Giáo dục và đào tạo Lào Cai trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức +đi vào hoạt động. Kể từ ngày tái lập đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Lào Cai đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Trong chặng đường 25 năm phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Lào Cai đã giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, có thể kể đến các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đây được coi là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Nhớ lại những ngày đầu mới tái lập, tỉnh Lào Cai có 8 huyện và 2 thị xã, 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 109 xã vùng cao (chiếm 61% số xã toàn tỉnh), 64,35% đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí thấp, số hộ đói nghèo chiếm tới 60%; còn nhiều hủ tục nặng nề; giao thông đi lại khó khăn; đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền cấp xã ở vùng cao chủ yếu chỉ có trình độ tiểu học, một bộ phận chưa biết chữ; đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật hầu như chưa có. Số người mù chữ chiếm tới 52% dân số; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi ra lớp chỉ đạt 35,76%; 14 xã không duy trì được trường, lớp; nhiều trường Tiểu học vùng cao chỉ có lớp 1, lớp 2; rất ít trường hoàn chỉnh tới lớp 5; mỗi huyện chỉ có 01 trường THPT; một số cơ sở giáo dục quan trọng, thiết yếu chưa có như trường Chuyên nghiệp, Dạy nghề, trường Nội trú tỉnh, trường Chuyên; đội ngũ giáo viên thiếu nghiêm trọng, chỉ có 43% đạt chuẩn, một bộ phận đáng kể không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy Lào Cai đã quan tâm lãnh đạo sát sao và có những quyết sách quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X (01/1992) đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục trong những năm 1992 -1995: Công tác Giáo dục Đào tạo, Khoa học công nghệ phải được coi là khâu quan trọng, là động lực để đưa Lào Cai thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Tăng cường củng cố và phát triển giáo dục một cách hợp lý, tập trung thực hiện tốt chương trình Phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Đầu tư phát triển hệ thống trường Dân tộc nội trú, có chính sách khuyến khích đối với giáo viên dạy giỏi, giáo viên lên công tác vùng cao để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học, người lao động có tay nghề cao tham gia vào công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (5/1996) đề ra mục tiêu: Công tác giáo dục cần phải ưu tiên phát triển trước một bước. Tiếp tục đầu tư mới và củng cố hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu học của nhân dân và yêu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh… Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học ở các xã vùng thấp và các xã vùng cao có điều kiện…).
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã huy động các lực lượng, các tổ chưc xã hội cùng tham gia; cùng với việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tỉnh còn ban hành các cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này. Đồng thời với việc phát triển hệ thống trường lớp, tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Các chỉ tiêu giáo dục đã được đưa vào xác định trong các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh gắn với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, đặc biệt là chương trình 135, chương trình xây dựng trung tâm cụm xã. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em đến trường, nhất là trẻ em vùng cao, biên giới, Lào Cai đã đa dạng hóa các loại hình trường như liên cấp tiểu học và THCS, liên cấp THCS và THPT, trường dân tộc nội trú, bán trú…; đồng thời mở thêm nhiều lớp học, thực hiện nhiều chương trình dạy học khác nhau để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, huy động được con em các dân tộc vùng cao, vùng khó khăn đến lớp. Cùng với đó, tỉnh còn xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng nhu cầu và quy mô phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh Lào Cai.
Trong các kỳ Đại hội tiếp theo, mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, XIII, XIV xác định rõ ràng, cụ thể với các giải pháp phù hợp, thiết thực hiệu quả. Nhờ vậy, hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai có bước chuyển biến cả về quy mô và chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhìn lại chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh, đến nay sự nghiệp giáo dục đã lớn mạnh không ngừng, khẳng định vai trò của mình trong việc nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai. Có thể thấy rõ điều này qua những nét chính dưới đây:
Quy mô giáo dục phát triển vượt bậc, mạng lưới trường, lớp được mở rộng; hầu hết các thôn, cụm thôn đều có lớp mầm non, tiểu học, tất cả các xã có trường THCS, tất cả các huyện đều có từ 3 trường THPT trở lên. Toàn tỉnh có 685 cơ sở giáo dục, trong đó có 307 cơ sở đạt chuẩn Quốc gia (đạt 46%), giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực cho tỉnh; đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, với gần 30% dân số thường xuyên học tập.
Công tác phổ cập giáo dục đạt được những thành tựu to lớn. Tháng 5/2000, tỉnh Lào Cai đã đạt chuẩn Quốc gia PCGDTH - CMC với trên 80% trẻ trong độ tuổi hết lớp 5. Tháng 5/2005, được công nhận đạt chuẩn PCGDTH - ĐĐT. Năm 2007, đạt chuẩn PCGD THCS (trước 3 năm so với kế hoạch của Bộ GD&ĐT). Đặc biệt, năm 2013 tỉnh đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi (về đích trước 2 năm so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, là tỉnh thứ 7 của cả nước hoàn thành sớm nhiệm vụ này). Công cuộc phổ cập giáo dục có ý nghĩa lớn lao, làm thay đổi dân trí tỉnh nhà, góp phần xóa đói giảm nghèo, đào tạo cán bộ, đào tạo nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh 25 năm qua.
Công tác phát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng. Đến nay đã có một hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú phát triển mạnh với 01 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, 8 trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT cấp huyện; 115 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Các nguồn lực và chính sách cho phát triển giáo dục dân tộc được ưu tiên đầu tư. Những thành công này đã khẳng định đường lối chỉ đạo giáo dục đúng đắn, sáng tạo của tỉnh trên địa bàn đa dân tộc; củng cố và phát triển tình đoàn kết các dân tộc, bảo vệ an ninh biên giới, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng giáo dục được nâng cao toàn diện thông qua việc ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho phát triển giáo dục; đặc biệt là có những giải pháp đặc thù trong chỉ đạo sự nghiệp giáo dục vùng cao với tinh thần quyết tâm cao, cụ thể, bền bỉ, quyết liệt và sáng tạo; với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được chú trọng; cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với sự nghiệp giáo dục; nhận thức của người dân về giáo dục đã thay đổi căn bản. Nhân dân đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và tham gia tích cực phát triển sự nghiệp giáo dục; đồng thời, giáo dục Lào Cai cũng chủ động, tích cực trong đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác; học tập kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu phương pháp giáo dục tích cực, đào tạo, thu hút các nguồn lực cho phát triển giáo dục.
Sau 25 năm phát triển, đến nay giáo dục Lào Cai đã trở thành một điểm sáng của giáo dục vùng cao trong cả nước; là một trong những tỉnh dẫn đầu của khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, với những mô hình và cách làm sáng tạo. Thành tựu giáo dục Lào Cai trong những năm qua chính là kết quả của sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục và đào tạo vào thực tiễn của một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ và chính quyền, sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lào Cai. Đồng thời là kết tinh của công sức, trí tuệ, tâm huyết và nghị lực phấn đấu của các thế hệ nhà giáo, kết tinh tinh thần hiếu học, cầu tiến bộ, ý chí vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phát huy thành tựu 25 năm qua, chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, trong đó lĩnh vực giáo dục cần tập trung thực hiện có hiệu quả việc: “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực…; phát huy vai trò quan trọng của giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”. Đến năm 2020 có “54% số trường học đạt chuẩn Quốc gia; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông”; để cùng với các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội khác đưa Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc (là tỉnh khá của vùng miền núi phía Bắc)../.