Xã hội Xây dựng các trường PTDT nội trú đạt chuẩn quốc gia

Khó khăn về cơ sở vật chất

Từ cuối năm 2014, Trường PTDT nội trú THCS huyện Si Ma Cai được nâng cấp thành Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Si Ma Cai và bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10. Đến nay, sau 3 năm học, trường có 14 lớp với 490 học sinh, trong đó có 6 lớp học bậc THPT với 210 học sinh. Số lượng học sinh tăng lên, nhà trường cũng được đầu tư thêm để xây dựng một số hạng mục, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Thầy giáo Thền Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở: Năm học 2017 - 2018, trường còn thiếu 6 phòng học (trong đó đang sử dụng 4 phòng học tạm). Bên cạnh dãy ký túc xá mới được xây khang trang dành cho học sinh nữ, thì vẫn còn dãy ký túc xá 3 tầng với 24 phòng dành cho học sinh nam đã bị xuống cấp, toàn bộ hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín và đường ống nước không sử dụng được. Để giải quyết khó khăn này, nhà trường phải tu sửa tạm một phòng vệ sinh và nhà tắm ở mỗi tầng cho tất cả học sinh dùng chung, nhưng vẫn rất bất cập. Ngoài ra, trường chưa được xây dựng nhà đa năng. Các công trình khác như bếp ăn, nhà ăn cho học sinh cũng chật hẹp, cần được xây mới để đảm bảo nhu cầu sử dụng.


Giờ học của học sinh Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Si Ma Cai.

Tuy không phải là trường học nằm ở vùng cao, nhưng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Theo cô giáo Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2017 - 2018, quy mô lớp học tăng lên 6 lớp, nên trường được đầu tư xây thêm 4 phòng học mới, nhưng vẫn còn 2 lớp phải học tại phòng chức năng. Cùng với đó, trường có 42 phòng ở cho học sinh, thì 15 phòng thuộc dãy nhà xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp nhiều, hệ thống tường và cấp thoát nước cũng đã hỏng. Khó khăn nhất đối với Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng là diện tích trường chật hẹp, không có sân chơi, bãi tập cho học sinh. Mặt khác, nhiều lớp học trước đây được xây cho học sinh tiểu học, nay học sinh THCS và THPT ngồi học nên rất chật chội. Những khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy học và xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, là trở ngại trong quá trình phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2020.

Những khó khăn về cơ sở vật chất của 2 trường trên cũng là khó khăn chung của nhiều trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh hiện nay. Sau khi được nâng cấp lên trường liên cấp gồm cả bậc THPT, số lượng học sinh tăng lên, nhiều trường nội trú tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Si Ma Cai đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất, như phòng học, phòng ở nội trú, phòng ăn và các công trình phụ khác.

Phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện mục tiêu của Đề án đổi mới giáo dục, cụ thể là Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú tỉnh Lào Cai, thời gian qua, toàn tỉnh đã hoàn thành nâng cấp 4 trường PTDT nội trú từ THCS lên THCS và THPT. Hiện nay, 9/9 trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh đã có cấp học THPT, đạt 100% mục tiêu Đề án. Hiện, các trường có tổng số 4.165 học sinh, tăng 1.480 học sinh, đến năm 2019 sẽ duy trì ổn định với quy mô 4.445 học sinh. Toàn tỉnh có 34,8% học sinh dân tộc thiểu số được học trong trường PTDT nội trú THCS và THPT, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,4% mục tiêu Đề án.

Hệ thống các trường PTDT nội trú có bậc học THPT cùng với hệ thống các trường PTDT bán trú được xây dựng khang trang trở thành nòng cốt của giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao. Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 có 9/9 trường PTDT nội trú THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, lộ trình phấn đấu của các trường vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại. Hiện, toàn tỉnh mới có 2/9 trường PTDT nội trú đạt chuẩn.


Bếp ăn của học sinh một số trường nội trú chật chội cần được xây mới.

Thời hạn đạt chuẩn quốc gia ngày càng tới gần, các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh đang dồn sức khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Cô giáo Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng chia sẻ: Hiện vẫn chưa có kế hoạch di chuyển trường và xây dựng ở địa điểm mới, trong khi thời gian phấn đấu đạt chuẩn còn không nhiều. Điều nhà trường mong muốn nhất hiện nay là sớm được tỉnh quan tâm để mở rộng diện tích đất và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Còn đối với Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Si Ma Cai, theo lãnh đạo nhà trường, để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, vừa qua, trường đã mở rộng diện tích lên gần 2 ha, đồng thời xây dựng website của trường. Hiện nay, cùng với mong muốn về đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, như lấy chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia để giao cho các giáo viên thực hiện; chú trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; quan tâm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong trường học cũng như làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện nâng cấp các trường PTDT nội trú lên cấp THCS và THPT ở các huyện như hiện nay có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú. Theo đó, sẽ tham mưu cho tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDT nội trú theo hướng hiện đại, mở rộng diện tích một số trường cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 trường nội trú THCS và THPT thành lập mới tại các huyện: Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn. Nhờ đó, hệ thống trường PTDT nội trú sẽ ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.

TUẤN NGỌC
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập