Dồn sức cho giai đoạn “nước rút”

Chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng

Chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vào trung tuần tháng 5. Thầy cô giáo cùng học sinh lớp 12 đang miệt mài, tập trung cao độ cho những giờ ôn thi THPT quốc gia ở giai đoạn “nước rút”. Em La Thị Tấm, lớp 12A cho biết: Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, em lựa chọn thi tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên, với nguyện vọng đăng ký vào Đại học Ngoại thương. Qua các lần thi thử do trường và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, em thấy mình còn hạn chế môn Tiếng Anh, nên cần ôn tập nhiều hơn.

Giờ ôn thi THPT quốc gia của học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh.

Cô giáo Trần Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có 171 học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Cùng 3 môn thi bắt buộc, có 100 học sinh chọn thi Tổ hợp các môn Khoa học Xã hội, 71 học sinh lựa chọn thi Tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên. Khối 12 năm nay chỉ có 6 học sinh đăng ký xét tốt nghiệp, còn 165 học sinh đăng ký thi đại học. Vì thế, nhà trường đang tập trung ôn thi cho các em, với mục tiêu nâng điểm trung bình 3 môn xét đại học lên 22 điểm (tăng 0,5 điểm so với điểm trung bình năm trước). Giải pháp của nhà trường là phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm ôn tập cho học sinh. Hằng tuần, trường đều có khen thưởng nhằm động viên các em ôn thi tốt. Ngoài ra, trường còn tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ”, mời các học sinh thành đạt đến nói chuyện, đồng thời quyên góp ủng hộ học sinh nghèo, tiếp sức cho các em tự tin, vững vàng vượt qua kỳ thi sắp tới.

Đối với Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, không khí ôn thi cũng đang diễn ra khẩn trương. Theo cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, năm nay trường có 338 học sinh lớp 12, trong đó có 327 học sinh có nguyện vọng thi đại học, 11 học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đạt 99,7%. Để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhà trường đổi mới trong công tác chỉ đạo, đưa kết quả thi tốt nghiệp của học sinh vào bình xét giáo viên cuối năm; chỉ đạo các tổ chuyên môn rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước, tập trung nhiều hơn cho một số môn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn thấp so với yêu cầu của trường như Sinh học, Ngoại ngữ. Các thầy cô giáo chú trọng khả năng tự học cho học sinh ở trên lớp, hướng dẫn các em phương pháp tự học để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Trường vùng cao tập trung bồi dưỡng học sinh thi tốt nghiệp

Khác các trường THPT ở thành phố, đa số học sinh các trường THPT ở các huyện, xã vùng cao của tỉnh lại hướng vào mục tiêu thi để xét tốt nghiệp THPT. Tại Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà, năm nay, trong số 216 học sinh lớp 12, có tới 63% học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. Em Mai Thùy Dương, lớp 12A3 cho biết: Nguyện vọng của em là sau khi học xong lớp 12 sẽ đi học nghề may hoặc nấu ăn, nên em chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà cho biết: Căn cứ vào đối tượng học sinh, nhà trường đã có sự phân luồng để ôn thi phù hợp, trong đó chú trọng tinh giản kiến thức để dạy học phù hợp với năng lực học sinh. Khó khăn của trường là hiện nay có khoảng 30 học sinh lớp 12 ở trọ ngoài trường, nên nhà trường yêu cầu toàn bộ học sinh lớp 12 ở bán trú, học sinh trọ ngoài trường các buổi tối lên lớp tự học từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút. Công đoàn trường phân công giáo viên phụ trách giúp đỡ từng nhóm học sinh yếu; Đoàn thanh niên thường xuyên kiểm tra nền nếp bán trú, tình hình học tập của học sinh các khu trọ để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở học sinh dành nhiều thời gian ôn thi.

Cùng với Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà, ở các trường THPT vùng cao khác có nhiều học sinh dân tộc thiểu số cũng chú trọng ôn thi cho đối tượng học sinh xét tốt nghiệp THPT. Giải pháp chung của các trường là phân loại riêng các em có nguy cơ trượt tốt nghiệp để ôn thi phù hợp, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản để làm bài, tránh bị điểm liệt, đặc biệt là ở môn Toán, Tiếng Anh.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trước yêu cầu đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thầy trò các trường THPT phải linh hoạt trong việc dạy, việc học và ôn thi, vận dụng hiệu quả các sáng kiến, kinh nghiệm hay của tổ chuyên môn, của giáo viên; triệt để phân loại đối tượng học sinh và dạy vừa sức, tăng cường giảm tải khi dạy và ôn thi cho học sinh có nhận thức yếu, dạy đến đâu chắc đến đó, chọn giáo viên có kinh nghiệm để bồi dưỡng học sinh yếu. Để huy động được “trí tuệ tập thể”, các nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề cấp trường, hội thảo các môn dạy học và ôn thi cấp cụm (theo huyện, thành phố) nhằm trao đổi những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổ chuyên môn, công tác dạy, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt và bắt kịp kiến thức, kỹ năng cần có để đáp ứng cho kỳ thi sắp tới.  

TUẤN NGỌC
Thi THPT Quốc gia








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập