Thi THPT và xét tuyển đại học: Cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội.

Tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, song việc cập nhật các quy định liên quan đến kỳ thi và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp là việc thí sinh cần quan tâm ngay từ khâu đăng ký nguyện vọng dự thi, để tăng cơ hội trúng tuyển, giảm nguy cơ trượt oan vì thiếu thông tin.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, song phải lưu ý về việc xếp thứ tự ưu tiên. Bà Lê Thị Liên (phụ huynh học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên) cho biết, gia đình khá lo lắng, chưa biết sẽ cùng con quyết định đặt thứ tự của các nguyện vọng như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Giải đáp mối lo này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó; còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng.

Chẳng hạn, thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh B đăng ký nguyện vọng 5 vào cùng một ngành của một trường. Nếu B đã trúng tuyển một trong các nguyện vọng từ 1 đến 4, thì không được xét tuyển nguyện vọng 5. Tuy nhiên, nếu cả bốn nguyện vọng trên, B đều không trúng tuyển thì sẽ được tham gia xét tuyển nguyện vọng 5. Khi đó, cả A và B đều được xét tuyển bình đẳng, lợi thế sẽ thuộc về người có điểm cao hơn.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc có thể tìm hiểu dữ liệu phổ điểm của các năm trước để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp hay không, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là kênh thông tin quan trọng mà thí sinh cần tham khảo.

Tuy nhiên, điểm trúng tuyển của ngành, trường ở từng năm còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như kết quả thi, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, mục tiêu đào tạo... Để bảo đảm khả năng trúng tuyển cao, thí sinh cần cân nhắc theo năng lực học tập và xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp.

Một thông tin nữa mà thí sinh có thể tận dụng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019 là hầu hết các trường vẫn duy trì phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ cấp THPT của thí sinh. Hai phương thức này được thực hiện độc lập, bởi vậy thí sinh có thể đồng thời đăng ký xét tuyển bằng hai cách.

Cân nhắc với bài thi tổ hợp

Theo thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 1209/BGDĐT-QLCL gửi các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường ngày 27-3-2019, để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, thí sinh phải dự thi bốn bài, gồm ba bài độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài do thí sinh tự chọn trong số hai bài tổ hợp là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Song, nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp để vừa tăng cơ hội xét công nhận tốt nghiệp THPT với mức điểm cao, vừa thêm cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp.

Ghi nhận tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, khá nhiều học sinh chưa quyết định sẽ chọn bài thi tổ hợp như thế nào để đạt hiệu quả nhất.

Em Nguyễn Hoa Mai (Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) băn khoăn: “Em dự định đăng ký thi cả hai bài tổ hợp để có cơ hội trúng tuyển đại học ở khối A07 (tổ hợp ba môn toán, lịch sử và địa lý), song lại lo lắng bởi chỉ còn hơn hai tháng nữa là tới kỳ thi, trong khi lượng kiến thức của cả hai bài tổ hợp khá lớn. Nếu thi cả hai bài tổ hợp, em sẽ phải học tới 9 môn, trong khi các bạn chọn một bài thi tổ hợp chỉ học 6 môn”.

Bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa thông tin: Ngay từ khi vào lớp 10, nhà trường đã định hướng dạy và học theo nguyện vọng và thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để kịp thời điều chỉnh. Việc định hướng chọn trọng tâm một bài thi để đạt hiệu quả cao nhất và giảm áp lực học tập là chủ trương của nhà trường với học sinh.

Tại Hà Nội, trong đợt kiểm tra khảo sát với 65.000 học sinh lớp 12 vào cuối tháng 3 vừa qua, số học sinh đăng ký làm bài tổ hợp khoa học tự nhiên là gần 22.000 em, số học sinh chọn bài khoa học xã hội nhiều gấp 2 lần; ít học sinh làm cả hai bài tổ hợp.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đợt khảo sát, việc quyết định chọn bài tổ hợp như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Từ nay tới ngày 20-4, thí sinh vẫn còn nhiều thời gian cân nhắc, trước khi chốt nguyện vọng.

* Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý: Khi đã đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, thí sinh bắt buộc phải làm cả hai bài này. Thí sinh bỏ một trong hai bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không có cơ hội tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019.

Theo GD&TĐ
Thi THPT Quốc gia








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập