Hạnh phúc ngược về phía núi

Hạnh phúc ngược về phía núi

LCĐT - Thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình, nhiều giáo viên vùng xuôi tình nguyện gác lại hạnh phúc riêng, xa gia đình, xa con cái, gửi gắm tình riêng để “ngược núi” gắn bó với học sinh vùng cao. Hạnh phúc của họ chỉ đơn giản là mỗi ngày thấy học sinh đến trường đầy đủ.

“Có những lần về quê, hai con không nhận ra bố mẹ, nhất định không chịu ngủ cùng khiến hai vợ chồng buồn rơi nước mắt” - đó là tâm sự của cô giáo Trần Thị Thanh Hương, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bản Liền, huyện Bắc Hà. 

Gác lại hạnh phúc riêng, cô Hương chuyên tâm cho sự nghiệp giảng dạy.

Hơn 20 năm trước, cô giáo Hương từ Nam Định lên Bắc Hà dạy học và được phân công về Trường Tiểu học Bản Liền, huyện Bắc Hà. Năm đó, cô được phân công dạy học tại điểm trường thôn Khu Chu Tủng. Ngày ngày, đường đi dạy học của cô giáo Hương là những con dốc ngược bám theo núi. Điểm trường được dựng bằng gỗ với 2 lớp học xập xệ, mỗi lớp gần 20 học sinh. Mùa đông gió bấc thổi thốc sách vở ướt nhèm, đôi chân học trò co ro vì lạnh giá. Ngày ấy, để có nước sinh hoạt, cô giáo Hương cùng đồng nghiệp phải đi xách từng xô nước trên đồi cao. Sáng đi dạy, chiều xuống thôn cùng bà con, vận động các em không bỏ lớp.

Nhiều năm “cắm bản”, cô giáo Hương bén duyên với một đồng nghiệp. Hai vợ chồng đều dạy học cùng trường. Khi sinh con trai đầu lòng, sau 6 tháng ở cữ, hai mẹ con bồng bế nhau lên điểm trường dạy học. “Người dân thương cô giáo đã mang cơm, rau đến tận lớp học để tôi giã nát, nấu bột cho con. Giờ lên lớp có phụ huynh bế con giúp. Những ngày tháng khó khăn ấy với tôi không thể nào quên” - cô Hương nhớ lại.

Hơn 20 năm "cắm bản", thầy Hoàng am hiểu địa phương như một người dân bản địa thực thụ.

Cuộc sống vất vả, khí hậu vùng cao khắc nghiệt khiến con nhỏ đau ốm liên miên, hai vợ chồng quyết định gửi con về Nam Định để ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Con trai thứ hai cũng chỉ ở cùng bố mẹ tới hơn 1 tuổi sau đó gửi về ông bà chăm. “Sau những giờ học trên lớp vui vẻ cùng học trò, tối đến là những giọt nước mắt lăn dài vì nhớ con. Cả gia đình chỉ được đoàn tụ bên nhau dịp nghỉ hè, tết Nguyên đán, còn lại là những cuộc điện thoại ngắn ngủi hỏi thăm. Thương con, nhưng khi bước lên bục giảng, chúng tôi gác lại việc riêng, tiếp tục dạy học trò”, cô giáo Hương tâm sự.

Gia đình chị Hương “đoàn tụ” qua những cuộc gọi video.

Thầy giáo Trần Văn Hoàng (chồng của cô Hương) hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bản Liền cũng chia sẻ: Hai vợ chồng không biết bao đêm thức trắng để bàn tính tương lai cho hai con, cùng chịu bao áp lực từ phía gia đình khi vẫn cố bám trụ nơi vùng cao hẻo lánh để “gieo chữ”. Giờ cả hai con đã khôn lớn, trưởng thành, đều thông cảm và trân trọng những hy sinh của bố mẹ, đó là nguồn động viên to lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao.

“Tôi sinh ngày 20/11/1982 - có lẽ sinh đúng ngày Nhà giáo Việt Nam nên tôi thấy mình có duyên với nghề dạy chữ” - đó là lời giới thiệu thú vị của thầy giáo Lê Văn Thắng, giáo viên Trường Mầm non Thanh Kim, thị xã Sa Pa.

Không chỉ là thầy, thầy giáo Thắng còn như chamẹ của những đứa trẻ vùng cao.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tổ, thầy giáo Thắng đã từng có nhiều năm công tác tại UBND xã Hồng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Tuy nhiên, ước mơ làm thầy giáo được nuôi dưỡng, ấp ủ từ nhỏ nên thầy Thắng đã “trốn” gia đình đi thi và đỗ vào Trường Đại học Hùng Vương, chuyên ngành Tiểu học. Sau khi tốt nghiệp, thầy Thắng xung phong lên công tác tại huyện vùng cao ở Lào Cai và được phân công giảng dạy tại điểm trường Bản Kim A, Trường Mầm non xã Thanh Kim. “Khi biết tôi quyết định lên công tác trên này, gia đình phản đối kịch liệt. Mặc dù học chuyên ngành tiểu học, nhưng thời điểm ấy, Sa Pa đang thiếu giáo viên mầm non nên tôi vẫn nhận công tác. Dạy cấp mầm non đối với phụ nữ đã khó khăn, với nam giới lại càng có nhiều hạn chế. Không chỉ là thầy, tôi còn phải đóng vai là cô, là mẹ của các con. Học sinh ở đây là dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp giữa thầy và trò cũng gặp khó, phải dùng cử chỉ, động tác mô phỏng. Nhiều em đến lớp còn nhút nhát, khóc cả buổi, thầy phải bế ẵm, dỗ dành” - thầy giáo Thắng kể.

Thầy giáo Thắng cùng học trò chăm sóc ngôi trường nhỏ.

Đã hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất sương mù, luân chuyển qua 4 điểm trường, tại mỗi điểm trường, thầy giáo Thắng đều thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân nơi đây và thấu hiểu cả khao khát được đến trường của học sinh. Càng tiếp xúc, thầy càng thấy yêu trẻ và gắn bó với nghề. Không có lợi thế về sự khéo léo như các cô giáo, thầy giáo Thắng phát huy sở trường ở cách kể chuyện sinh động, dạy trẻ hát. Trong các tiết dạy múa, dù không dẻo như các cô, thầy vẫn cố gắng, chăm chú chỉnh sửa từng động tác cho học trò. Chính vì thế, thầy giáo Thắng luôn được học trò yêu quý.
Năm học 2022 - 2023, thầy giáo Thắng quay trở lại điểm trường Bản Kim A, xã Thanh Bình (được sáp nhập từ 2 xã Thanh Kim và Bản Phùng) sau khi luân chuyển qua nhiều điểm trường khác nhau như Lếch Mông, Lếch Dao và điểm trường chính. Nghe tin thầy Thắng quay lại nơi bắt đầu dạy học, người dân trong thôn Bản Kim A đều vui mừng chào đón. Ngay từ sáng sớm, bà Phản Tả Mẩy ở thôn Bản Kim A đã ra vườn hái su su để mang vào trường. Bà Mẩy bảo: Người dân trong thôn đều mong thầy giáo Thắng quay trở lại đây dạy học. Học sinh được thầy dạy dỗ, em nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời.

Những giáo viên “ngược núi” nhận đượctình cảm yêu thương của dân bản.

Thầy Thắng cười, bảo: Sau 9 năm quay trở lại đây, cuộc sống bản Dao đã có nhiều đổi thay, nhưng tình cảm mà bà con dành cho tôi vẫn vẹn nguyên như trước. Nhiều hôm, đến trường thấy bà con mang khoai, sắn tới cho thầy. Hạnh phúc bình dị vậy thôi, nhưng có tiền cũng không thể mua được.
Trên sân trường, lũ trẻ xếp thành vòng tròn quanh thầy Thắng, tiếng hát bắt đầu cất lên rộn vang: “Hoa nào mẹ yêu nhất, hoa nào thơm ngát hương. Hoa nào tươi thắm nhất, đó là hoa bé ngoan. Em được mẹ thương nhất, em được cô giáo yêu. Khi mà em ngoan nhất, sẽ là hoa bé ngoan”. Chợt một cậu bé láu lỉnh giơ tay nói một tràng tiếng Mông khiến thầy Thắng cười đỏ mặt. Tôi gặng hỏi mãi, thầy mới nói: “Cháu bảo: Phải là em được thầy giáo yêu, chứ không phải em được cô giáo yêu”.

Hạnh phúc của những thầy cô "ngược núi" chỉ đơn giản là mỗi ngày thấy học sinh đến trường đầy đủ.

Câu chuyện của vợ chồng cô Hương, thầy giáo Thắng chỉ là số ít những giáo viên “ngược núi” dạy chữ. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, họ đã vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì học sinh thân yêu. Gia tài của những thầy cô giáo ấy là sự trưởng thành các thế hệ học sinh thân yêu, tình thương yêu của người dân và sự tôn trọng, cảm thông của người thân nơi quê nhà.  

  • Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

    Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

  • Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016

    Cuộc thi có 35 đơn vị tham gia (trong đó có 31 Sở GD&ĐT, 4 trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT) với 427 học sinh dự thi ở 234 dự án. Qua bốn ngày tranh tài với 20 lĩnh vực dự thi, ban tổ chức đã lựa và công bố giải cao nhất (vòng thi toàn cuộc), gồm: 2 giải Nhất, 8 giải nhì và 8 giải Ba. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao nhiều giải lĩnh vực: Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cũng như giấy chứng nhận, bằng khen cho học sinh.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau hai ngày tổ chức phần thi giảng (ngày 29/02/2016 và ngày 01/3/2016) Ban Tổ chức đã tổ chức thi giảng và rút kinh nghiệm được 119 giờ, trong đó: Xếp loại Giỏi: 42 giờ; xếp loại Khá: 73; xếp loại Trung bình: 04 giờ.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau phần thi kiểm tra năng lực giáo viên, Ban tổ chức Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2015-2016 đã chọn được 199/246 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia phần thi thực hành giảng. Trong tổng số 199 CBQL, GV tham gia phần thi thực hành giảng, Ban tổ chức đã lựa chọn và đặc cách phần thi giảng cho 44 CBQL, GV để nhận nhiệm vụ Giám khảo các môn thi.

  • Khai mạc Giải bóng đá các công đoàn trực thuộc thành phố Lào Cai

    Với mục đích chào mừng Đảng, mừng xuân Bính Thân, tăng cường giao lưu học hỏi, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển; duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho các công đoàn viên trong khối. Sáng ngày 21/2/2016, tại trường THPT số 3 TP Lào Cai, Ban Tổ chức khai mạc Giải bóng đá nam Cán bộ công nhân viên công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành giáo dục tỉnh trên địa bàn thành phố Lào Cai lần thứ hai năm 2016









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập