Xuống núi đi học chữ

 

Mua đất tặng học sinh

Trường THCS Trung Lèng Hồ có 96 học sinh ở bán trú, chủ yếu là các em ở các thôn, bản xa như: Pờ Hồ, Tả Tả Lé, Séo Tả Lé. Nhờ có mô hình này mà tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên đáng kể. Học sinh bán trú đông, nên để lo đủ chỗ ở cho các em, thầy - cô giáo đã nhường luôn cả nhà công vụ của mình. Tuy nhiên, việc lo bữa ăn cho gần 100 em mới thực sự khiến các thầy, cô phải "đau đầu".

              Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Trung Lèng Hồ.

Ban giám hiệu đã có sáng kiến mượn đất các hộ dân trồng lúa một vụ để trồng rau, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Mỗi tuần, các em vẫn về nhà mang gạo đến trường, thức ăn thì các thầy, cô có thể hỗ trợ một phần, nhưng không lẽ rau xanh cũng phải đi mua trong khi kinh phí có hạn? Đã có lần, các thầy, cô giáo bàn với chính quyền xã dành một khu đất cho học sinh, nhưng khó quá vì Trung Lèng Hồ toàn núi, chỗ nào có thể trồng cấy được thì đều là đất canh tác của người dân. Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Cở biết chuyện cũng nghĩ nhiều lắm: "ngày trước, tôi muốn đi học cũng khó vì trường, lớp ở xa, giờ con em mình đã có điều kiện hơn, nhưng lại thiếu cái ăn mà phải bỏ học thì không đành". Mấy ngày sau, Bí thư Cở đến bàn với các thầy, cô sẽ dùng ít tiền bán thảo quả vụ vừa rồi mua mảnh đất của nhà Lý A Cá tặng cho học sinh bán trú. Các thầy, cô mừng lắm, hiếm ở đâu có cán bộ xã hết lòng với học sinh như thế. Nhưng đâu phải thích mua là mua được, vì nhà Lý A Cá cũng không chịu bán. Là Bí thư xã đấy, nhưng không ép người ta được, rót chén rượu thóc tràn miệng bát, Sùng A Cử nói: "Tôi mua mảnh đất này để tặng học sinh chứ đâu có mua cho tôi, chúng cũng như con cháu mình thôi"- Nghe cũng vừa bụng, Lý A Cá bằng lòng bán gần 400m2 đất với giá 4 triệu đồng.

Mảnh đất nhỏ nằm sát với khu bán trú đã thành mảnh vườn xanh mướt đủ loại rau. Một mô hình mà các thầy, cô ở đây vẫn gọi vui là "xóa đói" ngay tại trường.

Giải bài toán khó

1h chiều. Trường THCS Trung Lèng Hồ vắng cả học sinh và thầy, cô giáo, ngày mai sẽ là ngày đi học đầu tiên sau đợt nghỉ tết kéo dài. Ở khu nhà ở bán trú một vài học sinh từ các thôn, bản xa đã mang gạo đến từ sáng sớm, lục đục dọn phòng, kê lại đồ đạc. Vừa lúc, có bóng thầy giáo về tới trường, đôi ủng lấm lem bùn đất, chiếc áo khoác ngoài ướt đẫm sương, tôi chưa kịp hỏi thì một em học sinh bảo: "Thầy Luân đấy ạ, chắc thầy vừa đi lên bản gọi mấy bạn ngày mai ra lớp". 

Khó khăn chung của nhiều trường học ở vùng cao Lào Cai là sau kì nghỉ tết thường vắng học sinh do dịp này có nhiều lễ hội, thêm nữa, thời gian này trùng với thời điểm bắt đầu vụ mới, nên học sinh THCS thường phải giúp gia đình. Vì vậy, duy trì được học sinh đến lớp luôn là bài toán khó giải nhiều năm nay. Thầy Đinh Ngọc Nam, Hiệu phó Trường THCS Trung Lèng Hồ chỉ tay về phía chiếc bảng phân công giáo viên theo dõi theo địa bàn, cho biết: Nhà trường đã phân công cụ thể từng thầy, cô giáo theo dõi từng thôn, bản để tìm hiểu nguyên nhân các em nghỉ học và vận động gia đình cho con em đến lớp. Cùng với thầy giáo Luân, hầu hết giáo viên của trường đã tỏa đi khắp 7 thôn, bản ở Trung Lèng Hồ để gọi học sinh đến lớp.

Những năm gần đây, đời sống người dân ngày một nâng lên, vì vậy họ quan tâm nhiều hơn đến sự học của con em mình. Thầy giáo Vũ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lèng Hồ chia sẻ: Cách đây mấy năm, số học sinh trong xã học hết trung học mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, nghĩ đến sự học ở đây mà ngán ngẩm vì trường lớp ọp ẹp, lại thiếu phòng học, mà có phòng học rồi cũng vắng học sinh vì bố mẹ chúng đều nghĩ "đi học thì lấy gì mà ăn". Vậy mà giờ đây, sự học nơi đây đã có những chuyển biến rõ rệt, nhiều năm qua, Trung Lèng Hồ luôn được đánh giá là một trong những xã đi đầu trong việc chăm lo giáo dục ở Bát Xát.

Nói về công tác phổ cập giáo dục ở Trung Lèng Hồ, chính những người nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao như các thầy giáo: Ngọc Anh, Nam cũng phải bất ngờ bởi sự đổi thay nhanh chóng ở xã. Vài năm trước thôi, cụm từ "phổ cập giáo dục" vẫn là một thuật ngữ khó hiểu đổi với cả cán bộ xã Trung Lèng Hồ chứ chưa nói gì đến người dân, nhiệm vụ của các thầy, cô giáo khi ấy chủ yếu là xóa mù chữ và chống tái mù chữ là chính. Nhưng đến năm 2005, xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đến năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Từ đó đến nay, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi và tỷ lệ chuyên cần luôn được duy trì ở mức cao.

Căn nhà của người Mông ở Trung Lèng Hồ lúc nào cũng bập bùng ánh lửa. Ngọn lửa để sưởi ấm, vượt qua giá rét. Và trong trái tim của các thầy, cô giáo ở vùng cao này cũng có một ngọn lửa đã được đốt lên và âm thầm lan tỏa để tương lai của những đứa trẻ nơi đây tươi sáng hơn.

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập