“Bài toán” quy hoạch đất cho các trường học: Bài 2: Nguyên nhân do đâu?

Bất cập trong quy hoạch trường học

Trở lại câu chuyện ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà). Nhìn từ ngoài vào, trường khá khang trang nhưng thăm cụ thể các công trình mới thấy còn nhiều bất cập. Từ trước đến nay, trường chưa từng có quy hoạch nào về trường lớp, mà chỉ được thực hiện dự án xây dựng trên diện tích vốn có cho tới khi triển khai chương trình chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính học tập và lúc này mới thấy rõ sự chật chội của cơ sở vật chất cũng như không gian dành cho học tập, sinh hoạt bán trú.

Hậu quả là trường không thể mở rộng diện tích khi người dân đã xây dựng nhà bao quanh khu vực. Với diện tích chật hẹp, các phân khu của trường xây dựng theo kiểu chắp vá. Khu vực bếp nấu ăn, nhà ăn xây sát với nhà vệ sinh, nhà tắm của học sinh và vẫn là nhà tạm. Ngay cả khu vực dành cho học sinh phơi quần áo cũng hạn chế.

Đối với Trường PTDT bán trú THCS xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng trường lại được xây tại điểm trường cũ với diện tích hẹp. Đặc biệt, đất là của nhà văn hóa thôn nên khuôn viên của trường vẫn được sử dụng chung với nhà văn hóa. Hiện nay, trường chỉ có một lối vào từ đường chính rộng khoảng 3 m, xung quanh là ruộng của người dân. Ông Lương Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, trước thực trạng trên, xã đã kiến nghị với huyện về việc giải phóng mặt bằng hoặc có giải pháp khác để đảm bảo diện tích cho trường học, nhưng đến nay vẫn rất khó khăn, nhất là việc giải phóng đất ruộng của người dân, do người dân đang thiếu đất sản xuất.

Đến một số trường học khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng ghi nhận những khó khăn trong công tác quy hoạch trường lớp, công trình phụ, khu bán trú cho học sinh. Có trường do thiếu quỹ đất đã phải xây khu phòng ở bán trú cách xa trường, gây khó khăn trong công tác quản lý học sinh như Trường PTDT bán trú  Tiểu học Tả Van Chư (huyện Bắc Hà), Trường PTDT bán trú THCS Sa Pả (huyện Sa Pa). Một số trường lại có khu ở bán trú cho học sinh quá gần với khu lớp học.

Nhiều trường học vùng cao không mở rộng được diện tích do địa hình bị chia cắt.

Do không có quy hoạch bài bản từ đầu nên các công trình ở nhiều trường học còn lộn xộn, chưa tạo được cảnh quan xanh - sạch - đẹp thu hút học sinh đến trường. Khi số lượng học sinh ở trường chính tăng lên, trường muốn xây thêm phòng học nhưng đã hết quỹ đất, còn dỡ bỏ công trình cũ để xây mới thì rất lãng phí. Với các trường học không đạt chuẩn về cơ sở vật chất, không đảm bảo diện tích theo quy định thì không thể đạt chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình.

Đi tìm nguyên nhân

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao diện tích trường lại chật hẹp, thầy giáo Đỗ Đức Lý, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS San Sả Hồ (huyện Sa Pa) bộc bạch: Trước đây, trường được cấp hơn 4.000 m2 đất, nhưng trên thực tế chỉ có hơn 2.000 m2 sử dụng, còn lại là bãi lau sậy, ta-luy âm. Năm 2003, khi trường được đầu tư xây dựng thì chỉ có hạng mục trường lớp mà không có tường rào bao quanh. Qua nhiều năm, lãnh đạo trường có sự thay đổi nên trường cũng không thể xác định được ranh giới, diện tích cụ thể. Đến khi kiểm tra thực tế trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện hơn 600 m2 đất đã bị người dân lấn chiếm. Thời gian qua, trường phải vất vả đứng ra khởi kiện để lấy lại diện tích đất bị lấn chiếm. Hiện nay, hộ dân lấn chiếm hơn 500 m2 đất phía cổng trường vẫn chưa trả lại, trường đang chờ các ngành chức năng dùng biện pháp cưỡng chế. Còn đối với hộ dân lấn chiếm khoảng 100 m2 đất phía trước sân trường thì chưa có cách nào đòi lại được.

Đối với huyện Sa Pa, nhất là ở các xã phát triển về du lịch, vấn đề mở rộng diện tích cho các trường đang là chủ đề “nóng”. Tình trạng các trường học vùng cao chưa quan tâm đến quản lý, sử dụng đất, bị người dân lấn chiếm đất không chỉ xảy ra ở xã San Sả Hồ. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa, trên địa bàn huyện hiện còn 21/59 trường học cần mở rộng diện tích. Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa cho biết, ở các xã vùng cao có địa hình phức tạp, tìm được mặt bằng rộng để xây dựng các công trình rất nan giải. Những năm trước, lượng học sinh chưa đông nên quy mô các trường học đều nhỏ, còn hiện nay do nhu cầu học tập của học sinh cao, việc sáp nhập các trường, xóa điểm trường lẻ không hợp lý và đưa học sinh ở phân hiệu về trường chính học tập khiến diện tích đất và cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu.

Còn tại huyện Mường Khương, bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho biết, trên địa bàn huyện còn một số trường có diện tích chật hẹp cần mở rộng như Mầm non Tả Thàng, Mầm non Tung Chung Phố, Tiểu học Thanh Bình 2, THCS Dìn Chin… Các trường học này trước đây chỉ xây dựng với quy mô nhỏ do ít học sinh, bây giờ số lượng học sinh tăng lên, cần mở rộng để xây thêm các công trình. Tuy nhiên, trường nằm ở khu vực địa hình dốc, ít mặt bằng, xung quanh là nhà dân nên việc mở rộng là rất khó.

Nhiều điểm trường chưa có “bìa đỏ”

Một nguyên nhân nữa dẫn tới các trường khó khăn trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đất là do chưa được cấp “bìa đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thực tế cho thấy, số trường trên địa bàn tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khá nhiều: Huyện Bảo Thắng có khoảng 20 trường, điểm trường; huyện Mường Khương có 10 điểm trường; huyện Bắc Hà có 5 trường. Đối với huyện Bát Xát, hầu hết các trường THCS đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn còn gần 100 phân hiệu (điểm trường) mầm non, tiểu học chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều nhất là ở các xã: Sàng Ma Sáo, Phìn Ngan, Y Tý, Pa Cheo...
Khi phóng viên làm việc với một số trường, lãnh đạo trường ít quan tâm tới diện tích đất của trường. Khi được hỏi trường có tổng diện tích bao nhiêu? Đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa? Một số lãnh đạo trường học cũng không nắm rõ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là bao giờ tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thuận lợi cho việc quản lý, quy hoạch và sử dụng lâu dài, tránh bị lấn chiếm, tranh chấp? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho các trường học thiếu đất đang cần mở rộng diện tích để đáp ứng hoạt động dạy và học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của học sinh bán trú?                                                   

TUẤN NGỌC - ĐỨC TOÀN
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập