bền vững.

       Bà Trần Thị Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện Văn Bàn cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục (giai đoạn 2001- 2010), ngành giáo dục huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tỉ lệ huy động học sinh tới lớp đạt 99,8%, lộ trình phổ cập giáo dục luôn về đích sớm so với kế hoạch đề ra, chất lượng và độ bền vững PCGD đang từng bước được nâng lên, góp phần tích cực nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Đến thời điểm này, huyện có 32 trường được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó 5 trường tiểu học, 2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia.

       Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp huy động học sinh đến lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, các trường học còn tập trung triển khai nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học; điều tra, khảo sát, phân loại trình độ học lực của học sinh để có kế hoạch dạy phù hợp cho từng đối tượng, mở rộng hình thức dạy 2 buổi/ngày. Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học 2 môn Toán và Tiếng Việt phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, phát triển mô hình nội trú dân nuôi để các em có điều kiện học tập và tăng cường mở thêm điểm lớp ở các thôn, bản xa trung tâm nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp… Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu về kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với học sinh từng vùng, từng dân tộc, các trường còn tăng cường kiểm tra, thanh tra, thường xuyên đánh giá chất lượng giáo dục, nếu giáo viên nào không đạt yêu cầu về chuyên môn đề nghị bố trí chuyển làm công việc khác…

       Do vậy, sau 10 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn huyện đã có những bước tiến mạnh, tạo tiền đề để Văn Bàn hướng tới nền giáo dục toàn diện, bền vững trong những năm tới./.

Thu Phương

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập