THPT số 1 Bảo Yên: Mô hình trường học đa văn hóa

      Mỗi một dân tộc có những đặc trưng văn hóa riêng biệt, độc đáo. Dân tộc Tày có làn điệu hát Then, dân tộc Mông có động tác múa Khèn, dân tộc Dao có lễ tục cấp sắc…Mỗi dân tộc có những ngôn ngữ riêng, bản sắc riêng tạo nên nét văn hóa ổn định và bền vững. Tìm hiểu, lưu giữ, phát triển những đặc sắc văn hóa trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động giáo dục trong những năm gần đây.

       Huyện Bảo Yên gồm 13 thành phần dân tộc quần cư, sinh sống. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền, nhận thức của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu học tập và tham gia công tác xã hội của người dân được nâng cao. Đóng trên địa bàn huyện, trường THPT số 1 Bảo Yên chiếm tới 70% học sinh là người dân tộc. Xuất phát từ  tình hình địa phương và đặc thù riêng của nhà trường, năm học 2015-2016, trường THPT số 1 Bảo Yên đã lựa chọn mô hình trường học gắn với thực tiễn: Mô hình trường học đa văn hóa. Ngay từ khi triển khai mô hình, các nhóm, tổ chuyên môn đã tiến hành thảo luận, đề xuất phương án và đi tới sự đồng thuận nhất trí cao. Bắt tay vào thực hiện, mô hình đã khẳng định hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số tới từ các xã khó khăn của huyện: Minh Tân, Điện Quan, Thượng Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Tân Tiến…phấn khởi, tự tin và thật sự hào hứng. Bởi qua mô hình này, các em có môi trường hòa nhập và chia sẻ, sự xa cách về suy nghĩ, nhận thức ở một số học sinh không cùng dân tộc đã rút ngắn dần, các em có không gian để giới thiệu, quảng bá về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình.

       Khởi động cho mô hình “Trường học đa văn hóa”, các em học sinh toàn trường được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Tiết mục do chính các em học sinh người Mông thể hiện và biểu diễn. Tự hào là những người con mang khí chất mạnh mẽ của núi rừng, các em hào hứng say sưa kể về những điệu múa, những lễ hội, những độc đáo về ẩm thực của đồng bào: rượu ngô, mèn mén, thắng cố…Và ấn tượng nhất là những nét đặc sắc trong dân ca, dân vũ gắn với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Âm thanh trầm sâu của khèn, véo von của sáo hòa cùng những tiếng chuông, đồng bạc trên vai áo người con trai, con gái H’Mông say trong vũ điệu, toát lên niềm đam mê, tự tại không điểm dừng trong đời sống tinh thần của họ. Là người Mông, ai cũng say đắm dân ca dân tộc mình, đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống)… mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, trong khi đi chợ, đi hội.Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu tào (đón năm mới), những bài hát dân ca này không chỉ thể hiện bằng lời mà còn được giãi bày thông qua những nhạc cụ dân tộc (sáo, khèn, kèn lá, đàn môi…). Thanh niên thích chơi khèn, vừa thổi vừa múa. Kèn lá, đàn môi là phương tiện để thanh niên trao đổi tâm tình. Để cho các bạn hình dung rõ nét về nghệ thuật này, em Giàng Thị Sai, học sinh lớp 12 A9 đã uốn chiếc kèn lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Giai điệu bài hát nhắc các bạn nhớ tới tâm trạng cô Mỵ trong đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Chiếc kèn lá đơn sơ nhưng lại vang lên những âm thanh dìu dặt, tha thiết, tiếng kèn như tiếng lòng bạn trẻ nao nức mỗi lần xuống núi, tiếng kèn như gợi cả không gian mờ ảo của ánh trăng non trên đại ngàn, gợi bao mối thổn thức trong tâm tình trai gái khi yêu. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thanh niên dùng khèn, đàn môi gửi gắm và thể hiện tiếng lòng mình với bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước. Với tiết mục này, các em học sinh toàn trường đã được đắm mình trong những làn điệu dân ca đầy mê hoặc và ấn tượng do chính các bạn học sinh dân tộc Mông trình diễn.

emoticon

 

emoticon

Cùng với đó, các bạn giới thiệu về nhạc cụ dân tộc không thể thiếu trong các dịp lễ hội của đồng bào Mông, đó là động tác múa Khèn, múa gậy Sênh tiền. Tiết mục đã tạo được sự cổ vũ, tán thưởng và thích thú của đông đảo học sinh toàn trường. Điệu múa như mang theo cả nhịp sống, hơi thở và nét mộc mạc, hoang sơ mà ẩn chứa sức sống bền bỉ, bất diệt của núi rừng…

emoticon Là dân tộc yêu thích thể thao và can trường, dũng cảm trong cuộc sống, người Mông huyện Bảo Yên còn có rất nhiều trò chơi dân gian phong phú được thể hiện trong các ngày hội xuân như: trò đánh quay, đẩy gậy, phi ngựa, bắn nỏ, đánh đu, ném pao, hát ống, ném còn, đánh yến…Mỗi trò chơi mang một nội dung và ý nghĩa riêng. Đánh quay tạo sự rắn chắc của cánh tay, sự tinh tường của con  mắt; đẩy gậy tạo sự dẻo dai của sức chịu đựng;  phi ngựa  rèn luyện lòng dũng cảm và sự can đảm. Trò chơi ném còn cũng là một nét đặc sắc của dân tộc H’Mông. Quả còn lóng lánh mầu sắc  ấp ủ khát vọng mùa màng, khát vọng về những hạt giống chờ gieo xuống bản làng, sinh sôi kết trái. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới. Khi tung lên cao, các tua còn phấp phới như râu rồng, biểu tượng của cỏ cây hoa lá khoe sắc đua hương. Với cách minh họa trò chơi tung pao, ném còn, các bạn dân tộc Mông đã thổi hồn dân tộc mình trong từng động tác. Tiếng hát đối đáp, nhịp nhàng, ánh mắt rạng ngời lấp lánh và những đôi tay mềm mại, khéo léo tuyệt vời, tất cả hòa điệu tạo nên những ấn tượng thật đẹp với đông đảo người xem. Không những thế, trò chơi “Rồng ấp trứng” cũng tạo được những hiệu ứng bất ngờ và thú vị. Đây là trò chơi thể hiện sức khỏe, sự khéo léo, nhanh trí, thông minh của người cướp trứng và sự nhanh nhẹn, dẻo dai của người giữ trứng. Trò chơi nhận được sự cổ vũ và khích lệ nhiệt tình từ phía khán giả, nhiều học sinh dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao cũng háo hức tham gia. Qua trò chơi này, các em học sinh dân tộc Mông thêm tự hào, trân trọng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình.

Nét độc đáo của đồng bào dân tộc Mông còn được thể hiện ở những bộ trang phục rực rỡ nhiều màu sắc. Đó là sự trang trí các họa tiết, hoa văn rất cầu kì, tinh xảo. Màu sắc được trang trí trên váy, áo thường là: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen… Mỗi hoa văn, họa tiết đều ẩn chứa nhiều ý nghĩa, đó là sự gắn kết giữa đời sống của con người với thiên nhiên. Nhìn những bộ váy của phụ nữ dân tộc Mông ta liên tưởng đến những bông hoa đủ sắc màu giữa núi rừng Tây Bắc.

 

 

Trải nghiệm nét đẹp văn hóa dân tộc Mông, các em học sinh toàn trường còn được tìm hiểu những phong tục tập quán, những nét ẩm thực riêng của đồng bào. Tới đây, nhà trường tiếp tục tìm hiểu các nét đẹp của các dân tộc khác: Tày, Nùng, Dao, Giáy, Thái, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay…Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hy vọng mỗi bạn học sinh sẽ là những nhà văn hóa học, dân tộc học trong tương lai, để những nét văn hóa của đồng bào sẽ được bảo tồn, lưu giữ, phát huy mạnh mẽ và sâu rộng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.

 

 

 

 

 

 

                                                                                                   

 

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập